Theo các bác sĩ, những người thừa cân, béo phì; người ít vận động, thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá, người có tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại tràng... sẽ gia tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.
Vừa qua, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân 80 tuổi được chẩn đoán ung thư đại tràng giai đoạn 3 tại nhiều vị trí.
Cụ thể, bệnh nhân đến khám tại bệnh viện do mệt mỏi, sụt cân nhanh. Sau kkhi thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc ung thư đại tràng, đây là một ca bệnh hiếm gặp khi các tổn thương được phát hiện ở 3 vị trí: đại tràng phải góc gan, đại tràng ngang và đại tràng xuống sát góc lách.
Theo các bác sĩ, ung thư đại tràng là 1 trong 5 ung thư phổ biến ở Việt Nam. Ảnh minh họa
Tại Bệnh viện, sau khi thống nhất phương án phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành cắt toàn bộ đại tràng phải, đại tràng ngang và đại tràng trái cao cùng nạo vét hạch hệ thống. Khoảng 2 tuần sau phẫu thuật, vết mổ đã khô, tiêu hóa thông tốt, người bệnh có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường và đủ điều kiện xuất viện.
Chia sẻ thêm về ca bệnh này, ThS.BS Phạm Văn Hùng - Khoa Ngoại Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Phúc cho biết, qua khai thác thông tin người thân được biết, người bệnh có 4 người con gồm 1 con trai và 3 con gái, trong đó con trai đã phẫu thuật và truyền hóa chất ung thư đại tràng ở giai đoạn sớm vào năm 2011, hiện vẫn tái khám định kỳ ổn định; một con gái cũng phát hiện mắc ung thư đại tràng nhưng ở giai đoạn muộn nên dù đã phẫu thuật tuy nhiên đã không qua khỏi.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư đại tràng
Theo thống kê của Globocan năm 2020, Việt Nam ghi nhận gần 16.000 ca mắc ung thư ở đại tràng mới, hơn 8.200 ca tử vong vì bệnh này. Hiện nay, đây là bệnh lý ung thư phổ biến đứng thứ 5 tại Việt Nam, chỉ sau ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vú và ung thư dạ dày.
Nghiên cứu tại Bệnh viện K cho thấy, ung thư đại tràng thường xuất hiện ở độ tuổi trên 40. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh đang có xu hướng "trẻ hóa" với nhiều trường hợp nằm trong khoảng 18-20 tuổi.
Ăn nhiều rau xanh, hạn chế thịt đỏ và các loại nước ngọt có gas, đồ có cồn để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh. Ảnh minh họa
Theo các bác sĩ Bệnh viện K, người mắc ung thư đại tràng sẽ có một số dấu hiệu cảnh báo sớm như: Thường xuyên bị đau bụng. Đây là triệu chứng thường gặp nhất ở những người mắc bệnh ung thư đại tràng. Các cơn đau thường không rõ ràng, khi dữ dội, lúc lại âm ỉ tương tự như biểu hiện của viêm đại tràng.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể gặp rối loạn tiêu hóa kéo dài. Các dấu hiệu thường gặp như: ợ chua, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, ăn không ngon miệng… Tình trạng này kéo dài khiến cho cơ thể mệt mỏi, sụt cân.
Ngoài ra, đại tiện ra máu cũng là triệu chứng phổ biến của ung thư đại tràng, tuy nhiên không ít người nhầm lẫn biểu hiện này với bệnh trĩ và để bệnh phát triển quá lâu khiến cho tình trạng này ngày càng nghiêm trọng.
Một số triệu chứng khác của bệnh như: đại tiện ra phân nhỏ; sụt cân bất thường, cơ thể mệt mỏi, suy nhược; đau hậu môn và không kiểm soát được sự co thắt của hậu môn…
Những ai dễ mắc ung thư đại tràng?
Theo ThS.BS Trần Minh Hiếu - Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bất cứ ai cũng có khả năng mắc ung thư tại đại tràng, tuy nhiên, một số đối tượng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường. Chẳng hạn, người bệnh bị thừa cân, béo phì, không kiểm soát được cân nặng. Trong đó, nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nữ giới.
Người không hoặc ít tham gia các hoạt động thể dục thể thao; người bệnh có chế độ ăn uống thiếu khoa học như thường xuyên ăn đồ dầu mỡ, các thực phẩm chứa nhiều chất béo no; những người bệnh có độ tuổi lớn hơn 50; người hút thuốc lá hoặc uống bia rượu thường xuyên cũng có nguy cơ mắc ung thư đại tràng và một số loại ung thư khác.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, những người có tiền sử gia đình (bố mẹ, anh chị em ruột) có người bị ung thư đại tràng hoặc polyp đại trực tràng sẽ có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này do yếu tố di truyền.
Vì vậy, WHO khuyến cáo, nếu trong gia đình có người thân bị polyp đại tràng, nên thực hiện tầm soát sớm để dự phòng nguy cơ mắc bệnh. Tốt nhất nên đi khám sức khỏe định kỳ, nội soi đại tràng 6 tháng – 1 năm/ lần. Với người không có yếu tố di truyền cũng nên tầm soát sớm sau 40 tuổi, nội soi đại tràng 3-5 năm/lần, trường hợp phát hiện bệnh, bác sĩ sẽ có hướng xử lý và điều trị kịp thời.
Theo các chuyên gia, ung thư đại tràng là bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh được thông qua thói quen ăn uống lành mạnh. Vì vậy, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, người dân cần tăng cường chất xơ (rau xanh, trái cây) vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày đồng thời hạn chế các loại thịt đỏ bởi theo nghiên cứu, nếu ăn khoảng 160g/ngày hoặc chế độ ăn với thịt quá 5 lần/tuần có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao gấp 3 lần bình thường.
Cùng với đó, hạn chế ăn các đồ chiên, nướng, thịt xông khói, dăm bông, xúc xích, nước ngọt có gas, thuốc lá… vì sẽ làm gia tăng yếu tố gây ung thư đại tràng cũng như nhiều loại ung thư khác.
Ngoài yếu tố dinh dưỡng, người dân cần tập thể dục đều đặn thường xuyên cũng giúp gia tăng sức khỏe, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.