Bắp cải thường chỉ được coi như một món rau bình thường để bổ sung chất xơ, nhưng ít người biết rằng, thực chất bắp cải đang bị đánh giá thấp, bởi hàm lượng dinh dưỡng trong nó là vô cùng ấn tượng.
Mặc dù cải bắp trông giống như rau xà lách, nhưng thực chất cải bắp lại thuộc họ Brassica, bao gồm bông cải xanh, cải thảo và cải xoăn. Bắp cải có nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau, như trắng, xanh lá hay cả những màu độc đáo như đỏ và tím. Lá bắp cải cũng rất đa dạng, có thể trơn mịn hoặc có gân sần.
Bắp cải là loại rau được trồng khắp thế giới trong hàng ngàn năm, và đã trở thành loại thực phẩm quen thuộc để chế biến thành các món ăn như kimchi, dưa muối và salad. Không kể đến độ phổ biến của cải bắp, điều chúng ta cần quan tâm nhất chính là hàm lượng dinh dưỡng tuyệt với có trong loại rau bình dân này.
Hàm lượng dinh dưỡng đáng nể
Mặc dù cải bắp chứa rất ít calo, nhưng nó lại có một cấu hình dinh dưỡng vô cùng ấn tượng. Trên thực tế, chỉ 1 bát (89 gram) cải bắp xanh tươi đã chứa:
- Protein: 1 gram
- Chất xơ: 2 gram
- Vitamin K: 85% RDI
- Vitamin C: 54% RDI
- Folate: 10% RDI
- Mangan: 7% RDI
- Vitamin B6: 6% RDI
- Canxi: 4% RDI
- Kali: 4% RDI
- Magnesium: 3% RDI
Bắp cải cũng chứa một lượng nhỏ các chất dinh dưỡng vi lượng khác, bao gồm vitamin A, sắt và riboflavin. Đặc biệt trong cải bắp còn rất giàu vitamin B6 và folate, cả hai đều rất cần thiết cho nhiều quá trình quan trọng trong cơ thể, bao gồm chuyển hóa năng lượng và giữ cân bằng cho của hệ thần kinh.
Ngoài ra, bắp cải có nhiều chất xơ và có chứa các chất chống oxy hoá mạnh mẽ, bao gồm các polyphenol và các hợp chất lưu huỳnh.
Với nguồn dinh dưỡng dồi dào như vậy nên bắp cải ẩn chứa rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
Công dụng của bắp cải
1. Cải thiện hệ tiêu hoá
Nếu bạn đang tìm kiếm các loại men tiêu hoá, tại sao không thay thế bằng loại rau ngon – bổ - rẻ này?
Bắp cải có chứa chất xơ hoà tan, giúp tăng các lợi khuẩn trong ruột, bởi nó là nguồn nhiên liệu chính cho các vi khuẩn thân thiện như Bifidobacteria và Lactobacilli. Do đó có công dụng rất tốt trong việc cải thiện hệ tiêu hóa, trị táo bón. Những loại vi khuẩn này được giao nhiệm vụ thực hiện các chức năng quan trọng như bảo vệ hệ thống miễn dịch và tạo ra các chất dinh dưỡng như vitamin K2 và B12.
2. Tăng cường sức khoẻ hệ tim mạch
Bắp cải chứa hơn 36 loại anthocyanins mạnh, giúp nó lọt "top" những thực phẩm có lợi cho tim nhất. Anthocyanins là hợp chất màu hữu cơ tự nhiên tan trong nước lớn nhất trong giới thực vật. Chúng thuộc nhóm flavonoid, có màu đỏ, đỏ tía, tím và xanh đậm xuất hiện trong trái cây, rau củ, hoa và thảo mộc.
Trong một nghiên cứu trên 93.600 phụ nữ, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người ăn nhiều thực phẩm giàu chất anthocyanin có nguy cơ bị đau tim thấp hơn nhiều lần. Tăng lượng anthocyanins trong chế độ ăn uống cũng làm giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và phòng ngừa ung thư.
3. Giảm huyết áp
Bắp cải đỏ là một nguồn cung cấp kali tuyệt vời, cung cấp tới 12% RDI trong một khẩu phần 178 gram. Kali giúp bài tiết natri dư thừa qua nước tiểu. Nó cũng làm giãn các thành mạch máu, từ đó làm giảm huyết áp.
Ăn nhiều bắp cải giàu kali là một cách để giảm huyết áp cao và có thể giữ nó trong phạm vi ổn định. Vì thếd bắp cải chính là một trong những món ăn không thể bỏ lỡ để hạ huyết áp.
4. Giảm cholesterol
Bắp cải chứa hai chất quan trọng có tác dụng giảm mức cholesterol LDL không lành mạnh.
Chất xơ hoà tan
Chất xơ hoà tan đã được chứng minh là giúp giảm mức cholesterol LDL “xấu”, bằng cách gắn kết với cholesterol trong ruột và giữ chúng không bị hấp thụ vào máu. Khoảng 40% chất xơ được tìm thấy trong bắp cải là chất xơ hoà tan.
Sterols thực vật
Bắp cải có chứa một chất có tên là phytosterols. Chúng là các hợp chất thực vật có cấu trúc tương tự như cholesterol, và chúng làm giảm cholesterol LDL bằng cách ngăn chặn sự hấp thụ cholesterol trong đường tiêu hoá.
Chỉ cần nạp 1 gram phytosterols mỗi ngày đã có thể giảm nồng độ cholesterol LDL trong cơ thể đến 5%.
5. Nguồn vitamin K dồi dào
Bắp cải là nguồn cung cấp vitamin K1 tuyệt vời cho cơ thể, cung cấp đến 86% lượng vitamin cần thiết trong một ngày chỉ với một lượng bằng bát ăn cơm (89 gram).
Vitamin K1 là chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong cơ thể. Một trong những chức năng chính của nó cũng giống như các enzyme chịu trách nhiệm đông máu. Nếu không có vitamin K, máu sẽ mất khả năng đông lại như bình thường, gây ra hiện tượng máu khó đông, khiến người bệnh dễ mất máu.