Kết hợp giấm với những thực phẩm dưới đây có thể thành những bài thuốc có lợi cho sức khỏe, phòng chữa không ít bệnh.
Giấm là một gia vị không thể thiếu trong căn bếp của mỗi gia đình, đồng thời có tác dụng bồi bổ sức khỏe đặc biệt khi kết hợp với một số thực phẩm:
1. Giấm + trứng
Lòng đỏ trứng sống có phân tử lớn nên ruột non khó hấp thụ nhưng khi ngâm giấm sẽ dễ chia thành những phân tử nhỏ. Do đó, các chất dinh dưỡng như lecithin, cholin và vitamin H… dễ được cơ thể hấp thu.
Còn lòng trắng trứng chứa một loại phân tử protid khổng lồ, khi ngâm giấm sẽ phân giải thành những phân tử protid nhỏ hơn, dễ hấp thụ hơn. Hơn nữa, lòng trắng trứng sẽ giải phóng nhiều lysozyme (một loại enzyme chống vi khuẩn) khi ngâm giấm. Vỏ trứng được mềm hóa, hòa tan bởi giấm biến thành canxi acetat, có đặc tính dễ tan trong nước, nó được ruột non hấp thu sạch, là loại muối vô cơ khó mà có được.
Ăn trứng ngâm giấm có thể giúp mềm mạch máu, hạ huyết áp và lipid máu, cải thiện tình trạng táo bón, ngăn ngừa loãng xương, gan nhiễm mỡ, tiểu đường, Alzheimer.
Cách làm: Rửa sạch và lau khô một quả trứng gà, cho vào chai thủy tinh, đổ khoảng 200ml giấm gạo 9 độ, đậy kín để trong 48 giờ. Đợi đến khi vỏ trứng hòa tan hoàn toàn, dùng đũa đâm thủng màng trứng và gắp ra. Lấy đũa khuấy đều lòng đỏ và lòng trứng thành dung dịch giấm trứng và để trong 24 giờ.
Mỗi sáng uống một thìa khi bụng đói, có thể hòa thêm chút nước ấm để pha loãng. Uống một phần giấm và nước trứng trong vòng một tuần. Những người sợ axit có thể thêm mật ong với lượng thích hợp để cải thiện mùi vị, tăng cường dinh dưỡng và giảm kích ứng dạ dày. Không thêm mật ong cho bệnh nhân tiểu đường.
2. Giấm + tỏi
Tinh dầu từ tỏi giàu glucogen và aliin, fitonxit có tác dụng sát trùng, diệt khuẩn, ngăn ngừa viêm nhiễm. Ngoài ra, tỏi còn chứa nhiều vitamin như A, B, C, D, PP, cacbon hydrat, polisaccarit... và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể: như iốt, canxi, phốt pho, magiê, các nguyên tố vi lượng.
Trong môi trường axit như giấm, tác dụng của tỏi có thể tăng gấp 4 lần. Tỏi ngâm giấm có thể giúp điều hòa đường huyết, bảo vệ gan, bảo vệ hệ tim mạch, chống xơ cứng động mạch.
Cách làm: Sau khi bóc vỏ tỏi tươi, cho vào chai thủy tinh, cho giấm vào ngập tỏi, thêm lượng đường thích hợp, đậy kín nắp, sau một tháng có thể ăn được. Vị cay của tỏi được giảm bớt, hương vị trở nên ngon hơn và allicin được giữ lại ở mức độ lớn nhất. Sau khi ngâm với giấm, tỏi còn tạo ra tác dụng chống oxy hóa, giảm kích ứng đường tiêu hóa, đồng thời có tác dụng giảm nhờn và thúc đẩy tiêu hóa. Ăn 2-3 tép tỏi ngâm giấm mỗi ngày có thể phát huy tác dụng tốt cho sức khỏe.
3. Giấm + lạc (đậu phộng)
Lạc là thực phẩm quen thuộc và dễ kiếm nhưng ít ai biết nó cũng có tác dụng phòng chữa một số bệnh.
Theo Đông y, nhân lạc có tính bình, vị ngọt béo, chủ yếu dùng để chữa ho khan, ít sữa, thiếu máu, thiếu tiểu cầu, bệnh dạ dày mạn tính, viêm thận mạn, cước khí. Vỏ lạc có thể chữa xuất huyết như xuất huyết do thiếu tiểu cầu ở bệnh sốt xuất huyết, xuất huyết nguyên phát hay thứ phát. Vỏ lụa cầm máu mạnh hơn nhân lạc 50 lần. Vỏ cứng ngoài cùng của lạc cũng có thể đem nấu lấy nước có tác dụng hạ huyết áp, giãn mạch làm lưu thông máu.
