Vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, hiện nay dịch bệnh sốt xuất huyết đã phá vỡ những quy luật thường thấy, do vậy việc chủ động phòng dịch là vô cùng quan trọng.
Theo thống kê của ngành y tế, trong những tháng cuối năm, tình hình dịch sốt xuất huyết vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều ca bệnh từ trẻ nhỏ đến người trưởng thành vẫn được ghi nhận. Thực tế, đã có những trẻ nhỏ nguy kịch; phụ nữ có thai sinh non, mất máu nguy hiểm đến tính mạng vì mắc căn bệnh này. Hay mới đây nhất một người đàn ông mất đi một nửa số máu trong cơ thể, đến điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nguy kịch vì sốt xuất huyết.
Một số địa phương số ca mắc được ghi nhận vẫn còn khá cao, tại Hà Nội từ đầu năm cho đến hết tháng 10/2024, có 5.677 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Tại TP HCM, từ đầu năm đến giữa tháng 11/2024, thành phố ghi nhận hơn 11.265 ca mắc sốt xuất huyết, với nhiều ổ dịch mới bùng phát tại Quận 1, thành phố Thủ Đức và Quận 7. Tại Đà Nẵng, gần 1.800 ca mắc được ghi nhận với 140 ổ dịch tập trung ở các quận Liên Chiểu, Sơn Trà và Cẩm Lệ.
Sốt xuất huyết đã phá vỡ những quy luật thường thấy
Trước tình trạng dịch sốt xuất huyết như hiện nay, các chuyên gia nhận định, hiện sốt xuất huyết đã phá vỡ các quy luật thường thấy so với trước đây, do vậy người dân tuyệt đối không nên chủ quan.
Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trước đây khi gió heo may về là không còn quá lo ngại về sốt xuất huyết, nhưng hiện nay số ca mắc có quanh năm, ghi nhận ở khắp mọi miền đất nước. Vì thế, việc phòng bệnh phải được thực hiện từ trong chính gia đình, chứ không chỉ riêng ngoài cộng đồng.
“Dù thời tiết khô hanh, ít mưa nhưng vẫn ghi nhận sốt xuất huyết, chứng tỏ muỗi truyền bệnh ở ngay trong gia đình, chung cư nơi chúng ta sinh sống. Do vậy, việc diệt ổ loăng quăng, bọ gậy tại các nơi chứa nước trong nhà là rất quan trọng”, ông Phu tư vấn.
Một trường hợp bị sốt xuất huyết nguy kịch vừa được các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận và điều trị. Ảnh: BVCC.
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Công trùng (Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng trung ương) cũng nhận định, trước đây sốt xuất huyết thường bùng phát theo quy luật 4-5 năm quay trở lại bùng phát một lần, nhưng hiện nay quy luật này đã bị phá vỡ.
“Hiện nay, sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào điều kiện thực tế và thời tiết, cũng như biến đổi khí hậu. Ví dụ như các năm có El Nino nhiệt độ thường cao và những năm đó ở nước ta sốt xuất huyết đều cao. Cho nên, đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo chúng ta không chủ quan”, TS Dũng cảnh báo.
Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa nhanh, giao thương rộng mở cùng sự phát triển trong khả năng kháng thuốc của muỗi, khiến dịch sốt xuất huyết ngày càng khó lường. Điều này có thể minh chứng được rõ nhất qua việc các đô thị, thành phố lớn thường có tỉ lệ mắc sốt xuất huyết cao hơn.
Bệnh phòng được nhưng người dân còn chủ quan
Bệnh sốt xuất huyết do muỗi lây truyền, vì thế ai cũng có thể mắc bệnh, thậm chí là mắc đi mắc lại chứ không chỉ một lần. Thông thường, lần mắc sau triệu chứng tăng nặng, nguy cơ biến chứng, sốc và tử vong cao lần trước rất nhiều, đòi hỏi người dân cần phải có phương pháp phòng ngừa chủ động.
Dưới đây là một số biện pháp phòng bệnh được các chuyên gia tư vấn cần thực hiện:
- Không loăng quăng, bọ gậy không có sốt xuất huyết: Đây là thông điệp phòng bệnh sốt xuất huyết đơn giản, dễ thực hiện nhưng nhiều người còn chủ quan, không áp dụng để phòng bệnh ngay tại gia đình. Đây chính là “lỗ hổng” trong việc phòng bệnh khiến số người mắc bệnh và số ổ dịch mới gia tăng.
Rất nhiều vật dụng trong nhà như lọ hoa là nơi trú ngụ của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Ảnh minh họa.
Theo đó, ổ bọ gậy là nguồn truyền bệnh sốt xuất huyết tập trung ở những vật dụng chứa nước trong như: Chậu, lọ cắm hoa, cây cảnh, những dụng cụ chứa nước trên tất cả các tầng, sân thượng, lan can... tại các hộ gia đình. Vì thế, đồng thời với diệt muỗi trưởng thành, các gia đình cần phải vệ sinh, lật úp các dụng cụ chứa nước trong gia đình dù là nhỏ nhất.
Ngay các hộ gia đình ở chung cư cao tầng cũng có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Chính vì vậy diệt bọ gậy hàng tuần để đảm bảo không có sản sinh ra muỗi truyền sốt xuất huyết là yếu tố quan trọng nhất trong phòng, chống sốt xuất huyết.
- Chủ động phòng muỗi đốt: Người dân hãy ngủ mắc màn, đây là việc làm rất đơn giản, nhưng nhiều gia đình ở thành phố không thực hiện. Theo đó, nhiều người nghĩ rằng ngủ ở nhà cao tầng, có điều hòa là không có muỗi. Tuy nhiên, muỗi ẩn náu ở những chỗ kín, khi tắt điện chúng sẽ ra đốt và gây bệnh nếu đang có mầm bệnh trong người.
Ngủ màn và sử dụng một số sản phẩm đuổi muỗi nhất là với trẻ nhỏ để phòng bệnh hiệu quả hơn. Ảnh minh họa.
Cùng với đó, trong sinh hoạt hàng ngày có thể có thể dùng các sản phẩm chống muỗi ví dụ như trẻ nhỏ có thể dùng tã quần xua muỗi, khăn lau xua muỗi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép để an toàn khi sử dụng, nhất là vào buổi tối. Đồng thời với đó là hãy mặc quần áo sáng màu để tránh bị muỗi đốt, kể cả khi ngủ.
- Chỉ phun hóa chất khi có hướng dẫn của nhân viên y tế: Hóa chất diệt muỗi chỉ phù hợp với những nơi đang có ổ dịch lưu hành, việc tự ý phun tràn lan, không theo hướng dẫn sẽ gây nên tác dụng ngược. Cụ thể, khi đó muỗi sẽ kháng thuốc và không có tác dụng cho những lần phun sau.
- Tiêm vắc-xin phòng bệnh: Hiện nay Việt Nam đã cấp phép lưu hành vắc-xin phòng sốt xuất huyết, nhưng chưa đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Do vậy, mọi người hãy cân nhắc việc tiêm vắc-xin và thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế để phòng bệnh hiệu quả và an toàn.