Nhiều gia đình đầu tư cho bữa cơm hằng ngày với nhiều món ngon, đắt tiền, giàu đạm và nghĩ như vậy sẽ tốt cho sức khỏe mà không biết rằng thói quen ăn sang miệng này có thể gây hại cho hai quả thận.
Lâu nay nhiều người vẫn nghĩ ăn mặn sẽ ảnh hưởng và gây hại cho hai quả thận, điều này là đúng nhưng chưa đủ. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Phó trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho biết, việc ăn mặn không chỉ gây hại cho thận mà còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề sức khỏe khác như huyết áp, tim mạch, rối loạn điện giải…
Tuy nhiên, bác sĩ Hưng cho rằng, nếu nói chỉ ăn mặn mới ảnh hưởng đến thận thì chưa đầy đủ, vì trong sinh hoạt hàng ngày còn rất nhiều thói quen khác cũng góp phần “phá nát” hai quả thận nếu không thực hiện một cách khoa học.
Bác sĩ Hưng khuyến cáo hãy uống đủ nước để bảo vệ thận và các bộ phận khác của cơ thể.
Bác sĩ Hưng lấy ví dụ điển hình nhất là việc nhiều người lười uống nước, uống không đủ nước, nhất là trong mùa đông cũng khiến cho thận bị hỏng rất nhanh. Bởi nước có vai trò giúp thận lọc tốt hơn, khi thiếu nước thận sẽ cố làm việc và lâu dần có thể hỏng.
“Ta hình dung như việc sử dụng xe máy, nếu cứ chạy mãi mà không bổ sung dầu nhớt vào thì xe sẽ nóng máy, có mùi khét và quá tải sẽ không thể chạy được nữa. Qủa thận khi không được cung cấp đủ nước cũng sẽ như vậy”, bác sĩ Hưng giải thích.
Ngoài việc ăn mặn, uống thiếu nước, một thói quen nữa mọi người hay bỏ qua và nghĩ chẳng liên quan gì đến thận là ăn quá nhiều chất đạm. Nhiều gia đình cho rằng mâm cơm có nhiều thịt cá, hải sản, giàu chất đạm mới "sang miệng" và tốt cho sức khỏe.
Mâm cơm nhìn hoành tráng, nhiều chất đạm tưởng sang trọng nhưng lại gây hại cho cơ thể.
Bác sĩ Hưng cho rằng, hiện nay không còn thiếu ăn như ngày xưa, điều kiện ăn uống cũng cải thiện nhiều, kể cả các gia đình ở nông thôn. Vì thế, thay vì trưng đủ các loại thịt, cá trên mâm cơm để thể hiện gia đình có điều kiện, thì mọi người nên ăn khoa học và hợp lý.
Bởi khi ăn quá nhiều chất đạm, thận sẽ phải làm việc nhiều, dẫn đến quá tải. Vấn đề ăn nhiều đạm, ăn nhiều đồ ngọt, cộng thêm ăn mặn trong bữa ăn và uống ít nước… tất cả gộp vào sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến 2 quả thận.
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng cảnh báo, thói quen ăn uống không điều độ, như ăn quá nhiều chất bột đường hay chế độ ăn nhiều chất đạm, ăn nhiều thực phẩm có dầu mỡ, uống nước ngọt... dẫn tới không kiểm soát năng lượng có thể gây ra tình trạng thừa cân béo phì.
“Khi cơ thể quá khổ có thể khiến cho tăng lọc cầu thận và dẫn tới tổn thương thận thông qua một số cơ chế: gây viêm, rối loạn chức năng nội mô. Một nghiên cứu tại Thụy Điển cho thấy, người thừa cân, có chỉ số BMI trên 25kg/m2 sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mãn gấp 3 lần người cân nặng bình thường. Nếu người có BMI 30kg/m2 thì tăng nguy cơ bệnh thận mãn tính lên 3-4 lần người có cân nặng bình thường”, bác sĩ Nhàn cho hay.
Để phòng tránh hỏng thận sớm, trong ăn uống cần lưu ý tới những vấn đề sau:
- Cân đối các thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn: Chất bột đường, chất đạm, vitamin - khoáng chất, chất béo. Tỷ lệ các chất phải đồng đều nhau, không nên ăn loại thực phẩm nào quá mức.
- Hạn chế ăn các thực phẩm nhiều đường: bánh ngọt, kẹo ngọt, kem, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn dầu mỡ… Chế độ ăn như vậy sẽ làm tăng cân nhanh.
- Tăng cường vận động ít nhất 30 phút/ngày, hạn chế ngồi quá lâu trước máy vi tính, xem tivi.
- Uống đủ nước và hạn chế ăn mặn.
- Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia.