Nữ giáo viên ở Đà Nẵng chia sẻ chị đã có một dấu hiệu cảnh báo bệnh từ sớm nhưng do bận rộn nên đã không đi khám ngay.
Dấu hiệu ung thư bị bỏ qua
Chị Trương Thị Hồng Loan (hiện 48 tuổi) là một giáo viên làm việc tại Đà Nẵng. Mới đây, chị tâm sự chị không ngờ căn bệnh ung thư lại ập đến với chị nhanh tới như vậy.
Một năm trước, lúc 47 tuổi, chị Loan bị loét lưỡi nhưng nghĩ là do công việc phải nói nhiều và do nóng trong người. Lúc đó là thời điểm sát Tết 2023, bận rộn nhiều việc nên chị Loan hoãn việc đi khám. Chị chỉ ra tiệm mua thuốc về uống.
"Tôi nghĩ để ra Tết khi việc đã bớt đi, tôi sẽ vào bệnh viện khám. Vì tôi nghĩ đơn giản nhiệt miệng sẽ không nặng và phải tới viện khám", chị Loan nói.
Ra Tết, tình trạng lở loét ở lưỡi không thuyên giảm. Chị Loan đi khám. Khi bác sĩ nhìn thấy lưỡi của chị Loan, bác sĩ có vẻ mặt trầm ngâm. Bác sĩ nói với chị nên nhập viện khám chuyên sâu vì nghi ngờ ung thư lưỡi.
Chị Trương Thị Hồng Loan (tại Đà Nẵng) phát hiện mắc ung thư sau khi có 1 dấu hiệu. (Ảnh: NVCC)
Chị Loan vào TP.HCM khám, bác sĩ chỉ định phải mổ cắt bỏ lưỡi, kết quả giải phẫu cho thấy chị mắc ung thư lưỡi giai đoạn 4.
Biết mình mắc ung thư, chị Loan đã rất "sốc". Chị là lao động chính trong gia đình, vừa đi dạy vừa buôn bán. Nếu phải nghỉ việc đi chữa bệnh, nhiều dự định tương lai của chị sẽ bị ảnh hưởng.
"Thời điểm đó tôi mới mua nhà, chưa trả hết nợ. Nay đổ bệnh. tôi rất lo sẽ chết nhanh không kịp giải quyết mọi việc", chị Loan nói.
"Con đang đi học, đứa lớn nhất vừa ra trường chưa có việc. Do vậy, từ chỗ bi quan tôi lại nghĩ tích cực, cần phải sống vì con và gia đình. Và tôi nghĩ cũng nên cho mình một cơ hội sống vì trước đây tôi chỉ biết làm mà không hề biết hưởng thụ cuộc sống. Nên giờ có cơ hội được sống, tôi tự nhủ với bản thân phải tốn kém và đau đớn cũng cố gắng điều trị".
Kiên trì chiến đấu với ung thư
Biết là điều trị ung thư sẽ tốn kém, chị Loan đã rao bán nhà. Trước mắt chị vay mượn tiền để điều trị.
Sau khi mổ xong chị Loan tiếp tục phải điều trị, hóa và xạ đồng thời.
Điều trị ung thư vùng đầu mặt cổ có tác dụng phụ rất "khủng khiếp". Trong nhiều tháng liên tục, đờm dãi rất nhiều khiến chị không thể ngủ được, phải ngồi ngủ. Có khi cả đêm chị ngồi dùng giấy ướt, móc họng lấy đờm.
Tác dụng phụ của điều trị khiến cho chị Loan đau đớn, khó khăn trong ăn uống. Chị luôn phải tự động viện mình cố gắng. Mỗi ngày trôi qua, tác dụng phụ giảm dần, chị bắt đầu tập há miệng, xoay cổ vai, tập ăn sau 3 tháng điều trị.
"Khi tập ăn trở lại, đau đớn vô cùng, vừa nuốt vừa ứa nước mắt. Nhưng tôi tâm niệm phải ăn mới sống. Ban đầu chồng con đút cho ăn, về sau tôi cũng tập để tự mình có thể ăn được", chị Loan nói.
Khi chị tập ăn đã quen, bác sĩ cũng cho chị rút ống ăn xông. Giờ việc ăn uống với chị vẫn còn khó khăn. Sáng nào chị Loan cũng tập xoay đầu cổ, há miệng 200 lần. Ngoài ra, chị cũng đi bộ nhẹ nhàng để nâng cao sức khỏe.
Theo chị Loan, để đối mặt với căn bệnh ung thư, sức mạnh chính là sự khao khát muốn sống và lạc quan.
"Tôi nghĩ mỗi ngày trôi qua, bản thân phải sống có ý nghĩa hơn. Tôi sẽ cố sống yêu bản thân hơn, bớt lo toan suy nghĩ hơn", chị Loan nói.
Hiện tại, chị Loan đã quay trở lại với công việc, chị đi làm và được bố trí công việc phù hợp với sức khỏe. Chị Loan cũng khoe: "Năm học tới đây tôi sẽ đứng lớp dạy bình thường trở lại, dạy các môn phụ để ít phải nói".
Lời nhắn tới các bạn trẻ
Khi mắc bệnh, chị Loan cũng đã suy nghĩ rất nhiều về nguyên nhân mắc bệnh.
"Tôi đã quá tham công tiếc việc, không chú ý tới sức khỏe của bản thân. Tôi đã suy nghĩ quá nhiều, lo nghĩ cho con cái chưa theo ý của mình. Công việc quá bận rộn nên tôi ăn uống không khoa học. Đây có thể là lý do khiến cho bệnh ung thư tới nhanh hơn với tôi", chị Loan nói.
Qua câu chuyện mắc ung thư của mình, chị Loan cũng muốn nhắn nhủ với người đồng bệnh luôn tin vào y học hiện đại và lạc quan. Mọi khó khăn bệnh tật sẽ qua.
Với người trẻ, chị Loan cũng nhắn nhủ: "Làm việc cần nghỉ ngơi, giữ sức khỏe. Đừng phí phạm sức khỏe của bản thân để rồi hối hận. Khi ăn uống, cần phải cân nhắc và nghĩ nhiều tới sức khỏe hơn".