Đứa trẻ mới sinh bị tắc ống lệ mũi do bẩm sinh nhưng mẹ chồng lại trách móc do con dâu sinh thường, "vùng kín" quá bẩn nên mới gây bệnh cho cháu bà.
Nuôi dạy một đứa trẻ sơ sinh là một gánh nặng ngọt ngào. Nhiều gia đình nảy sinh mâu thuẫn về vấn đề chăm con, dạy cháu. Có những ông bà khi thấy cháu gặp vấn đề gì đó, nhất là về sức khỏe thường có xu hướng trách móc, đổ lỗi cho con cái không biết chăm sóc cháu. Điều này sẽ càng tạo thêm gánh nặng cho những người mới làm cha mẹ, đặc biệt là những người mẹ.
Bác sĩ Su Yining, Khoa Phụ sản, Đại học Y khoa Quốc gia Đài Loan, chia sẻ rằng mới đây đã nhận được tin nhắn riêng của một nữ bệnh nhân cũ nói rằng con gái cô bị tắc ống lệ mũi từ khi mới sinh. Đã 8 tháng kể từ khi con gái cô được đưa đến bệnh viện để thông ống lệ mũi, nhưng người mẹ chồng vẫn tiếp tục nói những lời trách móc con dâu.
Cháu gái mới sinh bị tắc ống lệ mũi, mẹ chồng liền trách do "vùng kín" con dâu quá bẩn nên khi sinh thường làm con mắc bệnh. (Ảnh minh họa)
Mẹ chồng cho rằng con có bệnh thì nguyên nhân là ở người mẹ. Mẹ chồng trách rằng đã cảnh báo nhiều lần là sinh thường dễ xảy ra vấn đề vì trong âm đạo có nhiều thứ bẩn. Những lời nói này khiến con dâu tức phát khóc nhưng cũng chỉ có thể coi như không để ý.
Cư dân mạng sau khi đọc bài đăng của bác sĩ cũng đều bênh vực người con dâu và chỉ trích mẹ chồng. "Mẹ chồng thật quá đáng! Sinh con, chăm con đã mệt còn phải nghe những lời này", "Mẹ chồng bạn chắc không phải sinh ra từ âm đạo", một số dân mạng bình luận.
Tắc ống lệ mũi ở trẻ sơ sinh do đâu?
Tắc ống lệ mũi hay tắc lệ đạo là hiện tượng tắc ống lệ mũi gây nên ướt mắt, chảy nước mắt, đôi khi có rỉ mắt ở trẻ em. Đây là bệnh bẩm sinh hoặc mắc phải. Tắc lệ đạo có thể ở một hoặc hai bên mắt của trẻ.
Bất kỳ một nguyên nhân nào làm cản trở sự lưu thông nước mắt từ mắt xuống mũi đều gây ra tình trạng tắc lệ đạo ở trẻ sơ sinh. Một số nhóm bất thường phổ biến như:
- Bẩm sinh: do các nguyên nhân gây tắc hoặc hẹp ống lệ mũi, thông thường ở các trẻ tắc lệ đạo bẩm sinh ống lệ mũi thường có 1 màng ngăn.
- Chấn thương: do sang chấn sau chấn thương hoặc tai biến của các phẫu thuật gây nên tình trạng tắc/hỏng ống lệ mũi.
Trẻ bị tắc lệ đạo gây nên ướt mắt, chảy nước mắt, đôi khi có rỉ mắt ở trẻ em. (Ảnh minh họa)
Tắc lệ đạo không phải bệnh hiếm gặp, cũng không quá phức tạp nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra viêm mủ túi lệ mãn gây viêm kết mạc, viêm giác mạc; gây áp xe túi lệ thậm chí gây viêm tổ chức hốc mắt; gây dò túi lệ (trong trường hợp axpe vỡ).
Dựa vào biểu hiện trên lâm sàng mà các bác sĩ sẽ chẩn đoán và đánh giá mức độ tắc lệ đạo ở bệnh nhi:
- Ướt mắt, chảy nước mắt có thể kèm theo dử mắt.
- Bơm thông lệ đạo thấy nước trào ngược lại.
Việc đưa ra phương pháp chữa tắc lệ đạo ở trẻ còn phải phụ thuộc vào nguyên nhân và độ tuổi mắc bệnh:
- Việc day túi lệ và sử dụng các chế phẩm tra mắt (nước muối sinh lý, kháng sinh, chống viêm,…) theo hướng dẫn của bác sĩ là rất cần thiết và cho hiệu quả cao trong điều trị tắc lệ đạo bẩm sinh.
- Bơm thông lệ đạo gây mê hoặc gây tê:
- Can thiệp: trước đây khi gây mê nhi còn hạn chế, việc thông lệ đạo gây mê rất hạn chế, mặc dù đây là phương pháp tốt và cho hiệu quả cao.