Chọn nghề y, TS.BS Trần Phùng Dũng Tiến - Trưởng Khoa Ngoại Tiêu Hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy không chỉ chọn một công việc, mà là cả một sứ mệnh: Mang lại sự sống và hy vọng cho bệnh nhân.
Tâm hồn đặt ở bệnh nhân
Trở về phòng làm việc sau khi hoàn tất kiểm tra cho nam bệnh nhân vừa phẫu thuật ung thư thực quản, tranh thủ giờ nghỉ trưa, BS Tiến ngồi xem lại hồ sơ bệnh án, chuẩn bị cho buổi tư vấn chiều nay với bệnh nhân, giải thích chi tiết về các phương án điều trị tiếp theo, đồng thời giúp bệnh nhân yên tâm hơn trong suốt quá trình hồi phục.
Hơn hai thập kỷ chữa bệnh cứu người, không ít lần đứng trước các ca bệnh hiểm nghèo, chứng kiến những nỗi đau lẫn sự kiên cường của bệnh nhân, bác Tiến hiểu rõ, phía sau những quyết định mang tính sống còn không chỉ đòi hỏi chuyên môn, mà còn là hy vọng và niềm tin của cả một cuộc đời.
Bén duyên với ngành y từ kỳ vọng của gia đình, tình yêu với việc chữa bệnh cứu người bắt đầu nảy mầm và lớn dần trong lòng bác Tiến sau những bài giảng, những trải nghiệm thực tế nơi giảng đường Y khoa. Khát khao chữa lành nỗi đau cho mọi người trở thành điểm tựa vững chắc, là bệ phóng giúp bác Tiến không ngừng vững bước trên hành trình theo đuổi sứ mệnh y đức.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM vào năm 2000, TS.BS Trần Phùng Dũng Tiến về công tác tại khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến năm 2013, với năng lực chuyên môn và tâm huyết, bác Tiến được bổ nhiệm làm Phó trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa. Gần một thập kỷ sau, vào năm 2022, BS Tiến tiếp tục được giao trọng trách dẫn dắt khoa Ngoại Tiêu hóa với vai trò là Trưởng khoa, trở thành đầu tàu trong công tác chuyên môn, quản lý và định hướng phát triển cho cả tập thể.
Với bác Tiến, cứu người là phải cứu cả thể xác lẫn tâm hồn. (Ảnh: BVCC).
Những năm qua, dù ở bất kỳ cương vị nào, bác Tiến vẫn luôn cống hiến hết mình vì người bệnh. Là một người bác sĩ, bác đặt trái tim mình vào công việc, không ngừng học hỏi để mang đến những gì tốt nhất cho bệnh nhân. Là một Trưởng khoa, bác Tiến hiểu rằng, trách nhiệm không dừng lại ở việc quản lý mà còn phải sắp xếp mọi thứ thật hợp lý để có thể trực tiếp thăm khám, tham gia hội chẩn những ca bệnh nặng và tìm ra giải pháp tốt nhất cho từng bệnh nhân.
“Khi khoác trên người chiếc áo blouse trắng, người thầy thuốc đã mang sứ mệnh, nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả. Với tôi, tính mạng, sức khỏe của người bệnh là trên hết. Nếu với bệnh nhân, niềm hạnh phúc là được chữa khỏi bệnh thì đối với tôi, hạnh phúc đó lan tỏa và trở thành động lực để tôi cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn”, bác Tiến này tỏ.
Với tâm niệm: “Cứu người, không chỉ cứu riêng thể xác, mà còn phải cứu cả tâm hồn”, bác Tiến cho rằng, mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân không chỉ đơn thuần là tinh thần trách nhiệm, mà còn là tình cảm, sự tôn trọng và thấu hiểu. Khi người thầy thuốc thông cảm và sẻ chia với nỗi đau của người bệnh bằng chính tấm lòng của mình, họ mới thực sự làm tốt sứ mệnh cao cả mà xã hội giao phó.
BS Tiến tâm sự: “Trách nhiệm của một người bác sĩ lớn lắm, không chỉ là người chữa bệnh, mà còn là người đồng hành, lắng nghe và sẻ chia cùng bệnh nhân. Đôi khi, một lời động viên hay một cái nắm tay của người bác sĩ cũng đủ để tiếp thêm sức mạnh cho bệnh nhân và người nhà trong những lúc khó khăn nhất. Mỗi bệnh nhân có một hoàn cảnh, một câu chuyện khác nhau, tôi chỉ mong mình có thể góp phần viết nên cái kết đẹp cho những cuộc đời ấy”.
Để hôm nay giúp được nhiều người hơn hôm qua
Tại khoa Ngoại Tiêu hóa của Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ngày, BS Tiến và các đồng nghiệp tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân. Có người mang trong mình những nỗi đau âm ỉ kéo dài suốt nhiều năm, nhưng cũng có người vừa phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, đầy lo lắng và tuyệt vọng. Hai mươi bốn năm đối diện với nhiều bệnh nhân mang các hoàn cảnh và câu chuyện khác nhau, cũng là từng ấy năm bác Tiến đau đáu nỗi trăn trở: làm sao để mang lại phương pháp điều tốt nhất cho bệnh nhân.
