Tại cuộc họp ngày 18/8, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhận định sẽ xuất hiện thêm các ổ dịch trong cộng đồng, yêu cầu các địa phương nâng cao mức cảnh báo, triển khai các biện pháp bảo vệ chặt chẽ các địa điểm xung yếu như bệnh viện, nhà dưỡng lão, cơ sở bảo trợ xã hội, các lực lượn
Xem thêm: Chuyên gia giải thích COVID-19 tấn công cơ thể như thế nào?
Dịch bệnh còn kéo dài
GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành Y tế đang nỗ lực kiểm soát ổ dịch Đà Nẵng, Quảng Nam. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây. Các địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Trước tình trạng nhiều địa phương vẫn còn biểu hiện chủ quan, lơ là, GS.TS Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương phải nâng cao cảnh giác để có thể phát hiện sớm các ca lây nhiễm trong cộng đồng, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó tránh để dịch bệnh xâm nhập, diễn biến phức tạp.
Quán bia hơi trên phố Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội rất đông người ngồi uống nói chuyện vô tư trong trưa ngày 18/8 Ảnh: Như Ý
Nhận định dịch bệnh còn kéo dài, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh phải tiếp tục nâng cao cảnh giác trong thời gian dài với nhiều biện pháp để chung sống an toàn. Trước thông tin gần đây xuất hiện tình trạng cơ sở y tế tư nhân tổ chức dịch vụ xét nghiệm COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định đây là hoạt động không được phép. Các địa phương phải quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một trong những yếu tố quyết định thành công của giai đoạn 1 là bằng tất cả các giải pháp tổng hợp, từ chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động, nêu gương cho đến xử phạt... đã huy động được mọi người dân thực sự vào cuộc chủ động phòng, chống dịch. “Thời gian qua do thực tế chúng ta kiểm soát được dịch bệnh tốt dài ngày cho nên có tâm lý lơi lỏng. Bây giờ là lúc phải nhìn vào thực tế dịch bệnh còn kéo dài, ít nhất một năm nữa vắc-xin mới có thể đến với mọi người. Chúng ta phải tăng cường các giải pháp để thực sự chung sống an toàn trong dịch bệnh”, Phó Thủ tướng nói.
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam có thể có thêm các ổ dịch rải rác trong cộng đồng và xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành khác. Do đó, đề nghị các địa phương phải luôn tăng cường nâng cao cảnh giác, nếu phát hiện kịp thời, sớm khoanh vùng, dập dịch sẽ thuận lợi.
Ngày 18/8, Bộ Y tế cho biết ghi nhận thêm 13 ca mắc mới COVID-19 và 53 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Sau khi ra viện các bệnh nhân sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày tiếp theo. Trong ngày có thêm 1 bệnh nhân tử vong vì COVID-19.
Hải Dương mở rộng diện xét nghiệm
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, với ổ dịch thứ 2 mới nổi lên là Hải Dương, đến nay đã phát hiện 11 ca đều liên quan đến quán Thế giới bò tươi (đường Ngô Quyền, TP Hải Dương). Ca bệnh đầu tiên được phát hiện có liên quan là bệnh nhân 867. Bộ Y tế xác định ca bệnh đầu tiên ở quán ăn này chính là “nguồn vào” dịch COVID-19 ở tỉnh này. Theo nhận định, từ khoảng ngày 25-27/7 có thể có một nguồn bệnh xâm nhập vào quán này, từ đó lây lan ra.
Hải Dương đang quyết liệt khoanh vùng, dập tắt ổ dịch, truy vết, và xét nghiệm với sự hỗ trợ của các viện, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Đến nay, tỉnh này đã thực hiện được khoảng 2.000 mẫu. Riêng ngày 17/8, lực lượng chức năng đã truy vết được 800 trường hợp là F1.
Sáng qua, Bộ Y tế yêu cầu Hải Dương phải lấy mẫu cả người thuộc diện F2, không đợi khi F1 trở thành F0 (ca bệnh), F2 trở thành F1 mới làm xét nghiệm. “Ở Hải Dương, chúng tôi nhận định đã có lây nhiễm trong cộng đồng nên phải mở rộng diện xét nghiệm. Phải lấy mẫu ở những khu vực nghi ngờ. Tại khu vực bệnh viện cũng phải lấy mẫu của nhân viên y tế, bệnh nhân, khu vực phòng khám”, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Theo Thái Hà (Tiền Phong)
Bệnh nhân Covid-19 số 416 ở Đà Nẵng rất nặng, nhiều triệu chứng giống phi công người Anh
Thông tin tại cuộc hội chẩn trực tuyến toàn quốc điều trị ca bệnh Covid-19 nặng chiều muộn ngày 18-8 cho biết hiện cả nước có hơn 400 bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị tại hơn 20 cơ sở khám, chữa bệnh.
Theo bác sĩ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số các ca bệnh hiện đang có 20 ca Covid-19 rất nặng và nguy kịch, trong đó 13 ca tiên lượng rất nặng và 7 ca rất nguy kịch, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Những ca bệnh này đều có nhiều bệnh lý nền như tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận mạn, ung thư... Một số ca phải can thiệp ECMO ngay từ khi xác định mắc Covid-19.
Các bác sĩ đang nỗ lực cứu chữa bệnh nhân Covid-19 nặng - Ảnh: Bộ Y tế
Cuộc hội chẩn trực tuyến có sự tham gia của PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, từ điểm cầu Bệnh viện C Đà Nẵng, các chuyên gia về hồi sức cấp cứu, hô hấp, truyền nhiễm… và các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid-19.
Tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, hiện có bác sĩ Trần Thanh Linh, Bệnh viện Chợ Rẫy, đang hỗ trợ điều trị bệnh nhân nặng. Tại đây đang điều trị 3 bệnh nhân nặng, trong đó có 2 bệnh nhân phải sử dụng ECMO là bệnh nhân 416 và 742. Hai bệnh nhân này được Hội đồng chuyên môn đề nghị xem xét vấn đề nhiễm trùng bệnh viện, tìm nguyên nhân xem xét vấn đề kháng kháng sinh đối với một số vi khuẩn bệnh viện.
Đại diện Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết ca bệnh 416 là ca bệnh Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Đà Nẵng trong giai đoạn từ ngày 25-7, đang diễn tiến rất nặng, trong đó xuất hiện tình trạng nhiễm trùng nặng, kháng thuốc, rất khó điều trị. Hiện bệnh nhân vẫn thở máy, chạy ECMO, điều trị kháng sinh, lọc máu liên tục. Bệnh nhân nhiễm hai loại vi khuẩn đa kháng thuốc.
Kết quả xét nghiệm Realtime RT-PCR của bệnh nhân 416 trong 6 ngày gần đây cho thấy bệnh nhân liên tục âm tính rồi dương tính SARS-CoV-2. Cụ thể, kết quả ngày 12-8 cho thấy bệnh nhân âm tính, ngày 14-8 bệnh nhân dương tính trở lại với SARS-CoV-2, nhưng mới nhất ngày 17-8, bệnh nhân lại chuyển âm tính.
Kết quả kháng sinh đồ cho thấy bệnh nhân 416 hiện kháng hầu hết các loại thuốc kháng sinh điều trị hai loại vi khuẩn mà người đàn ông 57 tuổi quê Đà Nẵng này mắc phải. "Bệnh nhân viêm phổi, hai bên còn có dịch màng phổi. Tiên lượng nặng"- bác sĩ Linh cho hay.
PGS Nguyễn Trường Sơn đề nghị vận chuyển bằng ô tô mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân 416 vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) để phân tích gene kháng thuốc, từ đó lựa chọn loại thuốc kháng sinh phù hợp điều trị đích cho bệnh nhân mà Bệnh viện Chợ Rẫy đang có. Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cho biết bệnh nhân 416 có những triệu chứng, biểu hiện tương đồng với bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh) mà Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều trị khỏi trước đây.
Các điểm cầu tham gia buổi hội chẩn chiều 18-8 - Ảnh: V.Thu
Tại Trung tâm y tế Hòa Vang (Đà Nẵng), PGS-TS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện) Bạch Mai đang hỗ trợ tại đây, cho biết Trung tâm Y tế Hòa Vang hiện có 10 bệnh nhân điều trị hồi sức, trong đó có 5 bệnh nhân thở máy, nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện cao, sức khỏe kém. Trung tâm đã đề nghị Bệnh viện Bạch Mai cử chuyên gia dinh dưỡng giỏi vào hỗ trợ điều trị nâng cao thể trạng cho những bệnh nhân suy kiệt do phải nằm viện lâu ngày.
Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 có 2 bệnh nhân nặng được hội chẩn là bệnh nhân 438 và bệnh nhân 427. Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 có 3 bệnh nhân nặng, trong đó nặng nhất là BN 812, hiện đang được theo dõi sát.
Tại buổi hội chẩn kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, các chuyên gia đã hội chẩn từng ca bệnh nặng chi tiết về diễn biến từng ngày của bệnh nhân. Các chuyên gia nhắc nhở các bệnh viện kiểm soát vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện, tăng cường dinh dưỡng bệnh viện, tăng cường thông khí phòng bệnh; lưu ý vấn đề phối hợp sử dụng thuốc đối với bệnh nhân có nhiều bệnh đi kèm.
Hội đồng chuyên môn cũng đề nghị các bệnh viện thành lập các nhóm điều trị có đầy đủ các bác sĩ hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, chẩn đoán hình ảnh, dinh dưỡng, phục hồi chức năng…. hỗ trợ và điều trị hiệu quả bệnh nhân.
Theo D.Thu - L.Hảo (Người lao động)