Đau đầu sau khi uống rượu, người đàn ông ngoại quốc chủ quan nằm nghỉ để rồi phải đi cấp cứu vì đột quỵ

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 27/08/2024 12:06 PM (GMT+7)

Sau khi uống rượu, người đàn ông ngoại quốc bị đau đầu nhưng lại nghĩ do tác dụng của rượu, không ngờ đó là dấu hiệu của cơn đột quỵ đang âm thầm diễn tiến.

BS. Phạm Thị Thanh Loan – Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) cho biết, một người đàn ông 41 tuổi, người Hàn Quốc vừa bị đột quỵ phải nhập viện cấp cứu sau khi uống rượu. Trước đó, bệnh nhân cảm thấy bị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, phát âm khó, mất thăng bằng… và nghĩ mình bị say rượu nên chỉ nghỉ ngơi tại nhà.

Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, tình trạng diễn biến nặng hơn khi chân tay tê bì, không đi lại được và đã được đưa đi cấp cứu. Tại Trung tâm đột quỵ, nam bệnh nhân được chẩn đoán ban đầu là có tình trạng rung giật nhãn cầu, nhìn đôi, tê yếu 1/2 người phải, cơ lực 3-4/5. Nghi ngờ bị đột quỵ, các bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ sọ não, kết quả cho thấy có hình ảnh nhồi máu não hành bên phải. Nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do tắc một nhánh mạch nhỏ của hệ tuần hoàn não.

Người đàn ông Hàn Quốc sau đó được điều trị nội khoa theo phác đồ. Sau 4 ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của người bệnh phục hồi tốt, hết rung giật nhãn cầu, hết nhìn đôi, liệt 1/2 người phải được cải thiện. Hiện tại người bệnh đã có thể đi lại được với sự trợ giúp của người thân.

Người đàn ông Hàn Quốc bị đột quỵ sau khi uống rượu. Ảnh minh họa.

Người đàn ông Hàn Quốc bị đột quỵ sau khi uống rượu. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Thanh Loan cho biết, đột quỵ nhồi máu não xảy ra khi một cục máu đông (huyết khối) gây tắc nghẽn động mạch cung cấp máu cho não, làm dòng máu đột ngột giảm hoặc ngưng lưu thông đến một khu vực của não, tế bào não thiếu oxy và chết đi dẫn đến mất chức năng thần kinh tương ứng.

Các biến chứng của đột quỵ đặc biệt nguy hiểm, có thể dẫn đến liệt nửa người, sống thực vật, thậm chí gây tử vong. Người bệnh nhồi máu não nếu được đưa đến các cơ sở y tế trong thời gian từ 3,5 đến 4 giờ đầu việc điều trị sẽ cho hiệu quả rất tốt. Trong khoảng thời gian đó, các bác sĩ sẽ dùng thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp lấy huyết khối… đem lại cơ hội tái thông lòng mạch sớm, giúp cho tổn thương não được phục hồi sớm nhất và hạn chế các di chứng do tổn thương não gây ra.

Theo bác sĩ Loan, "thời gian vàng" cấp cứu đột quỵ được xem là khung thời gian lý tưởng nhất để can thiệp, điều trị các nguyên nhân gây đột quỵ. Với cấp cứu đột quỵ nhồi máu não, “giờ vàng” được khuyến cáo trong 3 – 4,5 giờ đầu (kể từ khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ đầu tiên), nếu người bệnh được cấp cứu trong thời gian này sẽ giúp cứu sống người bệnh, giúp hạn chế tối đa các biến chứng và người bệnh phục hồi nhanh.

Tuyệt đối không chủ quan với cơn đau đầu, nhất là khi có thêm dấu hiệu lú lẫn, liệt nửa người. Ảnh minh họa.

Tuyệt đối không chủ quan với cơn đau đầu, nhất là khi có thêm dấu hiệu lú lẫn, liệt nửa người. Ảnh minh họa. 

Dấu hiệu điển hình của đột quỵ não bao gồm, đột ngột tê hay yếu của mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một nửa cơ thể; đột ngột lú lẫn, rối loạn hay không hiểu lời nói; đột ngột rối loạn thị giác ở một bên hay hai bên; đột ngột rối loạn việc đi đứng, choáng váng, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác; đột ngột đau đầu nhiều không biết nguyên nhân...

Các chuyên gia khuyến cáo, khi gặp những dấu hiệu bất thường như trên, người bệnh cần đến các cơ sở y tế gần nhất có chuyên khoa điều trị đột quỵ để được thăm khám và điều trị trong "giờ vàng" để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, tránh được những biến chứng nguy hiểm.

Bị đau vùng kín suốt 40 ngày, nam thanh niên 17 tuổi ở Hà Nội may mắn giữ được hạt ngọc sau ca mổ cấp cứu
Sau 40 ngày xử lý cắt bao quy đầu ở một phòng khám tư nhân, nam thanh niên đến viện khám mới phát hiện bị xoắn tinh hoàn, nhưng may mắn vẫn bảo tồn...

Các vấn đề sức khỏe khác

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đột quỵ