Mỗi loại gạo có những giá trị dinh dưỡng lẫn giá trị “bài thuốc” riêng mà đôi khi chúng ta chưa biết hết.
Gạo là lương thực có mặt trong mọi bữa ăn của gia đình Việt và nhiều nước châu Á. Gạo phân thành ba nhóm chính gồm gạo nếp, gạo tẻ và gạo lứt. Mỗi loại có những giá trị dinh dưỡng lẫn giá trị “bài thuốc” riêng mà đôi khi chúng ta chưa biết hết.
Gạo nếp
Gạo nếp rất dẻo, chủ yếu để đồ xôi, nấu chè, làm bánh và có giá trị dinh dưỡng rất cao. Gạo nếp có vị ngọt, tính ấm, nhiều nhựa, có mùi thơm, làm mạnh phổi, khỏe tì, chữa được chứng đi phân lỏng, tiểu tiện khó, chứng đổ mồ hôi trộm, có thể giải được độc tính. Gạo nếp khi kết hợp với các loại dược vị khác có thể chữa được nhiều chứng bệnh.
Gạo ngoài việc có tác dụng làm lương thực thì nó cũng có khả năng trị bệnh (Ảnh: Internet)
Gạo nếp nấu lên ăn dễ tiêu, còn giúp ấm bụng, rất có ích cho người yếu bụng, dạ dày bị viêm loét. Tuy nhiên, gạo nếp không nên ăn quá nhiều, sẽ khiến người nóng, nhất là người bị mụn nhọt hay bị sưng tấy.
Gạo tẻ
Gạo tẻ được dùng để nấu cơm ăn hàng ngày, có vị ngọt, tính mát, giúp điều hòa tì vị, lợi tiểu, trị được chứng phân lỏng hoặc tả lỵ. Đặc biệt là khi dùng gạo nấu cháo trắng, sẽ phát huy được tác dụng của gạo, đồng thời giúp giải tỏa cơn khát, giải cảm tức thời.
Gạo lứt
Gạo lứt rất bổ nhờ lớp vỏ cám bên ngoài. Lớp cám này chứa một chất dầu đặc biệt có tác dụng điều hòa huyết áp, làm giảm cholesterol xấu, giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch. Ăn cơm gạo lứt giúp điều hòa ngũ tạng, thông phế quản, bổ tì vị, cung cấp can xi giúp gân xương cứng cáp, cầm được chứng tả lỵ, giúp thần trí minh mẫn. Ngoài nấu cơm ăn kèm với muối mè như cách dân gian thì gạo lứt có thể dùng nấu cháo kèm với đậu đỏ, làm cốm…