Nếu thấy con bạn có hiện tượng thở bằng miệng, há miệng khi ngủ, hãy cảnh giác vì đó có thể chỉ ra một số vấn đề sức khỏe và có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng.
Thật vui khi được quan sát từng phút trong cuộc sống của con bạn, cho dù chúng đang bò, đang ăn, đang bước những bước đầu tiên hay đang ngủ. Một số bậc cha mẹ cảm thấy thật dễ thương khi những đứa con nhỏ của họ ngủ yên với miệng mở ra và thở nhè nhẹ.
Tuy nhiên, hành vi thở bằng miệng khi ngủ ở trẻ em không hề đáng yêu như bạn nhìn thấy. Trên thực tế, nó có thể chỉ ra một số vấn đề sức khỏe và có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng.
Thở bằng miệng khi ngủ là không bình thường
Cơ thể chúng ta sinh ra tự nhiên đã thở bằng mũi và có một số lý do cho điều đó.
- Mũi lọc không khí mà chúng ta đang hít thở, loại bỏ độc tố và các phần tử lạ. Thêm vào đó, không khí sẽ được làm ẩm khi đi từ mũi.
- Mũi làm ấm không khí để nhiệt độ của nó phù hợp hơn với phổi.
- Mũi giúp chúng ta ngửi thấy các mùi khác nhau.
Đôi khi, chúng ta có thở bằng miệng (như trong khi nói chuyện hoặc tham gia vào các hoạt động thể chất) nhưng hầu hết thời gian, chúng ta đều thở bằng mũi.
Có nhiều vấn đề sức khỏe có thể khiến trẻ thở bằng miệng, bao gồm nghẹt mũi (do dị ứng, viêm xoang hoặc các vấn đề khác), viêm hoặc có vật cản trong mũi chẳng hạn như polyp. Một số người có thói quen thở bằng miệng từ thời thơ ấu.
Việc trẻ nhỏ quen với việc há miệng thở khi ngủ có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe sau:
Chứng ngưng thở lúc ngủ
Theo các bác sĩ, thở bằng miệng có thể gây ra chứng ngưng thở khi ngủ (hoặc làm trầm trọng thêm chứng này với những người đã sẵn bệnh), và đây là một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe của thói quen thở này.
Ngưng thở khi ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ xảy ra khi hơi thở của một người đột ngột ngừng lại và sau đó tiếp tục. Các triệu chứng của chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm ngừng thở đột ngột trong khi ngủ, ngáy to, thức dậy với miệng khô, mất ngủ và mệt mỏi vào ban ngày. Chứng ngưng thở khi ngủ rất nguy hiểm và trên hết, nó có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác như tim, gan và khó khăn về trao đổi chất.
Hình trên minh họa chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, một dạng ngưng thở khi ngủ xảy ra khi các cơ cổ họng thả lỏng và không cho không khí đi qua một cách chính xác.
Khô miệng và sâu răng
Khi chúng ta thở bằng miệng, luồng không khí sẽ làm khô môi và toàn bộ miệng, bao gồm cả nướu. Kết quả là làm thay đổi vi khuẩn sống tự nhiên trong miệng, có thể gây sâu răng và các vấn đề về nướu.
Khớp cắn kém, gây ra các vấn đề về răng và hàm
Thói quen dùng miệng thay vì dùng mũi để thở sẽ gây ra hàng loạt vấn đề về răng và hàm. Răng khấp khểnh, khớp cắn xấu, lệch lạc và cười hở lợi chỉ là một số trong số đó.
Thở bằng miệng và tư thế lưỡi sai có thể ảnh hưởng đến khớp cắn, làm cho răng mọc chen chúc và làm lệch hàm. Kết quả là khuôn mặt phát triển không thuận lợi, khiến cằm trông nhỏ hơn, mũi to hơn.
Khiến mặt dài và hẹp
Cậu bé bên trái thở bằng mũi nên có gương mặt hài hòa, bé gái bên phải thở bằng miệng nên xương khuôn mặt thay đổi.
Theo các nghiên cứu, việc thở bằng miệng và vị trí lưỡi không đúng khiến phần dưới của khuôn mặt trở nên dài hơn. Những đặc điểm này khá nổi bật ở trẻ sau 5 tuổi. Ngoài nửa dưới của khuôn mặt dài ra, thở bằng miệng có thể dẫn đến mặt lồi với cằm nhỏ và trán dốc, khiến gương mặt trẻ trông không cân đối, xấu xí hơn.
Ảnh hưởng tới trí thông minh và sự phát triển của trẻ
Trẻ thở bằng miệng do tình trạng nào đó gây tắc nghẽn sẽ khiến việc thở bị hạn chế. Lâu dần dẫn tới tình trạng thiếu oxy lâu dài trong cơ thể, có thể khiến não ở trạng thái thiếu oxy mãn tính làm cho trẻ trí nhớ kém, giảm hiệu quả học tập, ảnh hưởng tới trí thông minh
Hơn nữa, tắc nghẽn mũi lâu dài, thở kém cũng sẽ ảnh hưởng đến chức năng tim và phổi, trường hợp nặng có thể gây ra bệnh tim phổi, tổn thương cơ tim và suy tim tâm thất phải.
Nếu bạn nhận thấy trẻ thở bằng miệng hoặc bất kỳ vấn đề hô hấp nào khác, hãy đưa con đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Chỉ các bác sĩ có trình độ chuyên môn mới có thể chẩn đoán và cung cấp cho bạn các hướng dẫn y tế cần thiết.