Cá song hay còn gọi là cá mú có thịt ngọt và thơm ngon với vị rất đặc trưng, với vô vàn tác dụng với sức khỏe cho mọi người.
Mới đây, một công ty tại tỉnh Quảng Ninh đã chi tới gần 5 tỷ đồng (4,99 tỷ) để mua cá song biển phát cho nhân viên nhân ngày rằm tháng Giêng. Lãnh đạo công ty cho biết, việc làm này nhằm tri ân người lao động và từng diễn ra nhiều lần. "Dịp Tết công ty cũng mua cá song chia cho công nhân. Mỗi người 3-4kg gì đó. Chúng tôi phát ở công ty để mọi người mang về nhà. Vì là vùng biển nên mọi người đều hiểu giá trị của cá song và điều này nhận được đồng thuận của người lao động", đại diện công ty từng cho biết.
Vậy cá songnày có mức giá ra sao và giá trị dinh dưỡng thế nào khi sử dụng? Theo tìm hiểu, cá song hay còn gọi là cá mú biển là loại cá đắt tiền với giá trên thị trường dao động khoảng 300-350.000 đồng/1kg. Về giá trị dinh dưỡng, loại cá này có hàm lượng dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, bổ dưỡng nên được nhiều người ưa chuộng, tuy nhiên do giá cả đắt đỏ nên không phải ai cũng có đủ khả năng để thưởng thức.
Cá song được nhiều người ưa chuộng vì thịt thơm ngon, bổ dưỡng và có giá khá đắt đỏ. (Ảnh minh họa)
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, cá mú là loài cá nước mặn có vị thơm ngon rất đặc trưng và có hàm lượng dinh dưỡng cao. Theo đó, trong 100g cá mú ăn được có chỉ có 100 KCal và chứa hàm lượng canxi, sắt, magie, phốt pho rất cao. Loại cá này có hàm lượng chất béo rất thấp, vì thế ngoài tác dụng bồi bổ cơ thể, phòng tránh bệnh tật nó còn rất tốt cho người ăn kiêng, muốn giảm cân. Ăn thường xuyên cá mú còn giúp trẻ hóa làn da, níu kéo tuổi xuân.
Trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng hoặc người suy nhược gầy sút dùng cá mú kết hợp với một số thực phẩm khác cũng mang lại hiệu quả rất cao. Cụ thể bài thuốc từ cháo cá mú như sau: Cá mú, gạo mới (từ lúa mới thu hoạch), đậu xanh, hành hoa, giá đậu, rau mùi, gừng, hành, gia vị vừa đủ nấu cháo ăn. Công dụng: kiện tỳ hóa thấp, bổ khí huyết... trị tỳ hư, trẻ em còi, người lớn khó lên cân, các chứng hư nhược gầy sút, phù thũng không rõ nguyên nhân.
Hay với người tỳ hư, ăn ngủ kém cũng có thể dùng cá mú nấu canh cùng hoa thiên lý cũng rất tốt. Cách làm: Cá mú, hoa lý, hành, gừng, gia vị vừa đủ nấu canh ăn. Công dụng: kiện tỳ dưỡng tâm, bổ khí huyết... trị chứng mệt mỏi, ăn ngủ kém, khó lên cân.
Cá song có thể chiến biến được rất nhiều món ăn, bổ dưỡng cho cả người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. (Ảnh minh họa)
Phụ nữ sau sinh kém ăn, ít sữa có thể dùng cá mú, nấm đông cô, thịt giò heo, gừng, nghệ, ớt, hành, tỏi, tiêu, muối, đường, gia vị vừa đủ chưng ăn. Công dụng: bổ khí huyết, kiện tỳ, lợi sữa... trị chứng khí huyết hư, mệt mỏi ở người già, trẻ em.
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, dù là loại cá có nhiều dinh dưỡng và tác dụng với cơ thể, nhưng quá trình lựa chọn và sơ chế cũng phải hết sức lưu ý. Cần chọn cá tươi, ngon, tránh mua cá đã bị ươn. Bởi khi đã chết cá có thể mang loại vi khuẩn, vi sinh vật có hại rất dễ tấn công vào từng thớ thịt, khi ăn ngoài ảnh hưởng đến chất lượng món ăn, còn có nguy cơ ngộ độc rất cao.
Kể cả với cá tươi, quá trình sơ chế cũng phải làm thật sạch, nhất là các bộ phận như ruột cá, màng đen trong bụng cá, vảy cá và mang cá. Các bộ phận này nếu không làm sạch khi chế biến thành món ăn vừa không đẹp mắt, vừa rất tanh, mất hương vị món ăn.
Cuối cùng, vị lương y này lưu ý, mọi người không vì cá song tốt mà sử dụng quá thường xuyên, chỉ nên thi thoảng mới dùng để cơ thể hấp thu được các dưỡng chất tốt nhất. Nếu sử dụng thường xuyên cơ thể không kịp hấp thu sẽ đào thải ra ngoài, hơn nữa chỉ sử dụng cá trong một thời gian dài cũng không tốt vì nó sẽ khiến mất cân bằng các chất nạp vào cơ thể.