Cái kết ngọt ngào với người vợ ở Bình Dương gặp vấn đề ở tử cung, trứng rụng thất thường

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 12/07/2023 16:09 PM (GMT+7)

Sau một thời gian kết hôn không có tin vui, vợ chồng chị Kim Ngân đi khám, phát hiện bị hiếm muộn. Nếu muốn có con chỉ có cách làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và cuối cùng điều kỳ diệu đã đến.

Chị Kim Ngân và anh Quang Dương cùng sinh năm 1995, đều là nhân viên y tế đang công tác tại quê nhà tỉnh Bình Dương. Hai người quen nhau từ thời đang học y khoa tại TP.HCM. Năm 2020 khi tình yêu chín muồi, cả hai quyết định tiến tới hôn nhân và mong muốn sớm có con đầu lòng. “Ban đầu em cũng thả nhưng đợi mãi không thấy có con. Sốt ruột, hai vợ chồng đi khám, qua siêu âm bác sĩ nói em bị rối loạn phóng noãn”, chị Ngân chia sẻ.

Do còn trẻ tuổi, bác sĩ khuyên 2 vợ chồng nên về theo dõi, thay đổi thói quen ăn uống với mong muốn có con tự nhiên vào một ngày sớm nhất. Cả hai đều có chuyên môn y tế, nên tự lên kế hoạch ăn uống điều độ, uống thêm các loại thuốc bổ trứng nhưng đợi mãi cũng chẳng có kết quả.

Chị Ngân chia sẻ, may mắn là gia đình hai bên đều không gây áp lực khi thấy chị chậm con, thế nhưng có lúc câu hỏi của những người xung quanh khiến chị cảm thấy chạnh lòng. Hay thời điểm dịch căng thẳng, chồng đi chống dịch, chị Ngân lủi thủi một mình ở nhà rất tủi thân. Những lúc ấy, người vợ trẻ chỉ ước có tiếng cười trẻ thơ thì hạnh phúc biết bao.

Sau hành trình đầy vất vả, chị Ngân và anh Dương đã chào đón một bé trai kháu khỉnh vào đầu năm 2023.

Sau hành trình đầy vất vả, chị Ngân và anh Dương đã chào đón một bé trai kháu khỉnh vào đầu năm 2023.

Khi ở một mình, chị Ngân suy nghĩ rất nhiều vì nguyên nhân hiếm muộn là do mình. Hiểu nỗi niềm của vợ, anh Dương luôn động viên chị cố gắng, hy vọng một ngày gần nhất con yêu sẽ đến. Dù muốn can thiệp bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản để sớm có con, nhưng do mới đi làm, kinh tế còn khó khăn nên hai vợ chồng chị chưa dám thực hiện.

Khi đang từng ngày mong ngóng con yêu, chị Kim Ngân được bạn giới thiệu chương trình hỗ trợ chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) dành cho nhân viên y tế có hoàn cảnh khó khăn, nên lập tức nộp hồ sơ, hy vọng vận may sẽ đến. “Bao ngày chờ đợi, em nhận được cuộc gọi từ bệnh viện, thông báo hồ sơ đã đủ điều kiện. Khi đó em mừng lắm, cảm giác như một chân trời mới đã mở ra với mình”, chị Ngân chia sẻ.

Hồ sơ được thông qua, chị Ngân đi khám chuyên sâu về sinh sản, bác sĩ thông báo ngoài vấn đề rối loạn phóng noãn, người phụ nữ này còn bị tử cung nhỏ, cổ tử cung ngắn và được vấn tiêm thuốc.

“Lúc đó, bác sĩ động viên, cho em thuốc tốt nhất có thể để tiêm. Dù làm trong ngành y tế nhưng thấy kim em cũng sợ, tiêm cũng rất đau. Có mũi phải tiêm mông, em không thể tự tiêm được, phải nhờ đồng nghiệp tiêm giúp. Thêm vào đó, thời điểm này chồng đi chống dịch suốt. Bản thân tiêm đau một phần, còn lại cứ thấy lủi thủi một mình, không có chồng bên cạnh nên tủi thân rất nhiều.

Đến khi chọc trứng, em tự bắt xe đi về, chồng em có xin vào thăm, an ủi một chút rồi phải về làm nhiệm vụ. Khi em tỉnh thuốc mê cũng phải tự bắt xe về, lúc đó thấy buồn lắm”, chị Ngân nhớ lại thời điểm gian nan.

Bác sĩ Nguyễn Thị Dung đang tiến hành chuyển phôi cho người vợ hiếm muộn do rối loạn phóng noãn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Dung đang tiến hành chuyển phôi cho người vợ hiếm muộn do rối loạn phóng noãn. 

Mọi khó khăn cũng qua đi, nỗ lực đã được đền đáp khi bác sĩ thông báo lấy được 11 trứng đẹp và tạo được 9 phôi. Tuy nhiên, do mắc COVID-19 nên chị Ngân phải đợi 5 tháng đến khi sức khỏe ổn định mới được chuyển phôi. Sau chuyển phôi, chị Ngân xin nghỉ việc 3 tuần, vì sợ ảnh hưởng đến phôi mới chuyển.

“Ngày mà em nhận thông tin có thai cũng là lúc dịch tạm lắng, có chồng ở bên, khi đó em vui lắm. Em hay nói đùa với chồng là lúc khổ không thấy anh đâu, lúc sướng thì mới thấy. Nhưng thú thật, khi nhận tin vui thì mọi khó khăn, áp lực, tủi hờn trước đó đã tan biến hết”, chị Ngân xúc động kể lại.

Sau hành trình mang thai đầy vất vả, ngày 26/1/2023, vợ chồng chị Ngân đón bé trai kháu khỉnh chào đời bằng phương pháp sinh mổ. Với người mẹ trẻ, thời điểm hai bố con lần đầu nhìn thấy nhau là khoảnh khắc vô cùng hạnh phúc mà chị không thể nào quên.

Bác sĩ Nguyễn Thị Dung cho biết, có 10% trong số các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn là do rối loạn phóng noãn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Dung cho biết, có 10% trong số các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn là do rối loạn phóng noãn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Dung - Trưởng đơn vị IVFMD Bình Dương, người trực tiếp thực hiện và theo dõi suốt thai kỳ cho chị Kim Ngân cho biết, rối loạn phóng noãn là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng hiếm muộn, do rối loạn hệ trục nội tiết sinh sản của người phụ nữ. Theo thống kê, có đến 10% các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn do rối loạn phóng noãn gây ra.

Theo quy luật bình thường, mỗi tháng sẽ có một nang trứng trong buồng trứng của người phụ nữ phát triển đến kích cỡ nhất định và sau đó rụng hay còn gọi là phóng noãn. Trường hợp trứng không rụng đều đặn, gây cản trở quá trình thụ thai tự nhiên được gọi là rối loạn phóng noãn.

Với trường hợp của chị Kim Ngân, ngoài rối loạn phóng noãn còn gặp phải tình trạng cổ tử cung ngắn và nhỏ, do vậy phải đặt thuốc để giữ bé không bị sinh non. “Sau bao vất vả, khó khăn và bằng sự nỗ lực cố gắng, cuối cùng vợ chồng chị Kim Ngân cũng đã được đón “trái ngọt” là một bé trai kháu khỉnh chào đời”, bác sĩ Dung chia sẻ.

Được biết, chị Ngân còn 8 phôi trữ tại bệnh viện, dự định khi con trai được được khoảng 2-3 tuổi, hai vợ chồng sẽ quyết định có con tiếp. “Do kinh tế khó khăn, lại mới có cháu nhỏ nên mục tiêu của chúng tôi vẫn là mong có con tự nhiên, nếu không được hai vợ chồng mới dùng phôi trữ để chuyển phôi tiếp”, chị Ngân nói về dự định của mình.

Mẹ hiếm muộn 10 năm, mang thai 29 tuần ra máu âm đạo vội đến viện thì ối đã cạn sạch, suýt phải cắt cả tử cung
Khi thấy đau bụng và ra máu, người mẹ nghĩ chỉ là dọa sảy thông thường, đến khi vào viện thì mọi thứ đã muộn, ối cạn và phải mổ lấy thai nhi ra ngoài.

Dấu hiệu sảy thai

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động