Huyết áp thấp nên ăn gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 23/09/2018 08:00 AM (GMT+7)

Tuy không gây ra nhiều nguy hiểm như các bệnh về huyết áp khác, nhưng huyết áp thấp cũng là một tình trạng đáng lo ngại, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh.

Huyết áp cao là nỗi lo của nhiều người, nhưng có vẻ mọi người chưa dành sự quan tâm đúng mức cho căn bệnh "đối diện" - huyết áp thấp.

Huyết áp thấp là gì?

Huyết áp thấp đôi khi không gây ra vấn đề gì đối với sức khỏe. Tuy nhiên, đối với nhiều người, việc huyết áp thay đổi bất thường (hạ huyết áp) rất dễ gây chóng mặt và ngất xỉu. Trong các trường hợp nghiêm trọng, huyết áp thấp sẽ đe dọa đến tính mạng.

Khi đo huyết áp, nếu chỉ số thấp hơn 90 mm Hg cho tâm thu hoặc 60 mm Hg cho tâm trương thì sẽ được coi là huyết áp thấp.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do mất nước, các rối loạn y tế hoặc phẫu thuật. Điều quan trọng để điều trị được căn bệnh hạ huyết áp là phải tìm ra nguyên nhân chính xác.

Huyết áp thấp nên ăn gì?

Một số loại thực phẩm “thần kì” có thể giúp huyết áp tăng lên đáng kể. Hãy cố gắng:

- Uống nhiều nước nói riêng và chất lỏng tốt nói chung;

- Thực phẩm giàu vitamin B12, bao gồm trứng, ngũ cốc, thịt bò, ...;

- Thực phẩm giàu folate, bao gồm măng tây, đậu garbanzo, gan, ...;

- Ăn nhiều muối hơn;

- Trà cam thảo;

- Caffein.

Huyết áp thấp nên ăn gì? Nguyên nhân và cách điều trị - 1

Nếu bạn vẫn phân vân liệu món ăn nào mới chứa vitamin B12, folate, ... thì hãy tham khảo những món ăn dưới đây:

- Trứng vịt lộn, trứng cút lộn;

- Gà hầm sâm;

- Cháo cá diếc;

- Canh thịt bò, ...

Dấu hiệu huyết áp thấp

Đối với một số người, huyết áp thấp báo hiệu một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, đặc biệt là khi nó giảm đột ngột và kèm theo những triệu chứng như:

- Chóng mặt hoặc choáng váng;

- Ngất xỉu;

- Mờ mắt;

- Buồn nôn;

- Mệt mỏi;

- Thiếu tập trung;

- Sốc.

Tình trạng trở nên nguy hiểm hơn sẽ dẫn đến những đe dọa về tính mạng, bao gồm những triệu chứng:

- Hay nhầm lẫn, đặc biệt ở những người lớn tuổi;

- Da tái nhợt và lạnh;

- Thở nhanh và nông;

- Mạch đập nhanh nhưng yếu.

Đặc biệt là biểu hiện sốc, lúc này cần can thiệp y tế khẩn cấp, nếu không sẽ cực kì nguy hiểm.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Nếu bạn có chỉ số huyết áp thấp liên tục nhưng vẫn thấy ổn, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn phải kiểm tra huyết áp định kì.

Đôi khi những dấu hiệu như chóng mặt hay nôn nao xuất hiện, nhưng đó chỉ là một vấn đề nhỏ, có thể do tác động của ngoại cảnh như khi đứng lâu trong ánh nắng mặt trời hay tắm nước nóng quá lâu (gây nên tình trạng mất nước).

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là đi khám bệnh kịp thời nếu bạn gặp bất kì triệu chứng nào nêu trên, vì bác sĩ có thể sẽ chỉ ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Huyết áp thấp là bao nhiêu?

Huyết áp là phép đo áp suất trong động mạch bao gồm giai đoạn hoạt động và nghỉ ngơi của từng nhịp tim.

Huyết áp tâm thu: Con số đứng phía trước của chỉ số huyết áp, là lượng áp lực mà tim tạo ra khi bơm máu qua các động mạch để đến các phần khác của cơ thể.

Huyết áp tâm trương: Con số đứng phía sau của chỉ số huyết áp, là áp lực trong động mạch khi tim nghỉ ngơi giữa các nhịp đập.

Theo quy ước, huyết áp bình thường thấp hơn 120/80 mm Hg.

Trong suốt cả ngày, huyết áp có thể thay đổi liên tục, tùy vào từng vị trí của cơ thể, vào nhịp thở, và tình trạng căng thẳng, vào tình trạng thể chất, vào các loại thuốc và vào những gì bạn ăn uống. Huyết áp thường thấp nhất vào ban đêm và tăng mạnh khi thức dậy.

Huyết áp thấp nên ăn gì? Nguyên nhân và cách điều trị - 2

Đôi khi đối với bạn đó là huyết áp thấp, còn đối với người khác chỉ số đó vẫn bình thường. Vậy nên các bác sĩ chỉ xem xét huyết áp quá thấp khi nó gây ra các triệu chứng.

Một số chuyên gia xác định rằng, huyết áp tụt giảm khi tâm thu đạt dưới 90 mm Hg và tâm trương đạt dưới 60 mm Hg. Nếu chỉ số huyết áp của bạn thấp hơn 90/60 mm Hg thì chắc chắn huyết áp đã bị thấp hơn bình thường.

Huyết áp thấp có nguy hiểm không?

