Sau khi giải trình gene virus SARS-CoV-2 từ các bệnh nhân mắc COVID-19 trong nước, Viện Pasteur TP.HCM đã phát hiện 2 biến chủng từ Anh xâm nhập vào Việt Nam.
Đây là nội dung trong bài báo được đăng tải trên tạp chí Y học về Virus (Journal of Medical Virology, Mỹ) của nhóm nghiên cứu Viện Pasteur TP.HCM.
Theo Công Luận, biến chủng thứ nhất là B117 được ghi nhận trên bệnh nhân nữ ở Trà Vinh. Bệnh nhân có tiền sử cao huyết áp, sống tại London, trở về Việt Nam ngày 22/12/2020. Sau 2 ngày nhập cảnh, bệnh nhân được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2
Người phụ nữ cho biết mình đã mặc một bộ thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) trong chuyến trở về Việt Nam và không tiếp xúc với bất kỳ trường hợp mắc COVID-19 đã biết nào ở Anh trước khi khởi hành.
Dựa vào tiền sử dịch tễ, các chuyên gia Viện Pasteur TP.HCM đã tiến hành nuôi cấy tế bào và phân lập thành công SARS-CoV-2 từ mẫu gạc họng và mũi họng của bệnh nhân.
Ảnh chụp biến chủng SARS-CoV-2 từ Anh xâm nhập vào Việt Nam
"Chúng tôi đã nghiên cứu bộ gene đầy đủ của dòng phân lập bằng cách sử dụng giải trình tự thế hệ tiếp theo và so sánh trình tự với chủng tham chiếu. Phân tích trình tự cho thấy dòng phân lập thuộc dòng GR và dòng B117. Nó mang mười đột biến trong vùng tăng đột biến", nhóm nghiên cứu cho biết.
Biến chủng Anh thứ 2 được ghi nhận tại TP. HCM là B.1.177. Biến chủng này được phát hiện ở nam bệnh nhân 28 tuổi, chứa hai đột biến A222V và D614G trong vùng protein đột biến.
Theo Zing, nhóm nghiên cứu nhận định qua các cuộc điều tra dịch tễ học và virus học, biến thể B117 có khả năng lây truyền cao khi xâm nhập vào Việt Nam. Trường hợp bệnh nhân mang biến thể B117 được phát hiện và cách ly ngay sau khi nhập cảnh nên không có sự lây nhiễm thứ cấp.
"Tiếp tục các chiến lược về chính sách kiểm soát biên giới, kiểm dịch và kiểm tra chặt chẽ tất cả hành khách quốc tế đến là điều cần thiết để phát hiện và ngăn chặn sự lây lan các biến thể mới của SARS-CoV-2 trong cộng đồng dân cư Việt Nam", nhóm nghiên cứu nhận định.
Theo Người đưa tin
Bộ trưởng Bộ Y tế: Dự kiến mũi tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên vào ngày 8/3
Dự kiến ngày 8/3, những liều vaccine đầu tiên sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 ngày 26/2 của Thủ tướng Chính phủ.
Sáng 5/3, tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã thông tin những vấn đề liên quan đến việc tiếp cận, sử dụng các nguồn vaccine từ nước ngoài.
"Việc đảm bảo đủ vaccine rất khó khăn, bên cạnh đó đây là những vaccine mới phát triển, chưa có nghiên cứu đủ lâu để khẳng định chất lượng, hiệu quả bảo vệ. Vì vậy, quan điểm của Bộ Y tế là bên cạnh việc mua vaccine từ nước ngoài, phải tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động bằng nguồn vaccine trong nước", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Ngày 24/2, hơn 117.600 liều vaccine AstraZeneca đã về tới Việt Nam. Đến nay, sau các cuộc làm việc với phía nhà sản xuất tại Hàn Quốc, đã có giấy kiểm định chất lượng lô vaccine xuất xưởng. Sau đó, Bộ Y tế đã giao một đơn vị kiểm nghiệm lô vaccine này. "Đến nay đã đủ điều kiện tiêm cho người dân Việt Nam" – Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: VGP
Theo kế hoạch, ngày mai (6/3), Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tập huấn toàn tuyến trên toàn quốc trong vấn đề hướng dẫn tiếp nhận, sử dụng, bảo quản vaccine, cũng như xử lý tai biến sau tiêm…
Dự kiến ngày 8/3 (thứ Hai tuần sau), những liều vaccine đầu tiên sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 ngày 26/2 của Thủ tướng Chính phủ. Trước hết tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân COVID-19 (những người trực tiếp tham gia quá trình điều trị bệnh nhân); các đối tượng theo Nghị quyết 21; các vùng dịch (tập trung cho 13 tỉnh có dịch, trong đó tập trung nhất cho Hải Dương… do lượng vaccine quá ít so với nhu cầu thực tế).
Những người được tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vaccine…
"Tuy nhiên phải khẳng định việc tiêm vaccine không bảo đảm phòng bệnh 100%. Theo thông tin của nhà sản xuất thì vaccine của Pfizer có hiệu quả bảo vệ trên 90%, vaccine AstraZeneca là 76% mũi 1, 81% mũi 2", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin thêm và cho biết đây là số liệu trên nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng.
Các đại biểu tại cuộc họp cho rằng không để tâm lý vaccine ra là giải quyết được hết các vấn đề mà phải tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch. Ban Chỉ đạo yêu cầu việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 phải bảo đảm nguyên tắc công bằng vaccine của Liên Hợp Quốc, khẩn trương nhưng phải rất chắc chắn, đặc biệt phải thông đầy đủ cho người dân, chuẩn bị sẵn sàng xử lý những vấn đề phát sinh thực hiện tiêm chủng.
Theo Gia đình và xã hội
Sáng nay, tiếp nhận hồ sơ đăng ký tiêm thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID do Việt Nam sản xuất
Sáng nay, 5/3 Trung tâm Dược lý lâm sàng (Trường Đại học Y Hà Nội) - đơn vị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc-xin made in Việt Nam thứ 2- COVIVAC sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các tình nguyện viên.
PGS.TS. Phạm Thị Vân Anh, Giám đốc Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc-xin COVIVAC (vắc-xin do Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế - IVAC nghiên cứu, sản xuất) cho biết, Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội sẽ phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư thực hiện thử nghiệm trên 150 tình nguyện viên khoẻ mạnh, từ 18-59 tuổi, cư trú tại Hà Nội.
Để đăng ký tham gia thử nghiệm, tình nguyện viên có thể đăng ký trực tiếp tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội, số 1 Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, Hà Nội. Hoặc gọi điện thoại: 0243.852.3798 – 3188; qua Email: duoclylamsang@gmail.com hoặc qua trang web: http://duoclylamsang.vn
Sau khi khám sàng lọc đủ điều kiện, mỗi tình nguyện viên sẽ được tiêm 2 mũi, mỗi mũi 0,5ml, cách nhau 28 ngày. 150 người sẽ được chia thành 5 nhóm, trong đó 1 nhóm giả dược. Sau tiêm, ở lại theo dõi 24 giờ.
PGS.TS Vân Anh cho biết thêm, mục tiêu giai đoạn 1 là đánh giá độ an toàn và khả năng đáp ứng miễn dịch của vắc-xin để chọn ra 2 nhóm liều tối ưu nhất, chuyển sang nghiên cứu ở giai đoạn 2. Mỗi tình nguyện viên sau tiêm vắc-xin sẽ được khám sức khoẻ 8 lần trong 12 tháng, lấy mẫu máu 7 lần để đánh giá tình trạng sức khoẻ và đo lượng kháng thể sau tiêm.
Mỗi lần đến thăm khám, mỗi tình nguyện viên sẽ nhận được 300.000 đồng hỗ trợ đi lại. Riêng lần tiêm mũi 1 và 2, mỗi người sẽ nhận được lần lượt 1 triệu đồng và 500.000 đồng.
Dự kiến sau khi giai đoạn 1 thực hiện được 43 ngày, nếu các kết quả đáp ứng tốt sẽ chuyển sang giai đoạn 2 với số lượng nghiên cứu 300 tình nguyện viên, thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, Thái Bình.
TS Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế (IVAC) cho biết, dự án nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin COVIVAC của IVAC trực thuộc Bộ Y tế được nghiên cứu từ tháng 5/2020 trên cơ sở hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế sản xuất.
Đề cương nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của vắc-xin COVIVAC đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia và hội đồng đạo đức cấp cơ sở của các đơn vị liên quan chấp thuận.
Vắc-xin COVIVAC là vắc-xin dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vắc-xin vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vắc-xin dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam. Kết quả thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam đến thời điểm này đã cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm.
Các đánh giá tiền lâm sàng cho thấy, vắc-xin đáp ứng miễn dịch tốt, an toàn, có hiệu quả ngăn ngừa biến thể virus của Anh và Nam Phi.
“Chúng tôi đã thử nghiệm trên động vật tại 3 quốc gia là Việt Nam, Mỹ và Ấn Độ. Các kết quả về an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ đều tốt. Sau 7 tháng nghiên cứu tháng (5/2020-12/2020), IVAC đã sản xuất thành công 3 lô liên tiếp trên quy mô lớn từ 50 ngàn đến 100 ngàn liều mỗi lô. Các lô vắc-xin dự tuyển thử nghiệm lâm sàng đã được đánh giá chất lượng tại nhà sản xuất và Viện Kiểm định quốc gia NICVB. NICVB đã cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu chất lượng 6 lô vắc-xin thành phẩm. Vắc-xin COVIVAC cũng đã thử tiền lâm sàng về độc tính, đáp ứng miễn dịch, hiệu quả bảo vệ trên động vật thí nghiệm ở trong nước và nước ngoài”, TS. Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC nói.
Theo Tiền Phong