Một số người cho rằng người ít bị cảm thì hệ miễn dịch không quen đối phó với virus, vi khuẩn nên không đủ khả năng chống chọi với tế bào ác tính, dễ mắc ung thư hơn, điều này liệu có chính xác?
Ông Trương ở Trung Quốc vốn yêu thích thể thao từ khi còn nhỏ. Khi còn trẻ, ông thường xuyên tập thể dục và có thể trạng tốt hơn người bình thường, hiếm khi bị cảm hay sốt. Ngay cả sau khi về hưu, ông vẫn tiếp tục tập luyện. Có lần, ông nghe một người bạn nói rằng những người ít bị cảm, ốm sẽ dễ mắc ung thư hơn. Người đó còn giải thích bệnh tật có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch, nếu không có bệnh, hệ miễn dịch cũng ít hoạt động, đến khi bệnh nặng khó chống chọi được.
Điều này khiến ông Trương không khỏi băn khoăn, thậm chí còn có ý định cố tình làm cho bản thân bị cảm lạnh. Vậy có phải những người không bị cảm lạnh trong thời gian dài, hệ miễn dịch ít hoạt động nên dễ bị ung thư hơn?
Người lâu ngày không bị cảm lạnh có dễ mắc ung thư?
Bác sĩ Phan Chiến Hòa, phó khoa Ung thư, Bệnh viện Trung Sơn trực thuộc Đại học Hạ Môn, Trung Quốc cho biết: "Hầu hết những người hiếm khi bị cảm lạnh hoặc sốt đều có hệ thống miễn dịch mạnh hơn và có thể loại bỏ vi khuẩn, virus xâm nhập kịp thời".
Nếu khả năng miễn dịch của bạn tương đối yếu, hệ thống phòng thủ cũng suy giảm. Lúc này, bạn sẽ dễ bị các vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn và virus xâm nhập, có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp trên và các bệnh khác.
Không có bằng chứng nào cho thấy người ít bị cảm lạnh sẽ dễ mắc ung thư hơn người hay ốm. (Ảnh minh họa)
Một số người cho rằng những người dễ bị cảm lạnh ít mắc bệnh ung thư hơn vì khả năng miễn dịch của họ mạnh hơn, còn những người ít ốm sẽ có miễn dịch kém nên dễ bị tế bào ác tính tấn công. Thực tế, điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học rõ ràng.
Hơn nữa, cảm lạnh và ung thư là hai bệnh khác nhau, có cơ chế bệnh sinh và yếu tố ảnh hưởng khác nhau. Cảm lạnh là bệnh do nhiễm virus đường hô hấp, còn ung thư là bệnh do đột biến gen gây ra bởi nhiều yếu tố.
Tóm lại, không thể chỉ dựa vào tần suất bị cảm mà phán đoán một người có dễ mắc K hay không. Tuy nhiên, nhiều bệnh tật có liên quan đến mất cân bằng miễn dịch. Để biết bản thân có hệ miễn dịch mạnh hay yếu, mọi người có thể dựa vào những biểu hiện dưới đây.
Những người có khả năng miễn dịch mạnh thường có 6 đặc điểm
Bác sĩ Ngô Sĩ Cập, Khoa Thí nghiệm Y học, Bệnh viện Đồng Tế, Thượng Hải cho biết: "Nếu một người có những đặc điểm sau, hầu hết đều cho thấy khả năng miễn dịch mạnh mẽ".
1. Hiếm khi bị bệnh
Một số người có khả năng miễn dịch mạnh thường hiếm khi mắc bệnh. Điều này là do các tế bào miễn dịch mạnh mẽ và hiệu quả trong cơ thể họ có thể nhanh chóng xác định các mầm bệnh xâm nhập và tiêu diệt chúng kịp thời, đồng thời bắt đầu các phản ứng chống lại mầm bệnh thích ứng mà không có triệu chứng nhiễm trùng rõ ràng.
2. Chất lượng giấc ngủ tốt
Giấc ngủ chất lượng có thể phục hồi và cải thiện khả năng miễn dịch trong khi ngủ. Đồng thời, hệ thống miễn dịch khỏe mạnh có thể khiến mọi người ngủ ngon hơn.
Giấc ngủ chất lượng có thể cải thiện khả năng miễn dịch. (Ảnh minh họa)
3. Phục hồi nhanh chóng sau nhiễm trùng
Những người có khả năng miễn dịch mạnh có thể phục hồi nhanh chóng sau khi bị nhiễm trùng và quá trình bệnh tương đối ngắn hơn. Sau khi mầm bệnh xâm nhập, các tế bào miễn dịch mạnh của họ có thể phản ứng nhanh chóng, các mầm bệnh ít có khả năng lây lan trên diện rộng và phục hồi nhanh hơn.
4. Hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn
Hệ thống miễn dịch mạnh giúp duy trì sức khỏe đường ruột và duy trì sự cân bằng của hệ thực vật đường ruột tốt hơn. Do đó, hệ tiêu hóa cũng khỏe mạnh hơn.
5. Trọng lượng ổn định
Hầu hết những người có hệ thống miễn dịch mạnh có sự trao đổi chất tốt hơn và hệ thống nội tiết cân bằng hơn, ít có khả năng bị béo phì và có cân nặng tương đối ổn định.
Những người có hệ miễn dịch mạnh cũng có sự trao đổi chất tốt nên ít bị béo phì. (Ảnh minh họa)
6. Ổn định cảm xúc
Những người có cảm xúc ổn định ít có nguy cơ bị viêm nhiễm và mắc các bệnh mãn tính hơn, đồng thời ít cảm thấy khó chịu về thể chất. Điều này là do sự tương tác giữa hệ thống miễn dịch của con người, hệ thần kinh và hệ thống nội tiết được ổn định, điều hòa.
6 việc để cải thiện khả năng miễn dịch của bạn
Bác sĩ Zeng Yaochi, trưởng khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Quốc Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, cho biết: "Nếu muốn cải thiện khả năng miễn dịch, bạn không thể dựa vào thuốc mà phải cải thiện thông qua cuộc sống hàng ngày".
- Giải tỏa tâm lý: Nếu bạn phải chịu áp lực cao trong thời gian dài, cơ thể sẽ sản sinh ra các yếu tố ức chế, điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các tế bào miễn dịch. Vì vậy, bạn phải học cách giải tỏa tâm lý bản thân một cách thích hợp.
- Bổ sung hợp lý men vi sinh, vitamin và khoáng chất…: Vitamin, khoáng chất sẽ ảnh hưởng đến sức sống và số lượng tế bào miễn dịch. Bạn nên thường xuyên ăn nhiều trái cây và rau quả để nâng cao đề kháng. Ngoài ra, hãy bổ sung thêm men vi sinh để tăng cường sức khỏe đường ruột.
Ăn nhiều rau củ quả để bổ sung vitamin, khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng. (Ảnh minh họa)
- Chủ động uống nước: Nếu đợi đến khi khát mới uống nước, cơ thể con người khi ấy thường đã bị mất nước trầm trọng, vì vậy bạn nên chủ động uống nước bất kể có khát hay không.
- Đảm bảo ngủ đủ giấc: Giấc ngủ chất lượng cao có thể thúc đẩy sản xuất các yếu tố gây buồn ngủ, giúp tăng số lượng bạch cầu và cải thiện khả năng miễn dịch tốt hơn.
- Vận động mỗi ngày: Qua nghiên cứu, các nhà khoa học Phần Lan phát hiện chỉ cần 10 phút tập thể dục có thể làm tăng số lượng tế bào miễn dịch, bạch cầu, tế bào B và bạch cầu đơn nhân trung gian trong máu, từ đó cải thiện khả năng đề kháng và chống ung thư tốt hơn.