Thứ quả này ở miền Tây có vị chua ngọt hấp dẫn, có thể làm thành siro hoặc mứt, vừa ngon vừa có nhiều tác dụng đối với sức khỏe.
Khoảng tháng 4, tháng 5 âm lịch hàng năm là thời điểm quả thanh trà vào mùa. Thanh trà có 2 loại, thanh trà chua nhìn tròn hơn, vỏ mọng hơn và khi chín màu vàng sậm. Còn thanh trà ngọt quả dài hơn, dày và cứng, lúc chín có màu vàng nhạt. Khi còn non, lớp vỏ của nó xanh mướt, còn khi chín nó chuyển sang màu vàng ươm, mùi thơm nức mũi. Nếu đến miền Tây vào dịp này, du khách sẽ trầm trồ trước những vườn thanh trà chín vàng rực dưới nắng hè, trông rất hấp dẫn.
Theo tìm hiểu, quả thanh trà còn có tên gọi khác là chanh trà, vốn là cây mọc dại ở vùng Bảy Núi, sau đó được nhân rộng và trồng tại các tỉnh miền Tây.
Nếu như trước đây, quả thanh trà rụng đầy gốc, chỉ có người dân ở Bảy Núi biết đến thì giờ đây chúng "lên đời" thành đặc sản được người thành phố ưa chuộng. Đặc biệt, quả thanh trà ngọt rất có giá trị, hàng có bao nhiêu được thương lái thu mua bấy nhiêu.
"Ở quê mình thanh trà là loại quả dân dã. Lúc còn xanh có thể dùng để kho cá, nấu canh chua bởi nó có vị chua thanh và mùi thơm đặc trưng. Lúc chín quả có thể ăn như một loại hoa quả hoặc ngâm đường làm siro, làm mứt,...
Vì mang lại giá trị kinh tế nên hiện nay nhiều hộ gia đình ở miền Tây trồng thanh trà để bán ra thị trường", bạn Hòa (ở Vĩnh Long) chia sẻ.
Trên chợ mạng, quả thanh trà chua được bán với giá 70.000 - 80.000 đồng/kg, đầu mùa giá đắt hơn, khoảng 100.000 đồng/kg. Còn thanh trà ngọt có giá cao hơn, đến 180.000 đồng/kg. Mứt thanh trà có giá 60.000 - 100.000 đồng tùy kích cỡ. Được biết, mùa quả thanh trà diễn ra trong thời gian rất ngắn nên mỗi khi đến mùa các chị em thành phố đều tìm mua về thưởng thức.
Các nghiên cứu cho thấy, cứ 149g thanh trà lại cung cấp 70calo, 18g đạm, 1g chất xơ, 3g Provitamin A, 46% nhu cầu Vitamin B6 mà cơ thể cần trong ngày, 7% nhu cầu về folate, 5% nhu cầu về magie, 5% nhu cầu về kali...
Những tác dụng của quả thanh trà với sức khỏe:
Giúp tăng cường sức khỏe tim mạch
Các hợp chất carotenoid và phenolic của thanh trà có thể bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tim bằng cách giảm viêm và ngăn ngừa tổn thương tế bào.
Carotenoid có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp ngăn ngừa sự tích tụ mảng bám trong động mạch - đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim và tử vong do bệnh tim.
Hỗ trợ chống ung thư
Một số nghiên cứu cho thấy, chiết xuất từ vỏ, lá và hạt của thanh trà có tác dụng chống bệnh ung thư. Chẳng hạn như một nghiên cứu trong ống nghiệm thực hiện bởi Khoa khoa học thực phẩm và Dinh dưỡng, Đại học Quốc gia Jeju (Hàn Quốc) đã nhận thấy rằng chiết xuất từ vỏ của quả thanh trà khả năng ức chế sự phát triển và lây lan của tế bào ung thư bàng quang ở người.
Ngoài ra, các chất trong thịt của quả thanh trà, gồm carotenoid và các hợp chất phenolic, được biết là đặc tính chống ung thư.
Cải thiện khả năng trao đổi chất
Quả thanh trà có thể cải thiện sức khỏe trao đổi chất của bạn bằng cách giảm mức độ chất béo trung tính, lượng đường trong máu và insulin - một loại hormone giúp di chuyển đường trong máu vào tế bào của bạn để sử dụng làm năng lượng.
Hỗ trợ chống viêm
Viêm mãn tính liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe, bao gồm bệnh tim, bệnh não và bệnh tiểu đường. Một số nghiên cứu cho thấy rằng quả thanh trà có đặc tính chống viêm mạnh mẽ. Những tác dụng chống viêm mạnh mẽ này có thể là do chúng có chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất.