Hạt mè thường dùng chữa các chứng: tóc bạc sớm, suy nhược sau cơn bệnh, táo bón, ho khan, thiếu sữa sau khi sinh, ung nhọt, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh.
Mè có tên khoa học: Sesamum indicum L, thuộc họ Vừng (Pelaliaceae). Hạt mè (mè đen, mè trắng) có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng kiện tỳ ích vị (bổ dưỡng và hoàn chỉnh chức năng tiêu hóa), tư âm nhuận phổi (bổ máu dưỡng phổi), bổ can thận. Hạt mè chứa các thành phần dinh dưỡng gồm protid, lipid, glucid, xơ, vitamin B1, B2, PP, E, , các chất khoáng như: Ca, P, K, Na, Mg, Fe, Zn, Se, Cu, Mn…
Sau đây là những bài thuốc từ hạt mè:
Chữa viêm thận mạn tính, tiểu ra đạm: mè đen 0,5kg, quả óc chó 0,5kg, táo đỏ vừa đủ. Mè đen và quả óc chó tán nhuyễn, ngày 3 lần, mỗi lần 20g, sau khi uống nhai thêm 7 quả táo (đây là 1 liệu trình, uống hết chế biến tiếp).Hạt mè: thức ăn bổ thận, bổ ích cho phụ nữ.
Dự phòng cận thị: mè đen 50g, câu kỷ tử 30g, gạo tẻ 60g. Thêm nước vừa đủ nấu cháo, ngày 1 lần, ăn lúc ấm.
Chữa nội tạng bị suy: mè đen vừa đủ, sau khi hấp chín đem đi phơi, gạo tẻ vừa đủ, cùng nấu cháo ăn.
Chữa người tay chân sức yếu, lưng gối mỏi đau: mè đen, thục địa, bo bo, rượu với mỗi thứ vừa đủ. Bọc trong túi vải, ngâm trong rượu 1 tuần, dùng uống lúc bụng đói.
Chữa chức năng can và thận bị suy, táo bón, dưỡng da: mè đen, lá dâu, với mỗi thứ có lượng bằng nhau, nếp vừa đủ, nấu cháo ăn.
Chữa mề đay: mè đen 10g, táo đen 10g, đậu đen 10g. Sắc uống, ngày 1 thang, uống thường xuyên.
Chữa khí huyết cùng suy: lá mè đen tươi 1 bó, dùng nước sôi để hãm, uống thay trà, uống tùy thích.
Chữa sản phụ thiếu sữa:
- Mè đen 250g, giò heo 2 - 3 cái, gia vị vừa đủ. Giò heo hầm canh, mè đen sau khi rang tán nhuyễn, uống với canh giò heo, mỗi lần 15g, ngày 3 lần.
- Mè đen vừa đủ, trứng gà 1 quả, muối ăn một ít. Mè đen rang thơm, tán nhuyễn, nêm vào ít muối, trứng gà luộc chín, bỏ vỏ, rồi chấm ăn với muối mè, ngày 1 lần, ăn thường xuyên.
Chữa người cao tuổi hen suyễn: mè đen 250g (sao), gừng tươi 120g, đường phèn 100g, mật ong 100g. Gừng vắt lấy nước, nước gừng trộn với hạt mè, rồi cho vào chảo rang thơm, để nguội. Đường phèn và mật ong nấu chảy trộn đều, trộn đều với mè, sau cùng chứa trong một hũ to, mỗi sáng và chiều múc ăn 1 muỗng canh.
Chữa tăng huyết áp: mè đen 30g, dấm 30ml, mật ong 30g, trộn đều để uống, ngày 3 lần, uống 3 ngày.
Chữa mất ngủ do thận suy, đại tiện táo kết: mè đen 20g, quả óc chó (hạch đào nhân) 60g, lá dâu 60g, đường trắng một ít. Tất cả cùng tán nhuyễn, thêm đường trắng, uống trước khi ngủ, chia uống 2 - 3 lần, uống thường xuyên.
Chữa táo bón: mè đen 100g, nhân hạt mơ 60g, gạo 100g, nấu cháo, ngày 1 lần, ăn liền vài ngày.
Chữa thiếu máu: mè đen 15g, câu kỷ tử 15g, thục địa 20g, đảng sâm 30g, đương quy 10g, bạch thược 10g, sắc uống, ngày 1 - 2 lần.
Chè mè đen: món ăn bổ thận, đen tóc, dưỡng da
Chữa chứng tăng mỡ máu: mè đen 60g, quả dâu 60g, gạo tẻ 30g, đường trắng vừa đủ. Mè đen, quả dâu, gạo tẻ riêng biệt rửa sạch, cho vào cối giã nát. Đổ 3 chén nước vào nồi nấu sôi, thêm đường trắng, sau khi đường tan, dần dần cho vào các vật liệu trên, nấu ra dạng hồ để ăn.
Chữa trí nhớ suy giảm, hay quên, mất ngủ: mè đen 250g, quả óc chó (nhân hạch đào) 250g, đường đen 0,5 kg. Mè đen và quả óc chó cùng rang chín. Đường đen cho vào nồi, thêm nước vừa đủ, nấu với lửa nhỏ, khi đường chảy dính, kéo lên thấy sợi, tắt bếp, đổ vào mè đen, quả óc chó, trộn đều, sau khi đổ vào những khuôn có lót dầu ăn, chờ nguội, cắt miếng, mỗi lần dùng 15g, ngày 3 lần, ăn thường xuyên.
Chữa mề đay: mè đen, rượu đế, đường trắng với mỗi thứ vừa đủ. Mè đen rang sơ tán nhuyễn thêm đường trắng. Mỗi lần dùng mè đen và 2 muỗng canh rượu trộn đều, cho vào chén, chưng cách thủy, khi thấy sôi, chưng thêm 15 phút, dùng lúc sáng bụng đói hay dùng sau bữa ăn 2 tiếng, ngày 2 lần.
Chữa viêm thận mạn tính: mè đen và đường trắng với mỗi thứ vừa đủ. Mè đen rang chín tán nhuyễn, trộn với đường trắng sử dụng dần. Ngày 2 lần, mỗi lần 1 muỗng, uống với nước đun sôi, trời lạnh dùng thường xuyên.
Chữa thận suy già sớm: mè đen, quả óc chó, mật ong với mỗi thứ vừa đủ. Mè đen rang thơm thêm quả óc chó, cùng tán nhuyễn, mỗi lần 2 muỗng, mỗi sáng và chiều 1 lần, uống với nước pha mật ong.
Chữa trĩ ra máu: mè đen 600g, đường đen 0,5kg. Mè đen rang cháy, cho vào đường đen trộn lẫn, ăn tùy ý, mỗi ngày vài lần.
Chữa trẻ em ho gà: mè đen 50g, đậu phộng 30g, mật ong 50ml. Tất cả cho vào nồi thêm nước nấu canh, ăn sau khi nấu chín, ngày 1 lần, dùng liền 3 - 5 ngày.
Hỗ trợ điều trị sa tử cung: mè đen 150g, ruột heo 300g, thăng ma 10g, gia vị vừa đủ. Ruột heo rửa sạch, thăng ma bọc trong túi vải, cùng mè đen nhét vào ruột heo, cho vào trong nồi đất thêm nước vừa đủ hầm cho đến nhừ, loại bỏ thăng ma, nêm gia vị, chia vài lần ăn ruột dùng canh, ngày 2 - 3 lần, dùng liền 3 tuần.
Chè mè đen: món ăn bổ thận, đen tóc dưỡng da
Thành phần chính của món chè mè đen là mè đen đã rang thơm, gạo xay, đường trắng. Các chuyên gia dinh dưỡng phân tích: trong mè đen chứa 60% dầu, các acid béo trong dầu phần nhiều là những acid béo không bão hòa như acid linoleic, acid palmitic… Hàm lượng protid trong mè cũng hơi cao, gần bằng với đậu đỏ, kịp thời bổ sung chất protid cần thiết cho đại não và hệ thống thần kinh. Bởi lẽ, chất protid có tác dụng quan trọng đối với não, chất protid hầu như chiếm phân nửa cân nặng của não, cho nên cần bổ sung protid kịp thời, nếu không chức năng hoạt động của đại não sẽ bị ảnh hưởng. Mè còn chứa các chất như sesamin, sesamolin, lipophosphor, vitamin B1, E, sắt, phosphor, canxi… Nghiên cứu khoa học khám phá rằng acid linoleic là chất quan trọng của tổ chức các tế bào đại não, nó nuôi dưỡng tế bào não, xúc tiến các chuyển hóa của tế bào não, từ đó nâng cao chức năng của não.
Ngoài ra, chè mè đen còn có công hiệu cường tráng thân thể, bổ thận dưỡng phổi, làm tóc đen mượt, óng ả, nhuận trường, chống táo bón, từ đó góp phần giữ gìn nhan sắc… Cho nên, có thể nói chè mè đen không chỉ bổ não, mà còn là món ăn dinh dưỡng nhiều chức năng.
Cách dùng: mỗi ngày ăn 1 chén, có thể dùng làm món tráng miệng buổi sáng, cũng có thể dùng vào bất cứ lúc nào.