Cải thảo có chứa những hợp chất được các chuyên gia nghiên cứu đánh giá cao trong việc phòng ngừa ung thư.
Thời tiết se se lạnh là mùa của rau cải thảo - loại rau họ cải rất giàu dinh dưỡng, chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất. Ngoài ra, 100g cải thảo chỉ có 14 calo, rất thích hợp cho những người muốn giảm cân mà vẫn no bụng. Tuy nhiên, loại rau này thường hay bị mang tiếng là rau dễ bị ngâm tẩm hóa chất nên e dè, không dám ăn.
Thực tế, cải thảo rất có ích, nó còn được Hiệp hội Ung thư Mỹ đánh giá có tác dụng chống ung thư đứng thứ 2 trong số các loại rau, chỉ sau tỏi.
Cải thảo có gì để chống ung thư?
Hợp chất isothiocyanate trong cải thảo là thành phần thu hút nhiều sự chú ý. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Sarah J. Nechuta thuộc Đại học Vanderbilt (Mỹ), ăn nhiều rau họ cải có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Nhóm nghiên cứu đã theo dõi 4.886 người trong một thời gian dài và phát hiện ra rằng những bệnh nhân ăn một lượng lớn các loại rau họ cải như bắp cải, cải thảo, súp lơ thì tỷ lệ sống sót cao hơn và nguy cơ tái phát ung thư vú giảm 35%. Tiến sĩ Sarah J. Nechuta cho biết tác dụng này đến từ các chất phytochemical như indole và isothiocyanate có trong rau họ cải.
Cải thảo chứa những hợp chất có khả năng phòng ngừa ung thư tốt. (Ảnh minh họa)
Hơn nữa, cải thảo rất giàu sulforaphane. Chất này có thể kích thích tế bào của con người sản sinh ra các enzyme có lợi cho cơ thể, từ đó hình thành lớp màng bảo vệ chống lại sự ăn mòn của các chất gây ung thư từ bên ngoài. Sulforaphane là thành phần chống ung thư mạnh nhất được tìm thấy trong rau củ cho đến nay.
Ngoài khả năng ngừa ung thư mạnh mẽ, cải thảo còn có nhiều tác dụng tuyệt vời để xứng đáng với danh xưng "vua của trăm loại rau".
Cải thảo giàu dinh dưỡng
Cải thảo rất giàu chất dinh dưỡng như vitamin C, kali, canxi, magiê và chất xơ. Vitamin C là một loại vitamin quan trọng để cải thiện khả năng miễn dịch và chống lại căng thẳng. Kali có thể bài tiết natri ra khỏi cơ thể và giúp ngăn ngừa huyết áp cao. Chất xơ có thể giúp điều hòa đường ruột, cải thiện tình trạng táo bón và đào thải độc tố tích tụ trong cơ thể.
Nuôi dưỡng gan và thải nhiệt
Chuyên gia dinh dưỡng người Nhật Miyuki Kitagawa chỉ ra rằng glucosinolate trong cải thảo có thể cải thiện hiệu quả giải độc của gan. Hơn nữa, cải thảo còn có tác dụng thải nhiệt dư thừa ra khỏi cơ thể. Vitamin C trong nó có thể ngăn ngừa cảm lạnh nên là thực phẩm rất thích hợp nên ăn khi có dấu hiệu cảm lạnh.
Giàu axit folic
Axit folic có tác dụng phòng ngừa tốt bệnh thiếu máu hồng cầu và dị tật thai nhi. Vì vậy phụ nữ mang thai, trẻ em và thanh thiếu niên trong quá trình sinh trưởng và phát triển nên ăn nhiều.
Phụ nữ mang thai và trẻ em ăn cải thảo tốt cho sự phát triển của trẻ. (Ảnh minh họa)
Khử trùng và chống viêm
Cải thảo tươi có tác dụng diệt khuẩn và chống viêm. Khi bị đau họng, chấn thương, đau dạ dày, đau răng, bạn có thể ép nước cải thảo uống hoặc bôi lên vùng bị đau.
Trị vết loét
Cải thảo rất giàu vitamin U, có tác dụng điều trị tốt đối với vết loét, có thể đẩy nhanh quá trình lành vết loét và cũng có thể ngăn ngừa sự biến đổi ác tính của vết loét dạ dày.
Cải thảo tuy giàu chất dinh dưỡng nhưng lại là loại thực phẩm có tính lạnh nên ăn quá nhiều có thể gây tiêu chảy. Ngoài ra, vì cải thảo rất giàu chất xơ nên sẽ thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa, nếu bạn đang bị tiêu chảy thì nó có thể khiến tình trạng đi ngoài nặng thêm.
Cách ăn cải thảo hiệu quả
Cải thảo có vị thanh nhẹ nên rất thích hợp để kết hợp với các nguyên liệu khác, chuyên gia Kitagawa cho biết những sự kết hợp này không chỉ cải thiện hương vị mà còn tăng cường dinh dưỡng.
1. Cải thảo + Thịt lợn
Thịt lợn có tính ôn, vị ngọt, có tác dụng bổ âm, dưỡng ẩm cho da khô. Trong khi đó, cải thảo chứa nhiều vitamin và kẽm, có tác dụng ngăn ngừa xơ cứng động mạch. Thịt lợn xào cải thảo không chỉ làm tăng lượng protein động vật mà còn tốt cho những người bị cao huyết áp, bệnh tim mạch vành, bệnh mạch máu não, viêm dạ dày mãn tính.
Ngoài ra, nó cũng có hiệu quả trong việc ngăn ngừa da khô, nứt nẻ và thô ráp. Ăn cải thảo với thịt không chỉ có thể làm tăng hương vị thơm ngon mà còn làm giảm nitrit trong thịt, đồng thời giảm sản xuất chất gây ung thư.
2. Cải thảo + tôm
Cải thảo rất giàu vitamin C, tôm có nhiều protein, canxi và phốt pho. Ăn chung hai thứ này có tác dụng thanh nhiệt khô, bổ thận cường dương, dưỡng âm thanh phổi, kiện tỳ ngon miệng, dùng thường xuyên có thể ngăn ngừa táo bón, trĩ, xơ cứng động mạch, u đại tràng và một số bệnh về tim mạch. Đặc biệt thích hợp cho người suy nhược, ho do nóng phổi dùng thường xuyên.
3. Cải thảo + thịt bò
Là sự kết hợp giữa thịt và rau, bổ sung cho nhau, có dinh dưỡng toàn diện, có tác dụng kiện tỳ, ngon miệng, đặc biệt thích hợp cho người suy nhược cơ thể, có tác dụng bổ trợ chữa bệnh. Đồng thời, thịt bò giàu protein và các chất dinh dưỡng khác, có tác dụng bồi bổ lá lách, dạ dày, bổ sung tinh huyết, cải thảo giàu chất xơ thô, có tác dụng thúc đẩy nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón.
4. Cải thảo + cá chép
Ăn cải thảo và cá chép cùng nhau có thể bổ sung một lượng lớn protein, carbohydrate, vitamin C và các chất dinh dưỡng khác, là thực phẩm bổ trợ cho bà bầu bị phù thũng.