Quả quýt tuy nhỏ nhưng chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho cơ thể và nhiều bộ phận của quýt đều là dược liệu tốt cho sức khỏe.
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
Trong số những trái cây mùa thu, một loại quả bạn không thể bỏ lỡ là quýt. Quả quýt vị chua ngọt, giàu vitamin C, mỗi quả chứa 36mg vitamin C. Quýt còn là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin A, vitamin C, vitamin E, vitamin nhóm B, sắt, kẽm, mangan…
Ăn quýt có tác dụng gì?
Quýt giúp nhuận tràng. Quả này có hàm lượng nước cao, giàu chất xơ và vitamin, có thể thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa và chuyển động ruột trơn tru. Quýt giàu vitamin C nên vừa có tác dụng làm đẹp da, vừa có thể giúp da căng mịn hơn. Quýt rất giàu axit citric, có tác dụng tiêu hóa ngon miệng, thúc đẩy chất lỏng trong cơ thể và làm dịu cơn khát, đồng thời loại bỏ mệt mỏi.
Các nghiên cứu đã xác nhận rằng ăn quýt có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cholesterol và giảm lượng cholesterol lắng đọng trong động mạch. Ăn quýt có thể cải thiện khả năng giải độc gan và tốt cho việc ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
Quả quýt tốt cho cơ thể. (Ảnh minh họa)
Đừng nhìn kích thước quả quýt nhỏ bé mà coi thường. Trong quả quýt có đến 4 loại dược liệu. Đầu tiên là vỏ quýt. Vỏ quýt có tính ấm, vị đắng, có tác dụng điều khí bổ tỳ, làm khô ẩm, hóa đàm, giảm ho, giảm nghịch, giải độc hải sản, giải độc rượu... Thứ hai là nước quýt. Nước quýt có mùi thơm, giúp giải đờm, giải ho, giảm khó chịu tiêu hóa. Người uống nước quýt có thể giúp hạn chế tăng cân, béo phì, hỗ trợ chức năng miễn dịch. Nước quýt chứa chất chống oxy hóa, bảo vệ hệ tiêu hóa, chống sỏi thận, bảo vệ da.
Thứ ba là lớp màng trắng bao bọc quanh quả quýt. Y học Trung Quốc cho rằng màng trắng bao quanh quả quýt có vị đắng, ngọt, tính bình, có tác dụng khai uất hóa đàm, làm thông khí và thúc đẩy tuần hoàn máu. Về mặt lâm sàng, lớp màng này có thể được sử dụng để giảm đau ngực và hạ sườn do ho dai dẳng cũng như điều trị bổ trợ các bệnh mãn tính như viêm phế quản mãn tính và bệnh tim mạch vành.
Lớp màng có vị đắng có thể làm giảm độ giòn và tính thấm của thành mạch máu, ngăn ngừa xuất huyết não nên rất thích hợp cho việc chăm sóc sức khỏe hàng ngày của bệnh nhân.
Vỏ quýt giúp bạn giải ho rất tốt. (Ảnh minh họa).
Thứ tư là lá quýt. Y học Trung Quốc cho rằng lá quýt làm dịu gan và thúc đẩy khí, giải đờm, có thể được sử dụng để điều trị đau ngực và đau hai bên sườn, căng tức vú, tăng sản vú, mụn thịt ở ngực và những căn bệnh khác.
Điều cần lưu ý khi ăn quýt:
Quả quýt có khá nhiều đường. Với những người có khả năng hấp thụ đường kém, ăn nhiều có thể gây khó chịu ở họng. Ngoài ra, ăn nhiều có thể khiến đường tích trữ trong miệng, gây viêm họng, viêm lợi.
Ngoài ra, người đang hồi phục sau phẫu thuật đường tiêu hóa cũng không nên ăn quýt bởi nước ép của quýt có chứa lượng axit citric cao, khi chất này tạo phức với ion Ca++ sẽ làm cản trở quá trình tạo prothrombinase và thrombin, là những yếu tố cần thiết trong quá trình đông máu.
Không nên ăn quýt khi bụng đói vì chất toan của nước quýt sẽ kích thích rất mạnh với màng dạ dày, ảnh hưởng cho sự hấp thụ tiêu hoá bình thường của dạ dày. Với người bình thường, chỉ cần ăn ba quả quýt là đủ bổ sung nhu cầu vitamin C mỗi ngày.