Nhiều trẻ ở TP.HCM nhập viện do sởi, tình hình bệnh chưa có dấu hiệu giảm sau Tết Nguyên đán, kéo dài so với mọi năm

An Thanh - Ngày 07/02/2025 11:45 AM (GMT+7)

ThS.BS Nguyễn Đình Qui – Phó Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bệnh sởi năm nay vẫn đang gia tăng và có diễn biến phức tạp.

Nhiều trẻ nhập viện do sởi

ThS.BS Nguyễn Đình Qui - Phó Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca bệnh nhi mắc bệnh sởi tiếp tục gia tăng. Tính đến ngày 6/2, tại khoa Nhiễm có 50 bệnh nhi mắc bệnh sởi đang nằm điều trị. 

Mặc dù con số này thấp hơn so với số lượng 60-70 ca bệnh sởi được điều trị trước Tết, nhưng điều đáng lưu tâm là số bệnh nhân mới phải nhập viện do sởi sau kỳ nghỉ Tết vẫn không có dấu hiệu suy giảm. Trung bình mỗi ngày, khoa Nhiễm của bệnh viện tiếp nhận từ 15-20 bệnh nhân mắc bệnh sởi.

Chị Đ.T.N (Bình Dương) là mẹ bé N.P.L (6 tháng tuổi) đang điều trị bệnh sởi tại khoa Nhiễm cho biết, ban đầu, thấy con sốt kéo dài, chị N đưa con đi khám ở bệnh viện địa phương, được chẩn đoán là viêm đường hô hấp trên và yêu cầu nhập viện. Tuy nhiên, sau mấy ngày điều trị, đến ngày mùng 4 Tết, thấy con không có dấu hiệu suy giảm, chị N và gia đình quyết định xin chuyển viện, đưa con lên Bệnh viện Nhi Đồng 2. Tại đây, bác sĩ phát hiện bé L nổi ban đỏ, chẩn đoán mắc bệnh sởi. Do bệnh có xu hướng chuyển nặng, bé L được cho nhập viện và thở oxy.

Dịp Tết Nguyên đán, nhiều trẻ nhập viện do bệnh sởi.

Dịp Tết Nguyên đán, nhiều trẻ nhập viện do bệnh sởi. 

Cùng nằm trong khoa Nhiễm, bé T.T. (8 tháng tuổi) cũng nhập viện trong tình trạng sốt kéo dài. Theo lời kể của chị T.T.N.L (Bình Thuận) là cô ruột của bé Â, trước khi đưa bé  vào Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị, bé  được thăm khám tại bệnh viện ở địa phương nhưng được chẩn đoán mắc bệnh sốt siêu vi. Thấy tình trạng của cháu mãi không thuyên giảm, khuya mùng 3 Tết, chị L và mẹ bé  quyết định đưa bé đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2. Sau khi kiểm tra, bé  được xác định mắc bệnh sởi, nhập viện ngay trong đêm. Đến thời điểm hiện tại, tình hình của bé  đã ổn định, các dấu ban đỏ có dấu hiệu sạm đi.

Diễn biến bất thường hơn so với mọi năm

Theo ThS.BS Nguyễn Đình Qui, bệnh sởi năm nay có diễn biến lạ và kéo dài hơn so với mọi năm. Lấy điển hình vào năm 2018, thời điểm bùng phát dịch sởi bắt đầu từ tháng 7-8/2018 và kết thúc vào tháng 1/2019. Năm nay bệnh sởi cũng khởi phát vào tháng 7-8/2024 nhưng đến tháng 2/2025 vẫn đang tiếp tục gia tăng và có diễn biến khó lường. 

“Ở thời điểm hiện tại, không thể nói trước khi nào bệnh sẽ dừng lại, tình hình đang có xu hướng phức tạp hơn vì tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng và khó dự đoán. Trước Tết, tôi lo lắng về việc di chuyển của người dân trong dịp lễ sẽ làm tăng khả năng lây lan của bệnh. Việc trẻ mắc bệnh theo bố mẹ về quê ăn Tết và ngược lại có thể khiến virus lây lan nhanh chóng mà không kịp kiểm soát, dễ tạo thành ổ dịch”, ThS.BS Qui nói.

Không chỉ có diễn biến khác lạ mà độ tuổi mắc bệnh sởi cũng có xu hướng chuyển dịch lớn hơn. Nếu trước đây, lứa tuổi dễ mắc bệnh là từ 5 đến 10 tuổi và những trẻ em chưa tiêm chủng hoặc dưới 5 tuổi là người dễ mắc bệnh sởi nhất thì ở thời điểm hiện tại bệnh còn xuất hiện nhiều ở nhóm tuổi lớn hơn từ 10-15 tuổi.

Nguyên nhân cụ thể vẫn chưa xác định rõ ràng, có thể do sự thay đổi trong yếu tố con người, thói quen tiêm chủng,... khiến cho thời gian bùng phát bệnh sởi kéo dài cũng như đối tượng mắc bệnh không chỉ giới hạn ở lứa tuổi nhỏ nữa mà đã mở rộng ra cả nhóm trẻ lớn hơn.

Bệnh sởi năm nay kéo dài hơn so với mọi năm và có diễn biến phức tạp.

Bệnh sởi năm nay kéo dài hơn so với mọi năm và có diễn biến phức tạp.

BS Qui cũng cho hay, vì không thể dự đoán chính xác diễn biến của bệnh sởi trong thời gian tới nên ngay từ trước Tết, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất. Đội ngũ y bác sĩ luôn túc trực 24/24, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống phát sinh. Bệnh viện cũng lên kế hoạch dự phòng giường bệnh để tránh tình trạng quá tải, đồng thời rà soát lại các khoa, kiểm tra xem có ổ dịch nào tiềm ẩn để ngăn ngừa nguy cơ lây lan. 

Các phòng bệnh luôn được chuẩn bị sẵn sàng, hệ thống giường xếp cũng được trang bị để kịp thời đáp ứng nếu giường cố định không đủ. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bệnh viện cam kết không để thiếu thốn về trang thiết bị, thuốc men, đảm bảo công tác điều trị được diễn ra suôn sẻ và hiệu quả nhất.

Lưu ý dấu hiệu trở nặng khi mắc bệnh sởi

Hiện trong cộng đồng đã có nhiều trẻ mắc bệnh sởi. Đây là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây nhanh trong các bệnh truyền nhiễm hiện nay, đồng thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Song, có nhiều ông bố bà mẹ không có đủ nhận thức rõ về bệnh sởi, nhiều người cho rằng bệnh sởi không đáng sợ, chỉ là bệnh lý thông thường nên vẫn đưa trẻ đi chơi trong khi đang mắc bệnh. 

Tuy nhiên, theo bác sĩ Qui, trẻ mắc bệnh sởi có những dấu hiệu trở nặng mà không được đưa đến cơ sở y tế điều trị ngay sẽ làm bệnh trẻ càng nặng thêm, có thể có biến chứng hoặc có biến chứng rồi sẽ thêm những biến chứng khác. 

Tỷ lệ trẻ em bị biến chứng viêm phổi do sởi là 5%, biến chứng viêm não từ 0,1-0,2%, có khi kéo dài đến 2% và rất dễ nguy kịch”, ThS.BS Qui cho hay.

Do đó, BS Qui khuyên các bậc phụ huynh, khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu trở nặng phải lập tức đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời. Những dấu hiệu trở nặng cần lưu ý bao gồm: trẻ liên tục sốt cao, nếu trẻ sốt 39-40 độ mà có tiền căn sốt co giật thì tốt nhất nên đến trạm y tế cơ sở gần nhất ngay lập tức. 

Phụ huynh phải chú ý đến diễn biến bệnh của con trẻ để xử lý kịp thời.

Phụ huynh phải chú ý đến diễn biến bệnh của con trẻ để xử lý kịp thời.

Các triệu chứng khác kèm theo như: ho nhiều, thở nhanh, có biểu hiện li bì có thể là dấu hiệu của biến chứng nguy hiểm như viêm phổi. Nếu trẻ có biểu hiệu co giật hoặc những triệu chứng thần kinh khác thì có thể liên quan đến biến chứng viêm não; trẻ bị tiêu chảy kèm máu có thể liên quan đến biến chứng viêm ruột. 

Đặc biệt đối với những trẻ có bệnh nền như: viêm phổi thường xuyên tái đi tái lại, bệnh thận hoặc gan mạn tính, nguy cơ diễn tiến nặng sẽ cao hơn, do đó cần thận trọng và đưa trẻ đi khám ngay khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời là điều quan trọng nhất để hạn chế nguy cơ biến chứng, bảo vệ sức khỏe của trẻ.

Hiện nay, bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, trước số ca sởi gia tăng, tình hình đang diễn biến phức tạp như hiện nay, BS Qui cho rằng việc tiêm ngừa cho trẻ là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh sởi. Bên cạnh đó, mọi người cũng cần tuân thủ các biện pháp bảo vệ chính mình và con trẻ khi đi ra ngoài, đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người, đồng thời rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng.

Khi thấy con mình bị bệnh sởi, phụ huynh cần cách ly trẻ trong 5 ngày tính từ ngày trẻ bắt đầu phát ban. Trong thời gian này không nên cho trẻ ra ngoài, để tránh lây bệnh cho người xung quanh.

Trẻ nhỏ mắc cúm mùa có nguy hiểm như người có bệnh nền, khi nào cần đưa trẻ đến viện khẩn cấp?
Trẻ nhỏ dù đã được tiêm vắc xin, nhưng khi mắc cúm mùa tuyệt đối không chủ quan, bởi bệnh rất dễ gây biến chứng vì hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu.

Tin tức sức khỏe

Theo An Thanh - Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]07/02/2025 10:35 AM(GMT+7)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức sức khỏe