10 công việc dễ mắc bệnh phổi

Ngày 08/01/2013 10:00 AM (GMT+7)

Có rất nhiều công việc nếu bạn làm sẽ dễ mắc bênh phổi hơn.

Theo Giáo sư bác sĩ Philip Harber – người đứng đầu Phân cục Y khoa về Môi trường và Nghề nghiệp thuộc Trường ĐH California, Los Angeles (Mỹ), công nhân làm một trong 10 công việc dưới đây thường đối diện với nguy cơ mắc bệnh phổi.

Hầu hết các thể bệnh này đều có thể ngăn ngừa bằng cách hạn chế để phơi nhiễm hoặc tiếp xúc với các tác nhân gây hại.

1. Công nhân xây dựng

Các công nhân xây dựng thường phải hít nhiều bụi bặm trong lúc làm việc. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến họ có nhiều nguy cơ mắc phải các chứng bệnh về phổi như ung thư phổi, u trung biểu mô màng phổi (mesothelioma) và bệnh amiăng - những dạng bệnh làm sẹo và chai cứng phổi.

Để ngừa nguy cơ mắc bệnh, các công nhân cần phải mặc quần áo bảo hộ và mang mặt nạ đặc biệt trong khi làm việc.

2. Công nhân chế biến thực phẩm

Công nhân làm việc tại các nhà máy sản xuất và chế biến thực phẩm thường xuyên phải tiếp xúc với bụi, hóa chất và khí gas – các yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD). Bên cạnh đó, các loại hóa chất nhất định như diacetyl – chất tạo hương vị được sử dụng làm bỏng ngô, rượu vang tại các nhà máy chế biến thực phẩm có thể gây ra chứng bệnh nguy hiểm như viêm tiểu phế quản tắc nghẽn (bronchiolitis obliterans).

Những bước đơn giản để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh là công nhân cần trang bị mặt nạ khi sử dụng các loại hóa chất nguy hiểm cho sức khỏe.

3. Nhân viên y tế

Theo ước đoán của giới chuyên môn, có tới 8-10% số nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi chất bột có trên các đôi găng tay cao su, vốn là tác nhân gây nên các phản ứng mạnh mẽ trong cơ thể, đồng thời thúc đẩy quá trình phát triển bệnh suyễn và dị ứng.

10 công việc dễ mắc bệnh phổi - 1

Có nhiều công việc khiến bạn có thể mắc bệnh phổi (Ảnh minh họa)

4. Công nhân may

Bệnh phổi do nhiễm bụi lông (byssinosis) là một thể bệnh thường gặp ở các công nhân may mặc: những người làm nệm ghế, khăn tắm, vớ và quần áo. Vì trong lúc cắt, xén các loại vải bằng cotton sẽ tạo ra các loại bụi gây tổn hại đáng kể cho phổi khi hít phải. Các phần tử nguy hại này cũng có thể tồn tại trong các loại vật liệu khác.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh, công nhân nên mang mặt nạ, cải thiện sự thông thoáng trong khu vực làm việc và tránh khói thuốc lá.

5. Nhân viên pha chế rượu

Trong quá trình phục vụ rượu cho khách trong phòng đầy khói thuốc lá, các nhân viên pha chế rượu thường phải đối diện với nguy cơ cao bị các bệnh về phổi. Đặc biệt nếu họ thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động như thế trong khoảng thời gian dài.

6. Công nhân làm bánh

Công việc này có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh suyễn do trong quá trình chuẩn bị và nhào bột, công nhân thường hít phải nhiều bụi bột, dẫn đến phát triển chứng dị ứng. Một căn bệnh thông thường nữa ở công nhân làm bánh là bệnh suyễn, gây ra bởi phản ứng giữa các enzyme trong phổi với các dị ứng nguyên khác được tìm thấy trong các loại bột.

7. Công nhân lắp ráp, sửa chữa ô tô

Đặc biệt khi sửa chữa các bộ phận bên trong xe hơi, các công nhân có nhiều khả năng phát triển bệnh suyễn. Vì các loại sản phẩm như sơn xịt có chứa chất poliuretan (loại nhựa tổng hợp dùng chế tạo sơn) và isocyanate có thể gây kích thích da, dị ứng, thở nông hoặc triệu chứng nghiêm trọng hơn là khiến quá trình hô hấp trở nên cực kỳ khó khăn.

Việc sử dụng mặt nạ, găng tay, kính bảo hộ có thể mang lại nhiều lợi ích ngừa bệnh cho các công nhân trong lúc làm việc.

8. Tài xế

Các tài xế xe tải hoặc các phương tiện công cộng thường đối diện với nguy cơ cao mắc bệnh COPD. Chứng bệnh này phát triển do các tài xế thường xuyên tiếp xúc với nguồn không khí bị ô nhiễm do khí thải của các loại phương tiện trên đường gây ra.

9. Thợ mỏ

Các thợ mỏ thường đối diện với nguy cơ cao mắc một số bệnh về phổi như COPD do tiếp xúc với bụi đất, bệnh bụi phổi do hít phải chất silic có trong hầm mỏ. Các thợ mỏ than dễ mắc bệnh pneumokoniosis (nám phổi).

Để ngăn ngừa các chứng bệnh phổi này, các thợ mỏ cần phải thường xuyên sử dụng mặt nạ đặc biệt để lọc bụi.

10. Lính cứu hỏa

Lính cứu hỏa thường đối diện với nguy cơ hít phải khói và các loại hóa chất độc hại khác bốc lên từ các đám cháy. Theo giới chuyên môn, việc tiếp xúc với các loại khí độc hại và amiăng thường xảy ra khi đám cháy đã được dập tắt còn ngún khói.

Để ngừa tình trạng hít phải các loại khói độc hại trong quá trình chữa cháy, lính cứu hỏa cần phải được các trang bị các dụng cụ bảo hộ thích hợp, giúp bảo vệ họ tránh khỏi nguy cơ trên.

Theo Nguyễn Niệm (Phụ Nữ Online)
Nguồn:

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thường gặp