Lạc chứa nhiều axit béo không no cần thiết cho cơ thể con người nhưng nhược điểm là hàm lượng lipid cao, calo lớn, sau khi ngâm giấm vừa giảm độ nhờn vừa thúc đẩy quá trình giải phóng các chất dinh dưỡng trong đậu phộng.
Dùng lạc ngâm giấm có thể thúc đẩy tiêu hóa, giảm huyết áp, làm mềm mạch máu, giảm tích tụ cholesterol, ngăn ngừa huyết khối
Cách làm: Lấy một nắm đậu phộng tươi, ngâm với giấm gạo trong 7-10 ngày là ăn được, thêm mật ong lượng thích hợp, mỗi ngày ăn 10-15 hạt đậu phộng. Ăn lâu dài có thể ngăn ngừa bệnh tim mạch hiệu quả. Lạc có thể sử dụng khi sống hoặc nấu chín, nhưng hiệu quả của lạc sống tốt hơn.
4. Giấm + táo
Giấm táo chứa nhiều vitamin, khoáng chất và enzym dưới dạng thô, giúp giải độc cơ thể. Nó là một trong những cách tốt nhất làm sạch cơ thể và loại bỏ vi khuẩn gây hại. Giấm táo còn có thể giúp giảm cân, chống táo bón, giảm huyết áp và lượng đường trong máu
Cách làm: 3-4 quả táo, cắt thành từng lát mỏng, cho vào chai thủy tinh, đổ giấm gạo lên trên táo, thêm đường phèn hoặc mật ong thích hợp, đậy kín cho vào ngăn mát tủ lạnh hoặc nơi khô ráo, thoáng mát trong 5-7 ngày. Ăn trực tiếp các lát táo và uống giấm táo.
5. Giấm + đậu đen
Đậu đen có thể chế biến thành nhiều món ăn bài thuốc tốt cho sức khỏe. Đậu đen có lợi cho hệ tiêu hóa, tim mạch, ổn định lượng đường trong máu. Theo đông y, đậu đen còn giúp duy trì sức khỏe xương khớp, chữa đau lưng, đau nhức các khớp, trị mất ngủ, đau đầu, giải độc, phòng tránh bệnh ung thư.
Đậu đen khi ngâm với giấm còn có thể ngăn ngừa tóc bạc, làm mềm mạch máu, bảo vệ gan, bổ tỳ vị thận, giảm cân, cải thiện tình trạng táo bón
Cách 1: Rửa sạch đậu đen sống rồi phơi khô, cho vào lọ thủy tinh, đổ giấm gạo lên trên mặt đậu đen, đậy kín lại rồi để nơi khô ráo thoáng mát. Sau 7-10 ngày có thể ăn được, mỗi lần uống 5-8 hạt đậu đen sau bữa ăn, ngày 3 lần. Không ăn quá 20 hạt một ngày. Ngâm đậu sống có thể giữ lại nhiều anthocyanins hơn và sẽ không có mùi hôi sau khi ngâm xong.
Cách 2: Rửa sạch đậu đen, rang đậu đen trên lửa vừa - nhỏ cho đến khi nứt vỏ, để nguội, cho vào lọ thủy tinh, thêm giấm, đậy nắp kín để một tuần trước khi ăn. Những người dạ dày kém có thể chọn cách dùng đậu đã nấu chín.
6. Giấm + đậu nành (đậu tương)
Đậu nành rất giàu axit béo không bão hòa, isoflavone, sắt và các chất dinh dưỡng khác, có thể giúp giảm lượng cholesterol, ngăn ngừa xơ cứng thành mạch, bổ sung estrogen, hạ lipid máu và có tác dụng hấp thu tốt hơn khi ăn cùng với giấm.
Ăn đậu nành ngâm giấm có thể giảm cholesterol, làm mềm mạch máu, giảm lipid máu và huyết áp, bổ thận và lá lách, giảm cân và xóa tàn nhang.
Cách làm: Lấy một ít đậu nhành tươi, rửa sạch, phơi khô, đổ vào bình, cho giấm gạo vào ngâm khoảng 15 ngày, mỗi ngày ăn 10-15 hạt.