Con được chẩn đoán tự kỷ, bố mẹ vẫn một mực không tin vì lý do này

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 01/04/2022 14:20 PM (GMT+7)

Dù nhận thức về trẻ tự kỷ trong xã hội đã được nâng cao, tuy nhiên vẫn có những suy nghĩ, quan điểm sai lầm về vấn đề này khiến không ít trẻ được phát hiện và can thiệp muộn.

Mẹ đưa con đi khám chỉ để chiều lòng người thân, không tin con tự kỷ

Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Phương Thảo (Khoa Nhi và Tâm lý lâm sàng, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương) cho biết, hiện nay dù chưa có thống kê cụ thể nhưng số trẻ bị tự kỷ có gia tăng với khoảng 1% dân số. Sở dĩ có con số tăng là vì phương pháp chuẩn đoán tốt hơn trước, bố mẹ nhận thức tốt hơn về tự kỷ và cho trẻ đi khám nhiều hơn khi con có những biểu hiện nghi ngờ.

Dù vậy, trong quá trình thăm khám bác sĩ Phương Thảo cũng gặp không ít trường hợp dù trẻ có những dấu hiệu “chỉ điểm” của tự kỷ, nhưng bố mẹ nhất quyết không tin con mình gặp vấn đề này, thậm chí phải có sự can thiệp của nhiều người thân, họ mới chịu đưa con đi khám.

Trường hợp một bé trai 5 tuổi ở Hà Nội tới khám gần đây là một điển hình. Cháu bé có những biểu hiện như ít giao tiếp với người xung quanh, khi hỏi không trả lời vào trọng tâm câu hỏi, nói những từ vô nghĩa… Khi thấy bé trai như vậy, những người thân trong gia đình như cô, dì, chú, bác khuyên bố mẹ đưa bé đi khám. Tuy nhiên, phụ huynh kịch liệt phản đối, cho rằng con không hề bị làm sao.

Người thân cho biết, hằng ngày, trẻ thường xuyên được mua bim bim cho ăn, xem TV và các thiết bị điện tử quên thời gian. Khi xem, cháu quên hết mọi thứ xung quanh, không giao tiếp với mọi người.

Việc đưa trẻ đi khám sớm để được tư vấn và điều trị tự kỷ nếu mắc phải là rất quan trọng. Ảnh tư liệu/Lê Phương.

Việc đưa trẻ đi khám sớm để được tư vấn và điều trị tự kỷ nếu mắc phải là rất quan trọng. Ảnh tư liệu/Lê Phương.

“Dưới tác động của nhiều người thân, cuối cùng họ cũng đưa con đến khám. Nhưng trước đó, cô của cháu bé đã gọi điện trước cho bác sĩ để chia sẻ về tính tình và cách sinh hoạt của gia đình trẻ. Tại phòng khám, khi nghe bác sĩ chẩn đoán cháu bé tự kỷ ở mức độ nhẹ, bố mẹ bỏ ngoài tai cho rằng không đúng. Họ nói việc đưa con đi khám là do người nhà bắt ép chứ không phải do họ cảm thấy con mình có vấn đề”, bác sĩ Phương Thảo chia sẻ.

Theo bác sĩ, những tư tưởng như gia đình này là rất nguy hiểm, bởi khi trẻ bị ở mức độ nhẹ sự can thiệp sẽ có hiệu quả, nhưng rất cần sự hợp tác của gia đình. Nếu không, với cách chăm sóc dinh dưỡng, sinh hoạt chưa khoa học có thể tác động khiến tình trạng trẻ có thể càng nặng.

“Tự kỷ nguyên nhân chủ yếu liên quan tới gen di truyền hay bất thường cấu trúc não, bất thường chất dẫn truyền thần kinh, tai biến sản khoa hoặc một số bệnh người mẹ mắc phải khi mang thai… Xem nhiều TV, điện thoại tuy không phải là nguyên nhân gây hội chứng này, nhưng có thể làm tăng nặng tình trạng… đặc biệt là với những trẻ có các yếu tố nguy cơ”, bác sĩ Thảo cảnh báo.

Việc điều trị trẻ mắc tự kỷ phải kết hợp nhiều biện pháp. Ảnh tư liệu/Lê Phương.

Việc điều trị trẻ mắc tự kỷ phải kết hợp nhiều biện pháp. Ảnh tư liệu/Lê Phương.

Tại sao phụ huynh khó chấp nhận sự thật con tự kỷ? 

Theo phòng khám Tâm lý của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (HCM), đến nay, tự kỷ vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân cũng như chưa có thuốc chữa trị dứt điểm. Bởi thế, nếu một phụ huynh nhận thức rõ bản chất của “tự kỷ” thì việc con mình được xác định mắc chứng này là một “tin dữ” không dễ chấp nhận.

Tâm lý của phụ huynh khi đón nhận chẩn đoán tự kỷ của con có thể sẽ diễn ra theo 5 giai đoạn:

1. Chối bỏ (không chấp nhận chẩn đoán của bác sĩ.

2. Giận dữ (bố mẹ có thể đổ lỗi, quy trách nhiệm cho nhau hoặc cho ông bà, người nuôi dưỡng hoặc giận dữ với chính mình, cảm giác thất bại trong việc nuôi dưỡng con).

3. Thương lượng trả giá (Đi tìm nguyên nhân gây tình trạng của con, cố đi tìm các cách “chữa tự kỷ” và thử cho con…).

4. Buồn bã (Chấp nhận thực tế và cảm thấy buồn, thất vọng, mệt mỏi… ).

5. Thật sự chấp nhận (đối diện với những vấn đề của trẻ, chấp nhận và đón nhận con như những gì con vốn có…

Theo chuyên gia tâm lý, bên cạnh việc nhận định các vấn đề của trẻ, việc đồng hành tâm lý cùng gia đình trẻ tự kỷ cũng đóng vai trò quan trọng không kém.

Rất nhiều lầm tưởng về tự kỷ trong xã hội hiện đại

Bác sĩ Phương Thảo cho rằng, hiện nay rất nhiều người đang lầm tưởng trẻ chậm phát triển tâm thần với trẻ tự kỷ. Thực tế đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, cụ thể: Trẻ chậm phát triển tâm thần nhiều khi vẫn nói, vẫn học viết và phát triển, giao tiếp bằng ánh mắt, cảm xúc… Còn trẻ tự kỷ thì không như vậy. Đa số trẻ tự kỷ có những biểu hiện về rối loạn ngôn ngữ, thiếu hụt khả năng tương tác xã hội, bất thường hành vi định hình, suy giảm trao đổi cảm xúc với mọi người

Một hiểu lầm nữa hay gặp là không ít người nghĩ trẻ tự kỷ sẽ buồn bã, u sầu, xa lánh những người xung quanh… Thực tế, tự kỷ thiên về khó khăn trong giao tiếp, hành vi định hình... chứ không phải lúc lúc nào cũng buồn bã.

Một số người khác lại cho rằng trẻ tự kỷ đồng nghĩa với chậm phát triển trí tuệ vì thế có những sự kỳ thị nhất định, khiến cho các gia đình có con tự kỷ không dám công khai. Đây là sai lầm rất lớn, vì phổ tự kỷ có nhiều hội chứng khác nhau, trong đó có cả hội chứng tự kỷ thiên tài.

Ngoài những vấn đề trên, bác sĩ Thảo nhấn mạnh lối sống, môi trường cũng tác động rất lớn đến trẻ tự kỷ, ví dụ như bố mẹ sống trong môi trường không hòa thuận, bình yên có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của con cái. Gia đình hay xảy ra bạo lực hoặc kỳ vọng quá nhiều, vượt quá khả năng của con cũng dễ ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ. Việc phụ huynh ít quan tâm đến con, thường xuyên bật TV, điện thoại cho con xem rồi để đấy, không trực tiếp dạy dỗ con... cũng có thể tác động khiến tình trạng tự kỷ nặng thêm.

Phụ huynh tuyệt đối không bỏ qua dấu hiệu trẻ mắc tự kỷ để đưa trẻ đi khám sớm.

Phụ huynh tuyệt đối không bỏ qua dấu hiệu trẻ mắc tự kỷ để đưa trẻ đi khám sớm.

Đừng bỏ qua thời gian vàng điều trị

Đối với trẻ bị tự kỷ, việc phát hiện và đưa đi khám sớm có vai trò rất quan trọng, là yếu tố quyết định khá nhiều đến hiệu quả điều trị sau này. Bác sĩ Thảo cho rằng, “thời gian vàng” để điều trị trẻ tự lỷ là trước 3 tuổi, do vậy trước độ tuổi này phụ huynh cần đặc biệt lưu ý những dấu hiệu “chỉ điểm” ở trẻ.

Theo khuyến cáo, khi thấy trẻ có các dấu hiệu sau thì gia đình nên đưa đi khám càng sớm càng tốt:

- Trên 27 tháng không nói được từ đơn có nghĩa hoặc không nói dù đi khám câm điếc hoàn toàn bình thường. Trước kia đã từng biết nói nhưng sau đó thoái triển không nói nữa.

- Trả lời câu hỏi không đúng hoặc nhại lại câu từ quảng cáo, nhại lại lời người khác, nói các âm vô nghĩa.

- Chỉ nói khi có nhu cầu thiết yếu như đòi ăn, đòi đi chơi, trả lời câu hỏi ngắn. Hoặc hỏi câu trước thì vài giờ sau mới trả lời.

- Trẻ biết nói nhưng không biết kể chuyện, không duy trì được hội thoại. 

- Không biết tưởng tượng, không biết chơi giả vờ.

- Trẻ thường đảo ngược đại từ, ví dụ như hỏi: Cháu thế nào?, trẻ trả lời: “Cô bé ở đây”.

- Các bất thường, thiếu hụt về kỹ năng tương tác xã hội, không trao đổi cảm xúc được với người nào, không chơi được với bạn nào thân, không thích đi chơi với các bạn khác.

- Giảm hành vi giao tiếp phi ngôn ngữ, tình cảm cảm xúc. Giảm hành vi cơ thể, điệu bộ cử chỉ, nét mặt. Một số trẻ lại biểu hiện ra quá sợ lãi, lo lắng, lo âu gây khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ, hội thoại.

- Bất thường về hành vi định hình như bảo thủ, hành vi rập khuôn.

- Thích những thứ bảo thủ, lặp đi lặp lại, không thích những thứ mới lạ.

“Tóm lại dấu hiệu trẻ tự kỷ sẽ được thể hiện bằng các bất thường ngôn ngữ, thiếu hụt khả năng tương tác xã hội, bất thường hành vi định hình, suy giảm trao đổi cảm xúc với mọi người, thu hẹp và lặp lại hành vi qua những biểu hiện như đã kể trên. Ngoài ra, Trong quá trình chăm sóc nếu quan sát trẻ có cơn co giật thì nên đi khám càng sớm càng tốt”, bác sĩ Thảo nhấn mạnh.

Tự kỷ có yếu tố di truyền nên việc phòng bệnh cũng không hề đơn giản, nếu trong gia đình đã có ai mắc tự kỷ, khi sinh con cần chú ý các dấu hiệu bất thường để đưa đi khám sớm. Ngoài ra, có thể phòng bằng cách tránh các tai biến sản khoa khi sinh, tránh mắc một số bệnh như sởi, quai bị, rubella khi mang thai… Người mẹ cần bổ sung acid folic trước và trong 3 tháng đầu thai kì, bổ sung Omega 3 trong cả thai kì và sau khi sinh...

                              Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chỉ rõ dấu hiệu giúp cha mẹ nhận biết trẻ bị tự kỷ
Khi thấy trẻ có các biểu hiện không tương tác người thân, tự chơi đồ một mình, hoặc trẻ “ngoan quá” thì gia đình cần đưa con đi khám ngay.

Trẻ tự kỷ

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ tự kỷ