Người dân nên thay đổi quan niệm ngày Tết là ngày của ăn uống, nhậu nhẹt. Bởi như vậy, hệ tiêu hóa sẽ quá tải và gây nhiều hệ lụy đối với sức khỏe.
Từ lâu, người dân Việt Nam vẫn thường có quan niệm cho rằng, ngày Tết là ngày để tập trung anh em, bạn bè ăn uống, nhậu nhẹt. Điều đó có thể thấy rõ nhất ở các làng quê khi phải “tiếp khách” từ sáng đến chiều, thậm chí nhiều trường hợp còn bị “ép ăn” vì cho rằng, đầu năm không ăn thì mất lộc…
Các bác sĩ cho rằng, quan niệm “cổ hủ” này đang tồn tại và tốt nhất là nên dẹp bỏ, bởi như vậy sẽ “khổ” rất nhiều người. Không chỉ có vậy, nó còn ảnh hưởng rất lớn đến hệ tiêu hóa, nếu nhẹ thì gây rối loạn khó tiêu, nặng thì có thể gây ra tình trạng ngộ độc vì ăn phải thức ăn không đảm bảo.
Trước vấn đề trên, trao đổi với phóng viên TS.BS Vũ Trường Khanh – trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định: “Tôi, cũng như bất kể bác sĩ nào khi được hỏi cũng không bao giờ khuyên người dân ăn nhiều trong những ngày Tết”.
BS Khanh cho biết, ngày xưa người dân ta phải chịu đói quanh năm, nên thường dồn vào những ngày Tết để ăn uống, hưởng thụ. Nhưng ngày nay, điều kiện kinh tế phát triển, muốn là có thể ăn bất kể lúc nào trong năm, vì thế việc ăn uống tập trung trong những ngày Tết là hoàn toàn không nên.
TS Vũ Trường Khanh khuyên mọi người không nên ăn, uống quá nhiều trong dịp tết.
“Chúng ta hãy coi ngày Tết là ngày tập trung anh em, bạn bè để nói những câu chuyện đầu năm, hoặc có thể là đi chơi du xuân, nếu chúng ta vẫn giữ quan niệm Tết là phải ăn, mà ăn uống từ sáng đến tối thì quá sai lầm. Nếu như vậy, dù người có khỏe đến đâu cũng không thể chịu được.
Thậm chí, nhiều người còn cho rằng uống rượu ngày Tết giúp tinh thần hưng phấn, sảng khoái để nói chuyện, nhưng đâu phải chỉ có uống rượu mới sảng khoái. Mọi người thay vì uống rượu, có thể uống trà, café hoặc tập luyện thể dục thể thao …cũng vô cùng sảng khoái.
Chính những quan điểm sai lầm khi ăn uống như vậy, nên trong và sau Tết không ít trường hợp đã phải nhập viện vì ngộ độc rượu, ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa…”, TS Khanh khuyến cáo.
Một vấn đề nữa cũng được BS Khanh hết sức lưu ý, đó là việc người dân “mải ăn chơi”, bỏ quên nhiệm vụ tập luyện thể dục thể thao, nâng cao thể trạng. Nhiều trường hợp Tết xong là kiệt quệ, suy nhược cơ thể cả về thể chất lẫn tinh thần.
“Chúng ta nên nhìn rộng ra phương Tây, những ngày Tết, ngày nghỉ của họ là dịp để gia đình gặp nhau, vui chơi chứ không phải như Việt Nam tất cả mọi việc, đặc biệt là việc ăn uống thả phanh đều dồn hết vào dịp cuối năm”, TS Khanh nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, ngày Tết gia đình nào cũng ngập tràn thịt thà, rượu bia mà không chú ý đến rau xanh, hoa quả điều này khiến cho hệ tiêu hóa hoạt động vô cùng khó khăn và giúp cơ thể dư thừa nhiều chất béo.
Đặc biệt, trẻ nhỏ thường ưa thích các loại bánh kẹo, mứt tết, nước ngọt có dư lượng đường nên dễ bị chướng bụng, đầy hơi và gây nên vô số các vấn đề về răng miệng, thậm chí cả hóc dị vật trong những ngày tết.
Bởi vậy, để đảm bảo sức khỏe, đầy đủ chất dinh dưỡng trong những ngày tết, Ths Hải khuyên người dân nên duy trì tập luyện thể dục thể thao, ăn nhiều rau xanh, không nên ăn quá nhiều bữa, hạn chế uống rượu bia…