Nhiều “bợm nhậu” cho rằng, trước khi ăn tiết canh nên uống vài chén rượu, đặc biệt là rượu mật (mật lợn) sẽ có tác dụng không gây đau bụng, thậm chí là tiêu diệt cả liên cầu lợn.
Hàng năm cứ vào dịp cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán số bệnh nhân mắc nhiễm liên cầu lợn lại gia tăng. Điển hình gần đây nhất là trường hợp một nam bệnh nhân 47 tuổi, bị nhiễm liên cầu lợn được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cấp cứu, tuy nhiên do bệnh quá nặng nên đã không qua khỏi.
Đáng nói là nhiều người khi ăn tiết canh thường lấy đủ lý do để chứng minh an toàn như lợn nhà nuôi sạch 100% nên ăn thoải mái, một số ý kiến khác lại cho rằng trước khi ăn tiết canh, uống rượu vào sẽ ngăn được các mầm bệnh, thậm chí là cả liên cầu lợn.
Trước những thông tin trên, tại buổi Truyền thông Phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân vừa được tổ chức tại Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, những quan điểm trên là hoàn toàn sai lầm.
Vừa uống rượu, vừa ăn tiết canh sẽ mắc bệnh chồng bệnh.
“Tôi thấy vẫn có nhiều người nghĩ rằng cứ vô tư ăn bát tiết canh rồi uống vài chén rượu thì sẽ không mắc bệnh, cho rằng rượu là axit uống vào sẽ trung hòa hay diệt được vi khuẩn liên cầu.
Nhiều người khác lại nghĩ rằng chỉ ăn thịt lợn ốm, lợn bệnh, lợn không rõ xuất xứ mới mắc liên cầu còn lợn nhà nuôi hay lợn mán, lợn rừng thì vô tư. Đây là những sai lầm rất lớn. Chúng ta đừng chết do thiếu hiểu biết” , PGS Phu nói.
Theo PGS Phu, bệnh liên cầu lợn gặp phải nhiều nhất ở thời điểm trước và sau Tết nguyên đán, tỷ lệ tử vong rất cao. Chỉ tính riêng tại Hà Nội năm 2016 ghi nhận hơn chục ca mắc, 1 ca tử vong, nhiều ca bị di chứng nặng.
Ông Phu cũng cho biết, những năm gầy đây bệnh liên cầu lợn có xu hướng gia tăng, nguyên nhân chính là do nhiều người dân vẫn chưa chịu từ bỏ thói quen ăn tiết canh, các sản phẩm tươi sống chế biến từ thịt. Nhiều người còn chủ quan, thậm chí nhận thức sai lầm về loại bệnh này.