Đó cũng chính là lý do mà ngay từ những năm đầu khi vừa tiếp nhận công tác, chưa có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn, lo lắng những kiến thức học được ở trường so với công việc thực tế sẽ khó khăn, đến khi có chuyên môn vững vàng, tự tin hơn trong việc xử lý những ca bệnh phức tạp, bác Tiến vẫn luôn dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp, cập nhật các tiến bộ Y khoa mới nhất thông qua các chương trình trong và ngoài nước do bệnh viện tổ chức để không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, mang lại cơ hội sống tốt nhất cho bệnh nhân.
Nghĩ về bệnh nhân của mình, bác Tiến bộc bạch: “Y khoa là lĩnh vực mà chỉ cần ngừng học hỏi là đang tự đặt mình và bệnh nhân vào rủi ro. Người bệnh luôn đặt niềm tin vào bác sĩ, tôi không muốn niềm tin đó bị phụ lòng. Vì vậy, tôi xem việc học hỏi, trau dồi là trách nhiệm và cũng là cách để tiến gần hơn đến việc điều trị tối ưu".
Đi theo sự phát triển xã hội hiện tại, khoa Ngoại Tiêu hóa đã đưa vào triển khai các ứng dụng công nghệ hiện đại, đem lại bước đột phá trong điều trị. Năm 2017, Bệnh viện Chợ Rẫy bắt đầu sử dụng robot hỗ trợ các ca mổ nội soi. Từ năm 2017 đến nay, khoa Ngoại Tiêu hóa đã có 29 bệnh nhân mắc bệnh ung thư thực quản được phẫu thuật thành công nhờ áp dụng phương pháp này mổ bằng robot. Bên cạnh đó, khoa cũng ứng dụng dụng mổ bằng robot đối với ung thư đại trực tràng.
Kết quả cho thấy, những ca phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot không chỉ giảm thiểu rủi ro, mà còn tăng độ chính xác, giúp bảo tồn tối đa các chức năng quan trọng của cơ thể. Bệnh nhân sau phẫu thuật ít đau hơn, thời gian hồi phục nhanh hơn và chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt.
TS.BS Trần Phùng Dũng Tiến chia sẻ: “Phẫu thuật bằng robot là bước tiến lớn trong lĩnh vực ngoại khoa, đặc biệt với những ca phẫu thuật phức tạp như ung thư thực quản hay đại trực tràng. Công nghệ này không chỉ giúp nâng cao tỷ lệ thành công mà còn mang lại nhiều hy vọng hơn cho những bệnh nhân vốn từng đối mặt với tiên lượng xấu”.
25 năm làm nghề, chưa một ngày nào bác Tiến ngừng học hỏi, nghiên cứu.
Tuy nhiên, bác Tiến cũng thừa nhận rằng, để đổi mới kỹ thuật và trang thiết bị không phải lúc nào cũng dễ dàng. “Việc triển khai các công nghệ hiện đại đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, việc đào tạo đội ngũ y bác sĩ để làm chủ công nghệ cũng là một bài toán khó, đòi hỏi thời gian, công sức và sự kiên trì. Bên cạnh đó, chi phí phẫu thuật bằng robot cũng cao gấp ba lần so với phẫu thuật truyền thống, không phải bệnh nhân nào cũng có đủ điều kiện để chi trả”, bác Tiến cho biết.
Song hành cùng việc áp dụng kỹ thuật công nghệ, khoa Ngoại Tiêu hóa còn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sĩ thông qua các chương trình đào tạo sinh viên Y khoa cho các trường đại học, đào tạo sau đại học từ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, Thạc sĩ, bác sĩ nội trú, nghiên cứu sinh; đào tạo Ngoại Tiêu hoá cơ bản, phẫu thuật Tiêu hoá cơ bản và nâng cao cho các bác sĩ Ngoại khoa trong nước. Bên cạnh đó, khoa còn là nơi đào tạo phẫu thuật nội soi tiêu hoá cho các bác sĩ ngoại khoa trong khu vực: Philippines, Indonesia, Myamar,...
“Đối với các bác sĩ trẻ tại khoa, tôi luôn khuyến khích họ không ngừng học hỏi, không chỉ để làm chủ các thiết bị, kỹ thuật mới mà còn để nâng cao tư duy và khả năng xử lý các tình huống phức tạp. Những tiến bộ Y học sẽ chỉ phát huy tối đa giá trị khi được kết hợp với cái tâm của người thầy thuốc và sự nhạy bén trong từng quyết định điều trị. Chúng tôi mong muốn không chỉ làm tốt trong hiện tại mà còn xây dựng một đội ngũ bác sĩ giỏi hơn cho tương lai để tiếp tục sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng”, BS Tiến khẳng định.
Những bước đi vững chắc của bác Tiến và tập thể Khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy không chỉ là sự khẳng định vai trò tiên phong trong ngành Y mà còn là minh chứng rõ nét cho một triết lý sống đầy nhân văn: không ngừng học hỏi, đổi mới để ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, vì người bệnh và vì sự tiến bộ không ngừng của Y học.
Kết thúc giờ nghỉ trưa, cẩn thận sắp xếp lại hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, chỉnh lại chiếc áo blouse trắng, bác Tiến sẵn sàng cho buổi chia sẻ và động viên bệnh nhân. Nếu thiên chức của người mẹ là yêu thương, che chở, hy sinh vì con cái, thì thiên chức của một người bác sĩ là chăm sóc, chữa lành, mang lại hy vọng sống cho người bệnh. Và với bác Tiến, hành trình hiện thực hóa thiên chức ấy vẫn đang được viết tiếp.