Không để ý vết xước ở tay khi làm thịt lợn, người phụ nữ bị suy đa tạng nghiêm trọng

Ngày 20/05/2019 00:08 AM (GMT+7)

Trước nhập viện vài ngày, bệnh nhân có làm thịt lợn bị bệnh nhưng chủ quan nên không để ý có các vết xước trên tay.

Theo lời kể của bệnh nhân N (35 tuổi, người Campuchia) cho biết cách đây gần 2 tháng chị đã từng làm thịt lợn bị bệnh nhưng chủ quan nên không phát hiện mình có nhiều vết xước ở tay. Vài ngày sau đó, bệnh nhân bắt đầu bị phù toàn thân, sốt cao, xuất huyết dưới da và được đưa đến một BV ở TPHCM trong tình trạng suy thận cấp, viêm phổi, vô niệu, phù toàn thân, xuất huyết từng mảng trên vùng đùi và ngực đang hoại tử.

Tại BV, sau khi tiến hành các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng cho bệnh nhân, các BS xác định người này bị nhiễm trùng huyết, suy đa tạng (suy thận cấp, suy hô hấp) do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Bệnh nhân ngay lập tức được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để điều trị tích cực và chạy thận nhân tạo vì đã rơi vào tình trạng suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn cực kì nguy kịch.  

Không để ý vết xước ở tay khi làm thịt lợn, người phụ nữ bị suy đa tạng nghiêm trọng - 1

Các bác sĩ tiến hành cắt phần da bị hoại tử

“Chúng tôi đã tiến hành xử lý lọc thận cho bệnh nhân, điều trị tình trạng khó thở và dùng kháng sinh đặc hiệu. Khi tình trạng bệnh nhân ổn định, cải thiện tình trạng suy thận, hô hấp sẽ được tiến hành cắt bỏ da bị hoại tử, ghép da.

Thông thường những trường hợp bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn diễn tiến rất nhanh nên nếu không được xử trí kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như suy đa tạng, trụy tim mạch, viêm màng não, xuất huyết và hoại tử toàn thân… nguy cơ tử vong rất cao”, BS. Hồ Thanh Lịch, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của BV cho biết.

Không để ý vết xước ở tay khi làm thịt lợn, người phụ nữ bị suy đa tạng nghiêm trọng - 2

Lấy vùng da thân, vùng da đùi trước để ghép vào vùng da hoại tử

Hiện tại bệnh nhân đã phục hồi sức khỏe tốt, vùng da bị hoại tử cấy ghép được lấy từ thân, vùng đùi trước đã “hòa nhập” và bệnh nhân đã có thể xuất viện.

Liên cầu khuẩn lợn là loại vi khuẩn gây bệnh cho người và lợn,  đây là bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó có lợn và người là chủ yếu. Bệnh tăng mạnh trong mùa nắng nóng và có nguy cơ trở thành dịch nếu không có biện pháp phòng tránh, điều trị. Bệnh có thể lây từ lợn sang người và gây tử vong. Người nhiễm bệnh có triệu chứng viêm não, xuất huyết, viêm cơ tim và viêm khớp. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%. Con đường lây truyền từ lợn sang người có thể qua vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở heo bệnh hoặc qua đường ăn uống.

Biểu hiện khi mắc liên cầu lợn 

- Khi mắc bệnh do liên cầu lợn, người bệnh thường có sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa. Trong bệnh liên cầu lợn hay gặp là nhiễm khuẩn huyết (vi khuẩn liên cầu lợn vào máu, nhân lên nhanh chóng và đồng thời tiết ra nhiều độc tố). 

- Khi nhiễm khuẩn huyết, ngoài các triệu chứng trên, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng, biểu hiện như tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp và có thể tử vong nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Một số trường hợp xuất hiện nhiễm độc đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa (đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có máu). 

- Người bệnh cũng có thể bị viêm màng não do vi khuẩn liên cầu lợn như sốt cao, co giật, nôn vọt, sợ ánh sáng... 

Đây là bệnh nguy hiểm, vì nếu nhiễm loại vi khuẩn này mà không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết gây choáng và có thể để lại những di chứng nặng nề với 60% bị ù tai giảm thính lực, 20% điếc hoàn toàn không hồi phục. Ở miền Nam Việt Nam, 95%-98% bệnh nhân nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn thường bị viêm màng não.

“Để phòng bệnh, người dân cần nâng cao ý thức bằng cách không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết”, BS. Hồ Thanh Lịch khuyến cáo.

Đau bụng, sụt cân… coi chừng mắc căn bệnh ung thư có tỉ lệ tử vong cao nhất
Sở dĩ gọi ung thư tụy là bệnh tử thần bởi vì đây là căn bệnh ung thư khó phát hiện nhất, dễ bỏ qua nhất nhưng tỉ lệ bệnh nhân tử vong lại cao nhất...
HUY VÂN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Liên cầu khuẩn lợn