Mỡ nội tạng có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng không dễ để phát hiện ra nó. Nhiều người tuy chân tay trông gầy nhưng lại vẫn tích trữ không ít mỡ nội tạng, dựa vào những dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn biết bản thân có đang tích nhiều loại mỡ này hay không.
Tất cả chúng ta đều biết rằng quá nhiều chất béo trong cơ thể là không tốt cho sức khỏe, nhưng bạn có biết nó thực sự có thể gây chết người không?
Ẩn sâu trong bụng của bạn là chất béo nội tạng. Không giống như chất béo dưới da có thể dễ dàng nhận thấy, chất béo nội tạng bao quanh các cơ quan sâu trong bụng, như dạ dày, gan và ruột. Theo Phòng khám Cleveland (Mỹ), chất béo nội tạng dư thừa làm tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn nghiêm trọng bao gồm bệnh tim, tiểu đường tuýp 2, bệnh gan nhiễm mỡ và một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đột quỵ, ung thư... Ở phụ nữ, mỡ nội tạng cũng có liên quan đến ung thư vú.
Bạn càng có nhiều chất béo nội tạng, thì khả năng mắc các vấn đề này càng cao. Vì bạn không thể nhìn thấy, cảm thấy hay chạm vào mỡ nội tạng nên rất có thể bạn không biết bản thân đang tích trữ nó dù có thể trông bạn không hề quá béo. Vì vậy, làm thế nào để bạn biết nếu bạn có nó? Muốn biết bản thân có đang tích quá nhiều mỡ nội tạng hay không, bạn có thể dựa vào 2 chỉ số và những biểu hiện dưới đây:
1. Tỷ lệ eo-hông
Bạn đứng thẳng sau đó tìm và đo phần nhỏ nhất của vòng eo, phần này thường nằm ngay trên rốn. Số đo này là chu vi vòng eo. Tiếp theo, tìm và đo phần rộng nhất của hông. Số đo này là chu vi hông của bạn. Chia chu vi vòng eo cho chu vi hông, kết quả bạn nhận được là tỷ lệ eo-hông.
Một báo cáo năm 2008 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trích dẫn một nghiên cứu năm 2001, trong đó nói rằng tỷ lệ eo trên hông trên 0,85 đối với phụ nữ và 0,90 đối với nam giới cho thấy tình trạng béo bụng. Có một mối tương quan chặt chẽ giữa chất béo nội tạng và tỷ lệ eo-hông. Vì vậy, nếu tỷ lệ của bạn cao hơn những mức khuyến nghị, có khả năng bạn sẽ có mức chất béo nội tạng cao.
2. Tỷ lệ vòng eo - chiều cao (WHtR)
Bạn cũng có thể sử dụng tỷ lệ vòng eo-chiều cao (WHtR). Đây có thể là một phương pháp phù hợp hơn cho những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, theo một nghiên cứu năm 2020. Tất cả những gì bạn phải làm là chia chu vi vòng eo cho chiều cao. Tỷ lệ chiều cao trên vòng eo lý tưởng là không lớn hơn 50.
3. Bạn có một vòng eo lớn
Joanna Wen, một huấn luyện viên giảm cân người Mỹ cho biết: "Vòng eo từ 35 inch (88,9cm) trở lên đối với phụ nữ và 40 inch (101,6cm) trở lên đối với nam giới cho thấy tình trạng dư thừa chất béo nội tạng. Điều này khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường".
4. Bạn có chỉ số khối cơ thể cao (BMI)
Joanna Wen giải thích: "Chỉ số khối cơ thể của bạn, hoặc BMI, là thước đo lượng mỡ cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng. Chỉ số BMI từ 30 trở lên cho thấy bạn bị béo phì. Điều này có nghĩa là bạn có lượng chất béo cơ thể cao hơn bình thường và có khả năng tích tụ mỡ nội tạng".
5. Mức đường trong máu của bạn tăng cao
Theo Joanna Wen, có quá nhiều chất béo nội tạng có thể khiến cơ thể bạn kháng insulin, có nghĩa là cơ thể bạn không xử lý đường hiệu quả. Điều này có thể dẫn đến lượng đường trong máu cao, theo thời gian có thể làm hỏng các cơ quan và dẫn đến đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng".