Theo các bác sĩ, việc tăng hoặc giảm nhiệt độ có thể gây rối loạn co thắt mạch máu, từ đó làm thay đổi lưu thông máu trong cơ thể, khiến lượng máu lên não thay đổi, gây co thắt mạch máu trong não nên đau đầu.
Thường xuyên đau đầu khi thời tiết thay đổi
Gần đây, thời tiết Hà Nội thay đổi, ngày nắng nóng, tối mưa rào khiến chị Phương (41 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) liên tục gặp tình trạng đau đầu. Thậm chí, người phụ nữ này còn ví cơ thể mình giống như "máy dự báo thời tiết" vì hễ thời tiết sắp thay đổi là chị lại bị những cơn đau đầu hành hạ.
Theo chị Phương, có những lúc đầu đau như búa bổ nhưng không dám uống thuốc giảm đau vì sợ sau này sẽ bị lạm dụng thuốc. Nhưng với tình trạng cơ thể quá nhạy cảm mỗi khi mưa nắng thất thường cũng khiến chị vô cùng mệt mỏi, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và cuộc sống.
Cũng là người hay bị đau đầu mỗi khi thời tiết thay đổi, anh Duy (ở Hoàng Mai, Hà Nội) dù đã dùng một số thực phẩm chức năng giúp bổ não nhưng tình trạng bị đau đầu vẫn lặp lại. Người đàn ông này luôn thắc mắc không biết "não mình có vấn đề gì không" và phải làm thế nào mới cải thiện được tình trạng đau đầu của mình.
Nhiều người thường bị đau đầu khi thay đổi thời tiết. Ảnh minh họa
Từng chia sẻ về việc nhiều người bị đau đầu khi thời tiết thay đổi, BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, đau đầu mỗi khi thay đổi thời tiết là tình trạng xảy ra phổ biến đối với mọi lứa tuổi, có thể do nhiều nguyên nhân.
Theo đó, việc tăng hoặc giảm nhiệt độ có thể gây rối loạn co thắt mạch máu, từ đó làm thay đổi lưu thông máu trong cơ thể, khiến lượng máu lên não thay đổi, gây co thắt mạch máu trong não nên đau đầu.
Các cơn đau đầu có thể xảy ra do sự thay đổi của áp suất không khí. Áp suất bên ngoài giảm xuống sẽ tạo ra sự khác biệt (chênh lệch) giữa áp suất ở không khí bên ngoài và không khí bên trong xoang của cơ thể hay áp suất tai trong. Cơ thể tìm cách thích nghi, gây co thắt mạch máu não, chèn ép dây thần kinh, gây ra đau đầu, khó chịu.
Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Neurology (Viện Nghiên cứu Thần kinh Hoa Kỳ), với mức tăng nhiệt độ khoảng 5°C, thì trong ngày hôm sau, tỷ lệ người đau đầu phải nhập viện tăng lên 7,5%. Bên cạnh đó, khi áp suất không khí giảm, số người bị đau đầu trong 48 – 72 giờ sau đó cũng tăng lên.
Bên cạnh đó, theo BS Hoàng, nhiều người "nhạy cảm" với sự thay đổi của thời tiết. Họ thường là người làm nhiều công việc trí óc, căng thẳng, ngủ kém, rối loạn nội tiết (đặc biệt phụ nữ từ 40-50 tuổi là đối tượng nhiều nhất), ăn ngủ không điều độ. Nhóm người này bình thường đã hay đau đầu, gặp dịp thay đổi thời tiết lại dễ đau đầu hơn.
Ngoài ra, người bị thiếu máu như mắc bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), thiếu sắt hoặc phụ nữ gần giai đoạn có chu kỳ kinh nguyệt, hormone thay đổi nội tiết... cũng dễ đau đầu khi thay đổi thời tiết.
Biểu hiện đau đầu khi thay đổi thời tiết đa dạng. Có người đau nửa đầu, có người đau theo nhịp đập của tim; thêm hoa mắt chóng mặt, sợ ánh sáng, buồn nôn, tê bì mặt…
Làm gì khi bị đau đầu khi thay đổi thời tiết?
Theo BS Nguyễn Huy Hoàng, trong trường hợp nếu lo lắng đau đầu có thể có bất thường mạch máu, nên đi khám, chụp CT, MRI để biết chính xác bản thân có bị bất thường (phình mạch máu não) hoặc có khối u nào trong não hay không. Hoặc nếu đau đầu ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, công việc, ví dụ một tuần 7 ngày nhưng có tới 2-3 ngày đau đầu cả buổi thì tốt nhất nên đi khám.
Khi bị đau đầu, nên nằm nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tránh căng thẳng, stress...
Hiện nay, nhiều người có thói quen, hễ đau đầu là dùng thuốc giảm đau. Điều này không được các chuyên gia khuyến cáo. Bởi nếu lạm dụng thuốc giảm đau sẽ gây tác dụng ngược khiến cơn đau dần trở thành đau đầu mạn tính hoặc gây ra tác dụng phụ không mong muốn và gây tình trạng "nhờn" thuốc.
Theo tư vấn của các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), khi bị đau đầu do thay đổi thời tiết, nên nằm nghỉ ở nơi yên tĩnh, thoáng khí với tư thế chân cao hơn đầu để máu lưu thông lên não tốt hơn. Sau đó nghỉ ngơi và ăn uống điều độ, cơn đau đầu sẽ dần thuyên giảm.
Tăng cường thể lực, bồi bổ cơ thể bằng các loại vitamin như B1, B6, B12..., ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá; tập luyện thể thao giúp nâng cao thể lực, thích nghi với môi trường, góp phần làm thuyên giảm các cơn đau đầu khi thay đổi thời tiết.
Bên cạnh đó, giảm căng thẳng và stress. Nên tìm các phương pháp giảm căng thẳng như thiền, hít thở sâu, hay thực hiện các hoạt động giải trí như đọc sách, nghe nhạc, thể thao.
Đồng thời, đảm bảo giấc ngủ đủ và chất lượng. Ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể phục hồi năng lượng, tăng cường sức đề kháng. Thực hiện các thói quen tốt về giấc ngủ như tạo một môi trường yên tĩnh và thoáng mát, tránh sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ, và duy trì một lịch trình ngủ đều đặn. Những điều này sẽ giúp giảm các triệu chứng đau đầu mỗi khi thời tiết thay đổi.