Năm mới ăn những món dưới đây không chỉ giúp bạn có một năm nhiều may mắn, tiền bạc rủng rỉnh mà còn cải thiện sức khỏe rất tốt.
Đầu xuân năm mới, ai cũng thích ăn và làm những việc có thể mang lại nhiều may mắn cho cả năm. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng chỉ khi có cơ thể khỏe mạnh thì mới đón nhận được những điều mới mẻ, tốt đẹp.
Vì vậy, trong những bữa cơm ngày đầu năm, mọi người nên ăn những món vừa có ý nghĩa mang lại may mắn, phước lành lại có thể giúp nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
Gà là món không thể thiếu trong các bữa ăn ngày Tết, nhất là trong đêm giao thừa. Vì giao thừa là thời điểm trời đất tốt tăm nhất nên mọi người cúng gà trống với với hy vọng gà sẽ đánh thức mặt trời, cho một năm đủ đầy ánh sáng. Đây chính là cách thể hiện ước mong "mưa thuận gió hoà" của cư dân nông nghiệp.
Hơn nữa, trong tiếng Hán Việt, gà được đọc là “kê” - một từ đồng âm với từ “cát”, biểu trưng cho những điều tốt lành, may mắn.
Không chỉ ngon và có ý nghĩa tốt đẹp, thịt gà còn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như protein thích hợp cho những người muốn giảm cân, phốt pho - một khoáng chất thiết yếu giúp nuôi dưỡng xương và răng, selen chống lão hóa, vitamin B6 giúp mạch máu khỏe mạnh.
Các chất dinh dưỡng trong thịt gà. Nguồn: Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Cá là một trong những món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán ở một số nơi. Trong tiếng Hán Việt, cá được gọi là ngư, đồng âm với từ dư nên ăn cá tượng trưng cho sự giàu có, dư dả cả năm.
Vào dịp năm mới, một số tỉnh ở miền Bắc nước ta có truyền thống ăn cá chép. Cá chép gắn liền với câu chuyện vượt vũ môn hóa rồng nên theo quan điểm của người xưa nếu ăn cá chép trong ba ngày đầu năm mới thì trong năm đó sẽ được hanh thông trong chuyện học hành, công việc thăng tiến.
Hơn nữa, cá chép có chứa protein amino acid mà cơ thể cần, dễ hấp thụ hơn so với các loại thịt gia súc, gia cầm. Theo Đông y, cá chép có tác dụng lợi tiểu tiện, làm sạch đường tiêu hóa, bài tiết và trừ khử được tả độc sưng tấy. Đặc biệt cá chép còn được coi là thuốc bổ cho phụ nữ.
Với ý nghĩa mong muốn mọi đau khổ, muộn phiền đều sẽ qua đi để đón nhận những điều tốt đẹp, món canh khổ qua (mướp đắng) nhồi thịt không thể thiếu trong bữa cơm ngày Tết của người dân miền Nam.
Không chỉ vậy, khổ qua còn là thực phẩm cực tốt cho sức khỏe. Theo Đông y, mướp đắng có tính hàn, mát nên có tác dụng thanh nhiệt giải độc, mát gan. Đặc biệt mướp đắng có hàm lượng vitamin A rất cao giúp sáng mắt. Ngoài ra, nó còn giúp bảo vệ màng tế bào, phòng xơ vữa động mạch, ngừa ung thư, bảo vệ tim, tốt cho bệnh nhân tiểu đường.
Món chả giò, chả nem rán là một phần không thể thiếu trong ẩm thực ngày Tết. Đây không chỉ là món ăn ngon mà còn có ý nghĩa tượng trưng cho sự giàu có vì chả nem có dạng hình trụ, sau khi rán có màu vàng giòn gợi nhớ đến những thỏi vàng ngụ ý vàng bạc đầy nhà.
Hơn nữa, phần nhân của chả nem thường chứa nhiều nguyên liệu như rau, thịt, miến, mộc nhĩ,... giúp bổ sung dinh dưỡng đa dạng. Thịt giúp bổ sung protein, mộc nhĩ giàu sắt hơn thịt và có hàm lượng chất xơ cao hơn cả bắp cải, miến dong cung cấp tinh bột và cả chất xơ, thích hợp cho cả những người muốn giảm cân.
Món bắp cải cuộn thịt vốn chẳng hề xa lạ nhưng nhiều người ngày nay đã có những cách biến tấu khác khiến nó trông đẹp mắt, hấp dẫn hơn giống như một túi tài lộc mang đến sự may mắn và giàu có. Với sự kết hợp tinh tế giữa vị giòn của bắp cải và hương vị đậm đà, thơm ngon của thịt lợn, tất cả được quấn gọn trong lớp vỏ mềm mịn.
Đây không chỉ là món ăn ngon mang lại những điều tốt đẹp mà còn rất tốt cho sức khỏe. Bắp cải giàu chất xơ, giảm nguy cơ táo bón và tốt cho đường ruột, giúp phòng bệnh về tiêu hóa như viêm loét dạ dày,... Còn thịt lợn là nguồn cung cấp chất đạm, vitamin B1, B3, B6, B12, sắt, kẽm, phốt pho, selen.
Dịp Tết Nguyên đán, xôi cũng là món ăn quen thuộc xuất hiện trên mâm cơm. Có nhiều món xôi khác nhau để thưởng thức nhưng theo truyền thống thì món xôi gấc vẫn phổ biến nhất bởi nó có màu sắc đỏ, gợi nhớ đến sự may mắn, tốt đẹp.
Nhiều người có thể cho rằng xôi gấc làm từ gạo nếp ăn vào gây nóng trong nhưng thực tế nếu biết ăn một cách điều độ thì rất có lợi. Theo Đông y, gạo nếp vị ngọt, tính ôn, có tác dụng bổ trung, ích khí, kiện tỳ. Còn gấc được ví như loại quả đến từ thiên đường chứa nhiều chất dinh dưỡng đáng giá như vitamin A, lycopene, carotene ngừa ung thư, curcumin chống oxy hóa, chống lão hóa,...
Chè trôi nước không chỉ có trong Tết Hàn thực mà nhiều nơi còn bày món ăn này trong mâm cúng Giao thừa và thưởng thức nó vào dịp đầu năm mới. Đúng như tên gọi, chè trôi mang ý nghĩa những điều xui xẻo, muộn phiền của năm cũ sẽ trôi đi và mọi sự trong năm mới sẽ diễn ra trôi chảy, hanh thông.
Món chè trôi nước thường làm với nhân đậu xanh có tính mát, giụp hạn chế tác dụng nóng của chè do đường mang lại. Ngoài ra, trong món chè trôi này còn có gừng mang tính ấm giúp chữa các bệnh như ngạt mũi, ho, cảm lạnh và còn trị các chứng rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, đầy hơi. Đồng thời nó còn giúp kích thích vị giác, khiến bạn cảm thấy ngon miệng hơn.
Củ cải đồng âm với từ của cải nên đây cũng được xem là một món ăn mang lại may mắn trong dịp năm mới. Trong các tỉnh miền Nam có truyền thống nấu thịt kho hột vịt vào dịp Tết, để tăng thêm hương vị và khiến món ăn thêm ý nghĩa, mọi người có thể biến tấu thành món thịt kho củ cải vừa ngon miệng lại bổ dưỡng.
Củ cải được ví như "sâm của người nghèo" rất tốt cho sức khỏe. Củ cải có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng - vốn dẫn đến cảm lạnh, ho.