Được cống hiến hết sức cho công việc mà mình đam mê, tâm huyết - “tái sinh” sức sống mới cho bệnh nhân ung thư vú, với PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh - Trưởng Khoa Tuyến vú (Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy), sứ mệnh cao quý ấy là một “đặc quyền” vô giá.
Người “tái sinh” cuộc đời mới cho bệnh nhân ung thư vú
Tranh thủ giờ nghỉ trưa, PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh mở điện thoại, kiểm tra các tin nhắn đến và lần lượt hồi âm cho từng bệnh nhân. Ngoài giờ làm, lúc nào có thời gian, bác Khánh lại nhắn tin hoặc trực tiếp đến phòng bệnh hỏi tình hình, giải đáp thắc mắc của bệnh nhân cũng như người nhà.
Hơn 20 năm gắn bó với công việc chữa bệnh cứu người, gần 10 năm đồng hành cùng Trung tâm Ung Bướu - Bệnh viện Chợ Rẫy, BS Huỳnh Quang Khánh không chỉ là người trực tiếp chữa trị mà còn là người đồng hành trong từng bước đi của bệnh nhân. Đối với bác Khánh, mỗi ca bệnh không chỉ là một thử thách chuyên môn mà còn là một hành trình đầy cảm xúc, nơi mà niềm tin và sự lạc quan chính là sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề Y, ngay từ nhỏ, những câu chuyện đầy nhân văn về y đức từ Ông, Bố và Anh trai đã in sâu trong ký ức, nuôi dưỡng ước mơ theo đuổi con đường Y học, chữa bệnh cứu người của BS Khánh.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM, thi đậu vào bác sĩ nội trú Ngoại Lồng ngực, BS Khánh về công tác tại khoa Ngoại Lồng Ngực, Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 1999. Tại đây, bác Khánh tiếp tục nghiên cứu, phát triển định hướng phẫu thuật nội soi và trở thành một trong những người tiên phong trong phẫu thuật nội soi lồng ngực tại Việt Nam.
Năm 2018, Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập Đơn vị Tuyến vú, BS Khánh được giao trọng trách lãnh đạo đơn vị, mở ra hành trình mới trong việc cứu sống và chăm sóc bệnh nhân, đặc biệt là những người phụ nữ đang chiến đấu với căn bệnh ung thư vú.
Với tâm niệm "làm nghề y không chỉ để chữa bệnh mà còn để cứu người", bác Khánh luôn đặt mình vào vị trí của người bệnh để hiểu rõ nỗi lo sợ, sự hoang mang mà bệnh nhân phải đối mặt.
PGS.TS.BS Khánh - Trưởng Khoa Tuyến vú, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: BVCC)
“Là bác sĩ, đôi khi không chỉ là người đưa ra phác đồ điều trị, mà còn là người phải đứng trước bệnh nhân, thông báo một tin mà không ai mong muốn nghe. Mình không chỉ đơn thuần là người truyền tải thông tin, mà còn là người lắng nghe những cảm xúc, kiên nhẫn chờ đợi, giải thích kỹ càng để bệnh nhân dần chấp nhận thực tế và nhìn nhận ung thư như một điều cần phải vượt qua, chứ không phải là dấu chấm hết", bác Khánh tâm sự.
Hơn 20 năm theo nghề y, tài sản lớn nhất mà BS Khánh tích góp được là sự tín nhiệm của bệnh nhân. “Tôi may mắn vì nhận được sự tin tưởng của bệnh nhân. Đây cũng là điều mà tôi tự hào nhất. Khi bệnh nhân tin tưởng, họ sẽ cởi mở chia sẻ tình trạng sức khỏe của mình, từ đó giúp tôi đưa ra những quyết định chính xác và kịp thời”, bác Khánh nói.
Đằng sau những nụ cười hạnh phúc, ánh mắt biết ơn của người bệnh là những vất vả, trăn trở mà người thầy thuốc phải đối mặt, thế nhưng, người bác sĩ ấy vẫn luôn cháy lửa nghề. Niềm vui và động lực để bác Khánh tiếp tục cố gắng là được nhìn thấy bệnh nhân khỏi bệnh, khỏe mạnh trở lại sau lần “thập tử nhất sinh”.
“Trách nhiệm của một người bác sĩ không chỉ dừng lại ở việc làm tròn bổn phận, mà còn là không ngừng vượt lên chính mình. Một bác sĩ có tâm phải là người không ngừng cập nhật kiến thức, mang lại những phương pháp điều trị tiên tiến nhất cho bệnh nhân. Phải đặt mình vào vị trí người bệnh để thấu hiểu họ cần gì. Và sau tất cả, tôi luôn mong muốn người Việt Nam được tiếp cận với những phương pháp điều trị hiện đại nhất. Điều đó đã giúp tôi vượt qua áp lực và giữ vững lửa nghề suốt những năm qua”, bác Khánh kiên định.
Cuộc chiến không tiếng súng
Với bác Khánh, mỗi bệnh nhân là một câu chuyện, một cuộc đời đáng trân trọng, nỗi đau của họ không chỉ là thể xác, mà còn là những lo âu vô hình. Hơn 6 năm lắng nghe cảm xúc của bệnh nhân ung thư vú là từng ấy năm những nỗi lo biến thành nỗi trăn trở trong lòng của BS Khánh mỗi khi nhắc đến…
“Người phụ nữ mang trong mình nhiều áp lực, cam chịu lắm! Khi mắc bệnh, họ không chỉ chiến đấu với bệnh mà họ còn chiến đấu vì con, vì gia đình nữa. Họ sợ tái phát, di căn của bệnh, sợ hơn hết là nếu bản thân họ xảy ra chuyện gì thì không có ai lo cho con, cho gia đình. Họ sợ đến mức yêu cầu cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú, mặc dù y học hiện nay có thể bảo tồn hoặc tái tạo lại. Nhưng chính nỗi sợ ấy khiến họ không thể tiếp cận được những tiến bộ trong điều trị. Hoặc đôi khi, họ cũng phát hiện những bất thường nhưng mà họ không đi khám sớm vì nghĩ rằng bệnh không nghiêm trọng hoặc vì lo cho chồng con, vướng công việc gia đình”, bác Khánh trầm ngâm.
Đối diện với những âu lo ấy, bác Khánh thường dành nhiều thời gian phân tích, chia sẻ, giải thích cặn kẽ từng chi tiết trong phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Tùy vào từng trường hợp, gia cảnh, BS Khánh lựa chọn cách tiếp cận và giải thích khác nhau.
Mục tiêu là để người bệnh có thể đồng hành với bác sĩ trong cả quá trình điều trị lâu dài, lạc quan, không bỏ cuộc, không tin theo những phương pháp chưa được kiểm chứng khoa học. Sự minh bạch trong giao tiếp giúp bệnh nhân cảm nhận được sự chân thành, từ đó gỡ bỏ những e ngại ban đầu, tin tưởng và tuân thủ đúng theo phác đồ lập ra.
“Chỉ khi phác đồ điều trị được thiết kế tương thích với tình trạng sức khỏe, khả năng tài chính và yêu cầu tâm lý của từng bệnh nhân, họ mới thực sự cảm thấy yên tâm và sẵn sàng đồng hành lâu dài”, BS Khánh chia sẻ.
Điều trị ung thư không chỉ là cuộc chiến y học mà còn là trận chiến của tinh thần. Cũng vì lý do này, mà tại Khoa Tuyến vú Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi bệnh nhân đều được tạo không gian thoải mái trong suốt quá trình điều trị. Từ những hoạt động như tập thể dục, nghe nhạc, đọc sách để giúp giảm căng thẳng, giữ vững tinh thần lạc quan. Đến các dịch vụ hỗ trợ như: tóc giả, áo ngực cho những bệnh nhân đã phẫu thuật, giúp họ cảm thấy tự tin hơn khi ra viện, tái hòa nhập với cộng đồng.
Bên cạnh đó, khoa cũng tổ chức các buổi gặp gỡ, chia sẻ với các bệnh nhân đã thành công trong điều trị tại bệnh viện góp phần động viên, gieo hy vọng rằng ung thư không phải là dấu chấm hết mà là một hành trình chiến đấu có thể giành phần thắng. Nhờ những nỗ lực không ngừng trong việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân, chỉ sau 6 năm hoạt động, Khoa Tuyến vú dưới sự hỗ trợ của Ban Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy cùng sự dẫn dắt của BS Khánh đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Từ chỗ chỉ có thể áp dụng các phương pháp điều trị truyền thống, đến nay, khoa đã triển khai hiệu quả các kỹ thuật tiên tiến nhất như áp dụng thành công kỹ thuật phẫu thuật nội soi, Phẫu thuật tái tạo vú, phẫu thuật ít xâm lấn trong điều trị ung thư vú, giúp giảm sẹo và nâng cao kết quả điều trị.
Không chỉ khám bệnh, BS Khánh còn là người đồng hành cùng các bệnh nhân. (Ảnh: BVCC)
Bên cạnh công tác thăm khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy, BS Khánh cùng các đồng nghiệp trong khoa thường xuyên được tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn thông qua việc học hỏi từ các bệnh viện nước ngoài, tham dự, báo cáo ở các hội thảo quốc tế cũng như mời chuyên gia quốc tế đến Việt Nam để chia sẻ kiến thức.
Ngoài ra, khoa còn có hai báo cáo về kết quả điều trị ung thư vú được công nhận và đăng tải trên các tạp chí quốc tế, góp phần nâng cao giá trị nghiên cứu và chất lượng điều trị ung thư vú tại Việt Nam.
BS Khánh cũng cho biết thêm, trên thực tế, một số không ít bệnh nhân ung thư ở nước ta còn phát hiện ở giai đoạn muộn. Theo thống kê của Việt Nam nói chung, độ tuổi ung thư vú ở Việt Nam khoảng từ 40 - 60 tuổi. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy con số này rơi vào khoảng 50 tuổi.
Song, những báo cáo gần đây cho thấy độ tuổi mắc ung thư vú tại Việt Nam ngày càng trẻ hóa, ngay cả những trường hợp chỉ mới đôi mươi cũng được phát hiện bệnh. Điều này đặt ra thách thức lớn, nhưng đồng thời cũng là lời nhắc nhở quan trọng về việc tầm soát, phát hiện sớm, tăng tỷ lệ chữa khỏi và giảm gánh nặng điều trị.
Bác Khánh khuyên: “Ở Việt Nam, Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên đi khám tầm soát ung thư vú mỗi năm một lần. Đối với phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao như: do di truyền, những người có đột biến gen BRCA hoặc những phụ nữ có tác động của xạ trị vùng ngực… nên tầm soát từ khi đến tuổi 25. Tuy nhiên, bắt đầu từ tuổi 20 phụ nữ phải học cách tự khám vú ở nhà để phát hiện sớm những cái dấu hiệu bất thường”.
Sau khi chắc chắn là không bỏ sót tin nhắn nào của bệnh nhân, đặt chiếc điện thoại sang một bên, PGS.TS.BS Huỳnh Quang Khánh cẩn thận xem lại các giấy tờ, hồ sơ bệnh án của từng bệnh nhân. Hành trình của một người bác sĩ có lẽ là hành trình của những điều kỳ diệu: mang lại sự sống, niềm tin và hy vọng. Và với BS Huỳnh Quang Khánh, hành trình ấy chưa bao giờ dừng lại - không chỉ vì trách nhiệm, mà vì trái tim bác chưa từng thôi đau đáu với nỗi đau của bệnh nhân.