Một đứa trẻ từ nhỏ có thông minh đến đâu nếu bị nuôi dạy trong môi trường tiêu cực sẽ khiến IQ dần giảm sút.
Trên thực tế, có không ít những đứa trẻ lúc nhỏ rất thông minh nhưng lớn lên lại nhạt nhòa, rất bình thường, khác xa so với thời thơ ấu. Tại sao có sự sụt giảm về trí thông minh của những đứa trẻ này?
Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học tại Đại học Harvard, Mỹ đã phát hiện ra rằng, ngoại trừ những người có chỉ số IQ đặc biệt cao, một người thông minh hay không còn phụ thuộc vào môi trường sống và thói quen của người đó.
Do trình độ giáo dục, thói quen sinh hoạt của mỗi người khác nhau nên khoảng cách giữa mọi người sẽ ngày càng rộng. Có người tiếp thu tốt trong quá trình được dạy dỗ, nhưng cũng có người bị ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực, khiến họ ngày càng trở nên kém thông minh.
Trong số đó, môi trường sống của trẻ ảnh hưởng tới IQ của chúng, nhất là sự tác động từ phía cha mẹ. Đặc biệt, nếu cha mẹ có thói quen xấu dưới đây, nó sẽ ảnh hưởng xấu tới IQ của con cái.
1. Có nhiều thói quen xấu
Có một số cha mẹ thường xuyên thức khuya, lúc nào cũng ôm điện thoại, xem phim cả đêm, không chịu dọn dẹp nhà cửa… Những thói quen không tốt này của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn tới con cái.
Chẳng hạn như cha mẹ thức khuya có thể làm xáo trộn giấc ngủ của trẻ. Một số cha mẹ thoải mái cho con thức khuya, khiến trẻ ngủ không đủ giấc, theo thời gian sẽ làm cơ thể bị suy nhược, chậm phát triển chiều cao, ảnh hưởng tới não bộ và IQ.
2. Thói quen ăn uống không tốt
Có những trẻ bắt chước cha mẹ bỏ bữa sáng vì thức khuya dậy muộn. Một số trẻ khác thì kén ăn, không được cha mẹ chú trọng tới việc cân bằng dinh dưỡng, khiến trẻ ăn quá nhiều hoặc quá ít.
Trẻ em cần rất nhiều chất dinh dưỡng trong quá trình tăng trưởng và phát triển. Nếu cung cấp không đủ chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể và trí não, khiến chỉ số thông minh của trẻ không theo kịp sự phát triển thể chất.
3. Năng lượng tiêu cực
Trẻ em rất nhạy cảm khi còn nhỏ, nếu sống trong một gia đình nhiều năng lượng tiêu cực như cha mẹ không hòa thuận, hay cãi vã, bị đánh đập… trẻ sẽ thay đổi theo hướng tiêu cực hơn.
Đặc biệt, có một số phụ huynh hay dán nhãn cho con mình. Dù con có làm tốt, làm giỏi đến đâu họ cũng ít khi khen ngợi mà toàn chỉ trích. Theo thời gian, trẻ sẽ tin vào những nhãn dán cha mẹ gắn lên mình, ngày càng trở nên kém cỏi hơn, IQ và EQ cũng giảm sút.
Cha mẹ nên làm gì để cải thiện IQ cho con mình?
- Rèn luyện thói quen tốt ngay từ nhỏ
Không chỉ phương pháp giáo dục của cha mẹ sẽ ảnh hưởng tới trí thông minh của trẻ mà chính thói quen sinh hoạt cũng tác động không ít đến chỉ số IQ.
Cha mẹ nên rèn luyện cho con những thói quen sinh hoạt tốt như ăn uống đúng giờ, ngủ sớm dậy sớm… Khi trẻ được ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ, trí tuệ sẽ phát triển tốt hơn.
- Quan tâm tới con cái nhiều hơn
Cha mẹ không nên quan tâm mỗi điểm số mà bỏ qua đời sống tình cảm của con mình. Việc cha mẹ dành nhiều thời gian nói chuyện sẽ cải thiện đáng kể mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái. Đặc biệt, khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, tâm sinh lý thay đổi, đó là lúc cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn.