COVID-19 ngày 1/9: Tin vui về người giao hàng cho tiệm pizza ở Hà Nội mắc COVID-19

HOÀNG DƯƠNG - Ngày 01/09/2020 08:58 AM (GMT+7)

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, nơi bệnh nhân 812- người giao hàng tiệm pizza điều trị - đang có 1 trường hợp nguy kịch, phải chạy ECMO.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 1/9 cho biết 12 giờ qua, Việt Nam không phát hiện thêm ca mắc mới. Đến nay, tổng số ca nhiễm ở nước ta là 1.044 người, số người khỏi bệnh 707, số người mắc COVID-19 tử vong là 34.

Tính đến 6h ngày 1/9, Việt Nam có tổng cộng 690 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 550 ca.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị, hiện còn 8 trường hợp lâm sàng nặng và nguy kịch, trong đó số phải thở máy xâm nhập là 5 trường hợp, số phải chạy phổi nhân tạo (ECMO) là 2 trường hợp (là bệnh nhân 793 ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và bệnh nhân 416 ở Bệnh viện Dã chiến Hoà Vang). Hầu hết số bệnh nhân nặng này đều là bệnh nhân lây nhiễm cộng đồng, có nguồn gốc từ ổ dịch Đà Nẵng.

COVID-19 ngày 1/9: Tin vui về người giao hàng cho tiệm pizza ở Hà Nội mắc COVID-19 - 1

Ảnh minh hoạ

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, đại diện khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, nơi bệnh nhân 793 đang điều trị, cho biết bệnh nhân đã có diễn biến ổn định hơn.

"Mấy hôm trước bệnh nhân rất nguy kịch, nguy cơ tử vong rất cao, đến nay các chỉ số đã ổn định hơn. Thay vì buộc phải huy động tối đa ECMO, thở máy để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, nay chúng tôi có thể điều chỉnh giảm các thông số trong hệ thống ECMO" - vị bác sĩ cho biết và khẳng định bệnh nhân vẫn đang nguy kịch. Đồng thời, quá trình nuôi cấy vi khuẩn cho thấy bệnh nhân này nhiễm loại vi khuẩn đa kháng thuốc.

Đối với 2 bệnh nhân từng được đánh giá là nặng, rất nặng khác là bệnh nhân 812 và bệnh nhân 867 (đều ở Hà Nội), khoa Điều trị tích cực cho biết bệnh nhân 812 đã có 3 lần âm tính (từ 27-29-31/8), đủ điều kiện công bố khỏi bệnh, sau đó sẽ được tiếp tục cách ly.

Còn bệnh nhân 867 (người đàn ông 63 tuổi quê Hải Dương, từng đến Bệnh viện 108 và Bệnh viện Thanh Nhàn trước khi phát hiện mắc COVID-19, nhập viện hôm 11/8, được Bộ Y tế công bố dương tính hôm 12/8) đã tự sinh hoạt, đi lại, ổn định hơn tuy nhiên bệnh nhân vẫn dương tính với SARS-CoV-2.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị, 29 người xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần một, 72 người âm tính lần hai và 36 người âm tính lần ba.

Theo Võ Thu (Gia đình và xã hội)

Cảnh báo: Các triệu chứng dị ứng có thể nhầm với COVID-19

Tiến sĩ Rachna Shah, chuyên gia dị ứng của Loyola Medicine ở Maywood, Ill cho biết: Vào mùa thu có sự gia tăng của cỏ phấn hương (một chi thực vật có hoa trong họ Cúc) và các chất gây dị ứng khác như phấn hoa, cỏ, nấm mốc… là những yếu tố làm tăng tình trạng dị ứng…

COVID-19 ngày 1/9: Tin vui về người giao hàng cho tiệm pizza ở Hà Nội mắc COVID-19 - 2

Có một số triệu chứng của COVID-19 trùng với triệu chứng của dị ứng bao gồm: Nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu và kích ứng cổ họng. Vì vậy, điều đặc biệt quan trọng trong năm nay là người bệnh phải có kế hoạch điều trị phòng ngừa dị ứng. TS Shah cho biết.

Thông thường, khi mọi người cảm thấy khỏe, sẽ trở nên chủ quan hơn trong việc tuân theo kế hoạch điều trị của mình. Tuy nhiên, nếu bạn bị dị ứng mãn tính, bạn nên bắt đầu các phác đồ điều trị theo mùa bằng thuốc kê đơn, thuốc dị ứng không kê đơn và / hoặc thuốc xịt mũi steroid, càng sớm càng tốt, vì chúng có thể mất một tuần hoặc hơn để phát huy tác dụng. TS Shah khuyên.

Theo TS Shah, các triệu chứng dị ứng có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn, gây khó thở. Người bệnh cần phải có đầy đủ các dụng cụ trong điều trị bệnh hen suyễn của mình. Hãy đảm bảo rằng ống hít không được hết hạn và sẵn có để thay thế và thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa.

Ví dụ, thay đổi thời gian của các hoạt động ngoài trời vào những ngày mà mức độ chất gây dị ứng đặc biệt cao. Theo TS Shah, số lượng phấn hoa cao nhất vào đầu ngày, lúc từ bình minh cho đến 10 giờ sáng. Vì thế, chuyển các hoạt động sang sau thời gian này có thể giúp ích rất nhiều trong phòng ngừa dị ứng. Ngoài ra, đóng cửa sổ hoặc thay quần áo sau khi ra ngoài... có thể giúp ích cho bệnh nhân trong những ngày có chất gây dị ứng cao.

Nếu bạn làm theo các khuyến nghị và không thấy thuyên giảm, bạn có thể cần trợ giúp y tế. Những bệnh nhân vẫn bị các triệu chứng dị ứng sau khi tuân thủ phác đồ điều trị, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và / hoặc điều chỉnh các hoạt động hàng ngày nên được đánh giá lại tình trạng dị ứng bởi bác sĩ.

Các triệu chứng của dị ứng mùa thu có thể bao gồm ngứa mắt, ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, nhức đầu, ngứa tai hoặc chảy nước miếng, chảy nước mũi sau và kích ứng cổ họng…

Theo Bích Ngọc (Sức khỏe đời sống)

Ca mắc COVID-19 thứ 34 tử vong, bệnh nhân 1040 qua đời tại nhà, có bệnh lý nền nặng
Chiều ngày 31/8/2020, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Thành phố Đà Nẵng thông tin về trường hợp tử vong của bệnh nhân...
HOÀNG DƯƠNG (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19