Cùng họ nhưng thứ rau này giàu vitamin A gấp 10 lần bắp cải xanh

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 11/09/2022 19:00 PM (GMT+7)

Dù cùng là bắp cải nhưng loại có màu tím lại có nhiều giá trị dinh dưỡng hơn nhiều so với bắp cải xanh, nhất là lượng vitamin A và C.

Bắp cải là loại rau rất phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên trong bữa ăn hàng ngày hầu hết các gia đình chỉ dùng loại bắp cái xanh, rất ít người dùng bắp cải tím thường xuyên. Ngoài ra, ít ai biết rằng, bắp cải tím có giá trị dinh dưỡng gấp nhiều lần bắp cải xanh, vì thế lợi ích mang lại cho sức khỏe cũng nhiều hơn,

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trần Như Thủy (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) cho biết, bắp cải tím là loại rau mang lại nguồn vitamin và khoáng chất rất dồi dào cho cơ thể, tuy nhiên trong cuộc sống hàng ngày loại rau này được dùng ít, chủ yếu cho một số món gỏi - nộm hoặc salad.

Theo bác sĩ Thủy, bắp cải tím chứa nhiều vitamin A, C và E. Đặc biệt, lượng vitamin A gấp 10 lần và lượng vitamin C gấp 2 lần so với các loại bắp cải xanh. Chính vitamin A, C và nhiều chất chống oxy hóa trong bắp cải tím giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các tổn thương gốc tự do, bảo vệ các tế bào não phòng suy giảm trí nhớ, giúp đẹp da, chống lão hóa, ngăn ngừa tàn nhang, giúp da đàn hồi và mềm mại hơn. Vitamin A còn tốt cho mắt, cải thiện thị lực, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, giảm nguy cơ hình thành đục thủy tinh thể.

Bắp cải tím chứa nhiều vitamin và khoáng chất rất tốt cho cơ thể. (Ảnh minh họa)

Bắp cải tím chứa nhiều vitamin và khoáng chất rất tốt cho cơ thể. (Ảnh minh họa) 

Trong bắp cải tím cũng có rất nhiều vitamin K giúp xương chắc khỏe hơn, thúc đẩy liền xương cũng như duy trì mật độ canxi trong xương, ngăn ngừa và làm giảm nguy cơ loãng xương, gãy xương. 

Một số khoáng chất như sulforaphane có trong bắp cải tím có tác dụng chống viêm, giảm đau, hỗ trợ ngăn ngừa các biến chứng của viêm khớp. Ngoài ra, bắp cải tím giúp kiểm soát và duy trì cân nặng bởi loại rau này ít calo nhưng nhiều vitamin và khoáng chất, cùng với lượng chất xơ dồi dào, giúp tạo cảm giác no lâu và tốt cho đường ruột, hệ tiêu hóa.

Từ những phân tích trên, bác sĩ Như Thủy khuyên mọi người nên lựa chọn bắp cải tím trong bữa ăn hàng ngày, thay vì chỉ dùng bắp cải xanh. Theo đó, bắp cải tím hoàn toàn có thể chế biến các món ăn hấp dẫn như ăn sống, trộn salad, luộc. Cách sử dụng giữ được nhiều giá trị dinh dưỡng nhất của bắp cải tím, theo bác sĩ Thủy, là ăn sống.

Nên ưu tiên ăn bắp cải tím sống hoặc trộn salad để giữ được nhiều dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)

Nên ưu tiên ăn bắp cải tím sống hoặc trộn salad để giữ được nhiều dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, có thể sử dụng bắp cải tím để làm các món salad, giúp giữ lại trọn vẹn các chất dinh dưỡng hoặc nếu nấu thì chỉ nên vừa chín tới thay vì nấu chín nhừ. Tránh chế biến bắp cải tím với nhiệt độ quá cao vì dễ làm mất chất dinh duỡng và vị ngọt tự nhiên của loại rau này.

Lương y đa khoa Vũ Quốc Trung (Văn Giang, Hưng Yên) cho rằng, nếu so sánh về dinh dưỡng thì bắp cải tím nhiều giá trị hơn bắp cải xanh. Để tốt nhất cho sức khỏe, mọi người có thể thay nhau sử dụng các loại rau này trong bữa cơm hàng ngày cùng các loại thực phẩm khác.

Theo ông Trung, trong đông y, cải bắp tím có vị ngọt, tính hàn, có công dụng giải độc, lợi tiểu, thanh nhiệt, giải khát, mát dạ dày, trừ đờm, chống suy nhược thần kinh, giảm đau, phòng bệnh tim mạch. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy, việc ăn bắp cải nói chung, bắp cải tím nói riêng thường xuyên, có thể phòng bệnh ung thư dạ dày, ruột, thanh quản, thực quản, phổi, tiền liệt tuyến, bàng quang, hậu môn.

Dù bắp cải có nhiều công dụng nhưng lương y Trung khuyến cáo, người bị tiêu chảy, người bị đau dạ dày nên hạn chế sử dụng, nhất là bắp cải sống hoặc các món salad vì dễ gây đầy bụng, khó tiêu.

Ngoài ra, trong bắp cải có chứa một lượng goitrin - mặc dù có tác dụng chống oxy hóa nhưng lại có thể gây bệnh bướu cổ, vì vậy những người bị rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ không nên dùng. Những người suy thận nặng cũng không nên ăn bắp cải.

Cảnh báo loại rau rửa khó sạch, ăn sai cách dễ bị cắt nhầm gan
Có trường hợp bị cắt nhầm gan, mổ nhầm não hay mắt vì nhiễm ký sinh trùng trong quá trình ăn uống. Thế nhưng cũng có trường hợp dù ăn uống rất sạch sẽ...

An toàn thực phẩm

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác