Cụ bà Đà Lạt U100 ngày nào ngủ dậy cũng trang điểm, duy trì một thói quen để rèn sức khỏe mà ai cũng làm được

DIỆU THUẦN - Ngày 05/02/2023 11:40 AM (GMT+7)

Ở tuổi U100, cụ Dết có đôi mắt sáng, tự chăm sóc bản thân và có làn da trắng mịn nhờ thực hiện một thói quen mỗi ngày trước khi bước xuống giường.

Cụ bà U100 mỗi sáng ngủ dậy là trang điểm

Một ngày đầu năm, anh Nguyễn Thi (ở TP Đà Lạt, Lâm Đồng) chia sẻ hình ảnh một cụ bà tóc bạc trắng, đang ngồi đọc sách kèm lời giới thiệu: “Vị khách chụp hình đẹp nhất tại quán, cụ bà 95 tuổi”. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Thi cho biết cụ bà là mẹ anh - cụ Nguyễn Thị Dết.

“Mấy năm nay, ngày nào mẹ cũng xuống quán cà phê của tôi đọc sách báo, ngồi thiền định và xem khách ra vào. Thói quen này giúp mẹ tôi sống vui vẻ, duy trì sức khỏe tuổi già”, anh Thi nói về mẹ.

Cụ Dết đang ngồi đọc sách ở quán cà phê của con trai. Ảnh: Tuấn Thi.

Cụ Dết đang ngồi đọc sách ở quán cà phê của con trai. Ảnh: Tuấn Thi.

Anh Thi cho biết, cụ Dết sinh năm 1928. Sau năm 1975, kinh tế gia đình khó khăn, cụ làm việc luôn chân luôn tay cả ngày, từ làm nương rẫy đến hái củi, nấu chè mang ra chợ bán. Cho đến khi con cái có kinh tế ổn định, cụ Dết mới chịu nghỉ hưu. Không đi làm kiếm tiền nhưng cả ngày cụ giúp vợ chồng con trai đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa.

Cho đến năm cụ 92 tuổi, các con cháu sợ cụ tuổi cao, chân tay yếu, nếu cứ làm việc nhà chẳng may xảy ra chuyện nguy hiểm mới nói cụ hãy nghỉ ngơi cho khỏe. Tuy vậy, cụ Dết vẫn giữ thói quen chăm sóc con cháu từng ly từng tí.

Ban đầu, con cháu cụ cảm thấy có chút bất tiện vì việc này. Sau đó, anh em anh Thi nhận ra để mẹ làm những việc nhẹ nhàng trong nhà cũng là một cách vận động cơ thể, giúp mẹ sống vui và rèn luyện sức khỏe. “Bây giờ, mẹ thích làm gì chúng tôi cũng đồng ý”, anh Thi chia sẻ.

Anh Thi cho biết, cụ Dết rất biết chăm sóc bản thân. Ở tuổi 95, cụ vẫn giữ thói quen trang điểm, tô son, diện quần áo đẹp hàng ngày khi vừa ngủ dậy. “Hầu như ngày nào mẹ tôi cũng trang điểm”, anh Thi cho hay. Nói về việc thích trang điểm của mẹ, anh Thi chia sẻ, đây là thói quen từ thời trẻ - hầu như mẹ anh luôn duy trì từ năm 1962 đến nay.

Cụ Dết ngày còn trẻ. Ảnh: Tuấn Thi.

Cụ Dết ngày còn trẻ. Ảnh: Tuấn Thi.

Anh Thi kể, năm 1962, cụ Dết bị tai nạn xe khiến một bên cánh mũi bị mất. Một người quen là bác sĩ chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ từng đề nghị làm cánh mũi mới cho cụ Dết nhưng cụ không đồng ý. Để che khuyết điểm này, cụ chọn cách trang điểm.

Buổi sáng thức dậy, sau khi thực hiện các động tác như mát xa mặt, vận động chân tay tại giường, xếp chăn màn, cụ Dết vệ sinh cá nhân rồi ngồi vào bàn trang điểm, chải tóc, mặc quần áo gọn gàng trước khi ăn sáng. Nhờ giữ thói quen này mỗi ngày, da cụ Dết ở tuổi 95 vẫn trắng, ít bị nhăn nheo, xơ hóa.

Không còn đau lưng nhờ thiền định

Anh Thi cho biết, ở tuổi U100, điều bất tiện duy nhất với cụ Dết hiện nay là đôi tai đang nghe kém dần, ai nói chuyện phải ở gần để cụ nhìn khuôn miệng đoán họ nói gì hoặc nhờ các con cháu nhắc lại hay viết ra giấy. Mắt cụ vẫn sáng, chân tay còn khỏe. Cụ tự đi lại, ăn uống và chăm sóc bản thân.  

Ở tuổi U100, da cụ Dết vẫn trắng, mắt sáng. Ảnh: Tuấn Thi

Ở tuổi U100, da cụ Dết vẫn trắng, mắt sáng. Ảnh: Tuấn Thi

Khoảng 8h sáng mỗi ngày, sau khi trang điểm, ăn sáng xong, cụ xuống quán cà phê của con trai ở tầng trệt, chọn một bàn cạnh cửa sổ, có ánh sáng tự nhiên chiếu vào ngồi đọc sách, giúp con trai trông quán, quan sát khách ra vào. Thấy cụ bà người nhỏ nhắn, mái tóc bạc trắng, trang điểm đẹp ngày nào cũng ở quán, nhiều khách nán lại xin chụp hình cùng cụ. Còn anh Thi, lâu lâu chụp ảnh mẹ đăng lên trang cá nhân khiến bạn bè ai cũng ngưỡng mộ.

Chia sẻ về bí quyết có được sức khỏe như hiện nay của mẹ, anh Thi nói bằng giọng cảm phục: “Ngày còn trẻ, mẹ tôi làm việc luôn chân luôn tay cả ngày. Giờ già rồi, mẹ vẫn cứ thích làm việc và vận động. Có lẽ, sức khỏe mẹ được như bây giờ là nhờ chăm vận động, cơ thể tiết nhiều mồ hôi, bao nhiêu chất thải trong người ra ngoài hết”.

Anh Thi kể suốt từ nhỏ đến nay, anh chỉ chứng kiến mẹ đi điều trị ở bệnh viện 2 lần, một là khi bị tông xe mất cánh mũi vào năm 1985 và lần 2 do đau lưng vào hơn 20 năm trước. Với căn bệnh đau lưng, dù được đưa đi chữa ở nhiều nơi với các phương pháp khác nhau, uống nhiều loại thuốc, nhưng không hết, cứ mỗi khi cử động là cụ Dết bị đau.

Một lần, anh Thi được một người chỉ cho cách ngồi thiền định để rèn sức khỏe thì thấy phương pháp này rất hữu ích. Sau đó, anh hướng dẫn mẹ rèn sức khỏe bằng cách này.

Theo anh Thi, ngồi thiền định là quá trình rèn luyện tâm trí để tập trung và chuyển hướng suy nghĩ của chính mình. Với những người đang bị đau ở các vị trí: bụng, mặt, lưng… thì sẽ tập trung vào các vị trí đó nhằm giúp mình có sức chịu đau cao hơn.

Ngồi thiền định là một cách để rèn luyện sức khỏe. Ảnh minh họa.

Ngồi thiền định là một cách để rèn luyện sức khỏe. Ảnh minh họa.

Sau khi được con trai hướng dẫn, cụ Dết ngồi thiền định mỗi ngày 1-2 giờ vào buổi sáng, chiều hoặc tối. “Mẹ thiền định kiên trì và làm nhiều hơn cả tôi”, anh Thi cho biết. Đến nay, cụ Dết đã ngồi thiền định được gần 20 năm. Cùng với đó, anh em anh Thi thay phiên nhau xóa bóp cho mẹ mỗi ngày, giúp mẹ đỡ đau và xương cốt khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, anh Thi đặt phòng ngủ của mẹ trên tầng một để mỗi ngày cụ Dết leo cầu thang bộ cho xương khớp chắc khỏe, cơ thể dẻo dai hơn. Nhờ giữ thói quen tốt này, căn bệnh đau lưng của cụ cũng dần dứt hẳn.

Về ăn uống, cụ Dết có thói quen ăn ngọt, nhất là các món chè và không ăn cay, ăn mặn. “Mỗi bữa, mẹ tôi ăn một chén cơm, kèm thức ăn, rau và trái cây. Giữa các bữa, mẹ sẽ ăn vặt bằng các loại bánh, chè, uống sữa, ăn các thực phẩm tốt cho sức khỏe”, anh Thi chia sẻ.

Theo bác sĩ nội soi tiêu hóa Phạm Thị Ngọc Vân, từng công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, thiền là một bài thực hành dành cho tâm trí. Tâm trí của chúng ta thường hay lang thang, nghĩ về quá khứ, lo cho tương lai... Mỗi ngày chúng ta có 50.000-70.000 suy nghĩ như vậy, nhưng rất ít khi tâm trí của chúng ta hiện diện trong thời khắc hiện tại. Chính điều đó khiến chúng ta mệt mỏi. Thiền định giúp mọi người hướng tâm trí vào một đối tượng và cảm nhận sự hiện diện đó trong thời khắc hiện tại, khi ấy sẽ có cảm giác dễ chịu, thoải mái, kết nối và bình an.

Không những vậy, thiền định còn giúp giảm đau, thúc đẩy quá trình sản xuất serotonin (hormone hạnh phúc khiến cơ thể thoải mái, vui vẻ), giảm huyết áp, giảm căng thẳng và giúp cơ thể được nghỉ ngơi… Trong vài chục năm gần đây, thiền định đã và đang dần được đưa vào các hoạt động chăm sóc sức khỏe chính thức trong hệ thống y tế và cuộc sống hằng ngày. 

Cụ bà tuổi Mão sống hơn 96 năm chỉ vào viện một lần duy nhất nhờ duy trì thói quen ai cũng học theo được
Ở tuổi U100, mỗi ngày cụ Loan đi bộ 3-5 giờ, dùng chiếc xe đẩy bị hư hai bánh sau làm giá đỡ đi bán vé số, nhặt ve chai. Cụ bà cho biết, đi bộ nhiều là cách cụ duy trì sức khỏe tuổi già và giúp hai khớp gối đỡ đau nhức.

Tết nguyên đán

DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe