Nhiều người nói muối là một "sát thủ" với sức khỏe nếu tiêu thụ quá nhiều, liệu điều này có đúng? TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) sẽ giải đáp băn khoăn này.
Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.
Chào bác sĩ!
Tôi năm nay gần 30 tuổi, có mẹ đã hơn 50 tuổi và đang chớm bị tăng huyết áp. Qua tìm hiểu trên internet tôi được biết “sát thủ” bệnh tăng huyết áp ở trong góc bếp mỗi gia đình, ý nói việc ăn nhiều muối là nguyên nhân gây bệnh và tăng nguy cơ bệnh nặng. Điều này đúng không thưa bác sĩ.
Để giảm lượng muối ăn hàng ngày tôi phải thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt ra sao vì không thể một gia đình 5 người mà mỗi người nấu một chế độ ăn khác nhau được.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Trước hết phải khẳng định rằng thừa muối là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy với sức khỏe như tim mạch, huyết áp, bệnh thận… Do vậy, mọi người thường nói muối là “sát thủ” ở trong góc bếp với sức khỏe con người là đúng, trong trường hợp chúng ta ăn thừa và lạm dụng.
Vậy câu hỏi đặt ra là ăn bao nhiêu muối được coi là thừa?
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5 gam muối/ngày. Tuy nhiên, các thống kê cho thấy, người Việt đang ăn cao hơn gấp đôi khuyến nghị trên, với 8-10gam muối/ngày.
Theo ước tính, 5 gam muối tương đương với khoảng 2,5 thìa nước mắm hoặc 1,5 thìa bột canh hoặc 2 thìa hạt nêm. Trong thực tế đời sống ẩm thực, chúng ta thấy ngay tại các bữa ăn hàng ngày lượng muối đã nhiều hơn so với ước tính trên.
Tôi lấy ví dụ như mâm cơm có đĩa rau muống luộc, khi luộc mọi người thường hay cho muối để rau xanh hơn, khi ăn nếu chỉ đong đúng 2,5 thìa nước mắm để chấm thì dường như sẽ thiếu với rất nhiều gia đình. Qua đó để thấy rằng, vì sao người Việt lại đang ăn thừa muối.
Cho ít muối, chấm nhẹ tay là biện pháp bảo vệ sức khỏe mọi người nên thực hiện.
Ngoài những loại muối ăn vào trực tiếp từ các loại gia vị, trong các món ăn khác, nhất là đồ ăn sáng luôn chứa một lượng muối khá cao. Ví vụ như 1 bát bún cá rán, nếu ăn hết cả nước và cái thì sẽ có khoàng 2490 mg natri, tức là 6g muối, như vậy là đã thừa lượng muối so với khuyên cáo mỗi ngày. Hay một bát bún thang có chứa tới 1662mg natri, tức bằng 4g muối.
Từ những ví dụ trên cho thấy, chúng ta không chỉ nên hạn chế muối ăn trực tiếp qua các loại gia vị, mà ngay cả các món ăn hàng ngày cũng cần lưu ý, ví dụ như ăn sáng bằng bún, phở thì không nên dùng hết nước vì như vậy lượng muối nạp vào là rất lớn.
Về biện pháp để giảm muối, mọi người cần lưu ý những vấn đề sau:
- Giảm lượng muối nêm vào khi chế biến món ăn: Không ướp thực phẩm quá lâu, nên nếm trước thức ăn khi cho muối, luộc rau không nên cho muối để xanh. Đặc biệt, khi ăn hàng đa số các món ăn nấu đã đủ lượng muối, do vậy khi ăn không nên cho thêm gia vị.
- Chấm nhẹ tay: Tốt nhất không bày nước chấm nhiều ở trên mặt bàn, hoặc nếu có bày thì nên cho thêm các gia vị chua, cay vào để thay đổi vị, pha loãng nước chấm. Ngoài ra, không chấm sâu thức ăn xuống gia vị nhất là nước mắm; Không chấm các thức ăn đã được tẩm ướp, đã mặn; Không chấm trái cây bằng muối, gia vị.
- Giảm thực phẩm nhiều muối: Hạn chế ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối như giò chả, mỳ ăn liền, dưa muối, cà muối. Khi mua các thực phẩm chế biến sẵn thì cần đọc nhãn trước khi chọn, nhất là các thực phẩm nhiều muối. Đồng thời tăng cường thực phẩm tươi sống.
|
Tin liên quan
Khi xảy ra vụ cháy, đa số các nạn nhân đều hoảng loạn, ngạt khói và tìm cách thoát thân. May mắn sau đó được lực lượng phòng cháy, chữa cháy...
Tin bài cùng chủ đề TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng
Khi thời tiết lạnh, ngoài giữ ấm cơ thể, việc ăn uống khoa học và hợp lý cũng giúp bảo vệ sức khỏe rất tốt, nhất là với các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Dinh dưỡng - Lối sống khác