Cải cúc là loại rau quen thuộc, được sử dụng nhiều và có những tác dụng với sức khỏe, tuy nhiên không quá lạm dụng, mà chỉ nên dùng ở mức độ vừa phải.
Tại Việt Nam cải cúc được nhiều gia đình sử dụng làm thực phẩm trong bữa ăn. Cải cúc còn rất tốt với một số người có bệnh lý mãn tính như tăng huyết áp. Ngoài ra, khi thời tiết giao mùa, nóng lạnh đột ngột dùng cải cúc cũng rất tốt.
Hiện đang là thời điểm giao mùa, cùng với đó là dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều người mắc và gặp phải di chứng ho sau khi khỏi bệnh. Có không ít người cho rằng, việc bị ho hậu COVID-19 có thể dùng cải cúc để điều trị, giúp thanh phổi.
Đại tá, lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông y quận Ba Đình) cho biết, đúng là cải cúc rất tốt cho sức khỏe, có thể hỗ trợ được cả ho, cảm lạnh... Tuy nhiên, không nên nói ăn cải cúc điều trị được ho sau khi mắc COVID-19 vì không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh. Nếu nói như vậy, nhiều người bị ho do hậu COVID-19 sẽ lạm dụng, trong khi bất cứ thực phẩm gì ăn nhiều cũng không tốt.
Cải cúc tốt cho sức khỏe và lành tính nhưng không nên tâng bốc quá tác dụng loại rau này.
Lương y Hồng Minh cho biết, cải cúc còn được gọi bằng các tên khác như cúc tần ô, rau tần ô, đồng cao, xuân cúc, có tên khoa học Glebionis coronaria, họ cúc (Asteraceae). Trong đông y, cải cúc có vị ngọt nhạt, hơi đắng, mùi thơ, tính mát, không độc, có tác dụng giúp hòa tỳ vị, an tâm khí, lợi tiểu, tiêu đờm, can bổ thận… Ăn cải cúc sẽ giúp hỗ trợ điều trị các chứng ho, cảm lạnh, hồi hộp, tim đập mạnh, đánh trống ngực, mất ngủ, tâm phiền bất an…
Y học hiện đại cũng nghiên cứu, cải cúc có chứa nhiều dưỡng chất như protid, glucid, lipid và các axit amin, lysin, chất xơ… cũng như nhiều vitamin tốt cho cơ thể. “Để hỗ trợ điều trị một số chứng bệnh, cải cúc đa số được sử dụng để nấu thành canh, súp, kết hợp nấu cùng cháo và một số vị thuốc, thực phẩm khác”, lương y Hồng Minh chia sẻ.
Theo đó, trường hợp ho do thay đổi thời tiết, giao mùa có thể dùng cải cúc khoảng 150 gam, kết hợp với 150-200 gam phổi lợn, tất cả làm sạch, thái miếng nấu thành canh ăn. Nên ăn tròng 3-4 ngày liên tục, cả hai loại thực phẩm phải đảm bảo tươi, ngon.
Trẻ nhỏ bị ho cũng có thể dùng cải cúc khoảng 5-6 gam, cắt nhỏ, cho thêm mật ong rồi đem chưng để uống trong ngày. Ngoài ra, có thể kết hợp cải cúc với đường trắng hấp trong nồi cơm, hoặc cấp cách thủy rồi cho sử dụng trong ngày.
Tuy nhiên, việc dùng cải cúc chỉ hỗ trợ điều trị ho do kích ứng, thay đổi thời tiết. Với trường hợp ho do bệnh lý hoặc mãn tính kéo dài cần đi khám để biết nguyên nhân, từ đó bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị từ căn nguyên.
Cháo cải cúc có tác dụng giải cảm rất tốt khi thay đổi thời tiết.
Ngoài chữa ho, cải cúc có thể kết hợp nấu cháo để giải cảm khi trời đang nóng bỗng trở lạnh đột ngột như hiện nay. Cụ thể, nấu cháo rồi dùng cải cúc rửa sạch, thái nhỏ, sau đó đổ cháo nóng vào rồi trộn đều lên ăn. Khi đó, cháo nóng kết hợp với vị cải cúc bốc hơi sẽ giúp giải cảm lạnh hiệu quả.
Không chỉ có vậy, cải cúc còn giúp hạ huyết áp hiệu quả bằng cách: Cải cúc rửa sạch, đem ép lấy nước cốt uống mỗi ngày khoảng 500ml và uống 2 lần vào sáng và chiều. Cách sử dụng này rất hiệu quả và thích hợp với người bị cao huyết áp kèm đau đầu, nặng đầu.
Dù có nhiều tác dụng nhưng lương y Hồng Minh vẫn khuyên không nên lạm dụng dùng quá nhiều cải cúc, đặc biệt là người thể trạng hư hàn, lạnh bụng, tiêu chảy thì cần hạn chế ăn.
Tin liên quan
Do môi trường sống gần nguồn nước bẩn hoặc bùn đất mà nhiều loại rau củ dễ bị nhiễm ký sinh trùng. Khi không được chế biến, bảo quản đúng...
Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19
Mỹ - Biến chủng KP.2, một nhánh con của Omicron, sở hữu hai đột biến đặc biệt giúp lây truyền nhanh, có thể trốn tránh được miễn dịch.