Sự sụt giảm đột ngột trong huyết áp rất nguy hiểm. Thay đổi chỉ trong 20 mm Hg – ví dụ như trong tâm thu, giảm từ 110 xuống 90 mm Hg – có thể gây chóng mặt, ngất xỉu khi não không được cung cấp đủ máu. Những nguy hiểm lớn khác, ví dụ như chảy máu không kiểm soát, nhiễm trùng nặng hoặc dị ứng cũng sẽ đe dọa đến tính mạng người bị tụt huyết áp.

Nguyên nhân huyết áp thấp

Huyết áp luôn chuyển động chứ không giữ nguyên ở một con số nhất định, tuy nhiên, một số tình trạng y tế nhất định sẽ gây ra hạ huyết áp kéo dài và khiến nó trở nên nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Các nguyên nhân này bao gồm:

- Mang thai: Do nhu cầu máu từ cả mẹ và thai nhi gia tăng;

- Mất máu số lượng lớn do chấn thương;

- Lưu thông máu kém do đau tim hoặc van tim có vấn đề;

- Mệt mỏi hoặc sốc, đôi khi đi kèm với mất nước;

- Sốc phản vệ;

- Dị ứng nghiêm trọng;

- Nhiễm trùng máu;

- Rối loạn nội tiết như tiểu đường, suy thượng thận và bệnh tuyến giáp;

- Tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là các loại thuốc điều trị bệnh tim, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm, thuốc rối loạn cương dương, ...

Một số người thường hạ huyết áp không rõ nguyên nhân, được gọi là hạ huyết áp mãn tính, thường không gây hại cho sức khỏe.

Cách điều trị huyết áp thấp

Chẩn đoán

Mục tiêu đầu tiên trong việc chẩn đoán là tìm ra nguyên nhân căn bản gây bệnh. Ngoài việc lấy tiền sử bệnh, khám sức khỏe cơ bản và đo huyết áp, bác sĩ có thể sẽ:

- Xét nghiệm máu: Cung cấp thông tin về sức khỏe tổng thể, lượng đường trong máu, số lượng hồng cầu, ...

- Điện tâm đồ (ECG): Các miếng dán mềm, dính (điện cực) sẽ được gắn vào da ngực, cánh tay và chân của bạn. Các miếng dnas này sẽ phát tín hiệu điện tim trong khi máy ghi lại chúng thành những đồ thị.

- Siêu âm tim: Việc này cho thấy hình ảnh chi tiết về cấu trúc và chức năng của tim.

- Kiểm tra căng thẳng;

- Nghiệm pháp Valsalva: Giúp kiểm tra chức năng của hệ thần kinh bằng cách phân tích nhịp tim và huyết áp sau vài chu kì thở sâu.

- Nghiệm pháp bàn nghiêng.

Huyết áp thấp nên ăn gì? Nguyên nhân và cách điều trị - 3

Điều trị

Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản của việc tụt huyết áp. Nó sẽ bao gồm cả thuốc cho bệnh tim, tiểu đường hoặc nhiễm trùng.

Uống nhiều nước để tránh hạ huyết áp do mất nước, đặc biệt nếu bạn đang gặp tình trạng nôn mửa hoặc tiêu chảy.

Duy trì lượng nước chuẩn trong cơ thể sẽ giúp điều trị và ngăn ngừa các triệu chứng của hạ huyết áp.

Nếu bạn bị huyết áp thấp khi đứng trong thời gian dài, hãy lựa chọn ngồi xuống và nghỉ ngơi.

Đặc biệt, hãy giảm tình trạng căng thẳng để tránh những tổn thương về tâm lí.

Điều trị huyết áp thấp thế đứng với cử động chậm và từ từ. Thay vì đứng lên một cách dứt khoát, hãy chuyển động nhẹ nhàng như cách bạn ngồi xuống với một cốc đầy nước trên tay. Bạn cũng có thể tránh hạ huyết áp thế đứng nếu không bắt chéo chân khi ngồi.

Sử dụng một số loại thuốc để “đàn áp” tình trạng hạ huyết áp thế đứng ví dụ như:

- Thuốc fludrocortisone;

- Thuốc midodrine, ...

Khi gặp phải hạ huyết áp gây sốc, bạn cần được điều trị y tế ngay lập tức.

Phòng tránh huyết áp thấp

- Uống nhiều nước hơn, uống ít rượu đi: Rượu làm cơ thể mất nước, giảm huyết áp ngay cả khi bạn uống có chừng mực. Ngược lại, nước sẽ giúp bạn tăng thể tích máu.

- Thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh: Nạp tất cả các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe bằng cách lựa chọn thực phẩm tốt như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, thịt ức gà, thịt cá nạc, ...

- Có thể sử dụng nhiều muối hơn.

- Chú ý đến tư thế khi nằm hoặc ngồi, không ngồi vắt chéo chân hay ngồi xổm quá lâu, di chuyển nhẹ nhàng, ...

- Hít thở sâu vài phút sau đó từ từ ngồi dậy khi mới thức dậy.

- Ăn các bữa ăn nhỏ, ít tinh bột.

- Có thể uống cà phê hoặc trà chứa caffein để tăng huyết áp tạm thời, nhưng do nó có thể gây ra các tác dụng phụ nên bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.

Những món người bị huyết áp thấp không nên ăn
Những món ăn phổ biến, giàu dinh dưỡng như cà chua, cà rốt… lại không hoàn toàn thích hợp cho người bị huyết áp thấp.
Hoàng Lan (Dịch từ Healthline/Mayo Clinic)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan