Loại virus khiến 9 người tử vong sau một đám tang nguy hiểm thế nào, liệu có xâm nhập được vào Việt Nam?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 18/02/2023 10:00 AM (GMT+7)

Loại virus khiến 9 người tử vong và hàng chục người khác nghi nhiễm ở châu Phi rất nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong khi mắc lên đến 70%.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện đợt bùng phát dịch do virus Marburg gây nên đã khiến ít nhất 9 ca tử vong tại Guinea Xích đạo, ngoài ra còn có 16 trường hợp nghi nhiễm với các triệu chứng sốt, mệt mỏi, tiêu chảy và nôn mửa. Dịch được phát hiện và bùng phát sau một đám tạng tại quốc gia ở Châu Phi này. Hiện WHO cử các chuyên gia y tế đến giúp Guinea Xích đạo ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và gửi thiết bị bảo hộ cho hàng trăm nhân viên y tế.

Trước tình hình dịch do virus Marburg gây nên ở Guinea Xích đạo, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định, hiện loại virus này chưa có yếu tố để trở thành đại dịch nhưng với việc mở cửa giao thương như hiện nay, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là có thể xảy ra. Ông Cấp cho rằng, tùy thuộc đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) các nước sẽ có chính sách phòng chống dịch phù hợp.

Theo bác sĩ Cấp, virus Marburg lây lan qua đường dịch tiết (như máu), đường tiếp xúc ngoài da, tiếp xúc với các bề mặt vật dụng có virus hoặc tiếp xúc gần bệnh nhân... Do không lây qua đường hô hấp nên bác sĩ Cấp cho rằng, mức độ lây lan sẽ thấp hơn so với các bệnh do virus khác như cúm hay COVID-19.

Virus Marburg dù có tỉ lệ tử vong cao nhưng khó thành đại dịch. (Ảnh minh họa)

Virus Marburg dù có tỉ lệ tử vong cao nhưng khó thành đại dịch. (Ảnh minh họa)

Còn theo TS.BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM, mọi người không nên quá lo lắng, nhưng cũng không nên chủ quan với virus Marburg. Ông Khanh cho rằng, virus này dù có tỉ lệ tử vong khá cao nhưng chỉ lây qua chất tiết của người bệnh xuyên qua da hoặc niêm mạc. Bệnh không lây qua đường hô hấp và cũng không lây qua côn trùng như muỗi đốt như một số thông tin lan truyền trên mạng. Do vậy mọi người không nên hoang mang, sợ hãi.

Bệnh do virus Marburg gây ra vẫn chưa có thuốc điều trị, chủ yếu chữa triệu chứng. Bệnh cũng chưa có vắc xin dự phòng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thời gian ủ bệnh Marburg là từ 2 ngày đến 3 tuần. Các triệu chứng bắt đầu đột ngột với triệu chứng sốt dữ dội và đau đầu. Vài ngày sau khi khởi phát, nhiều bệnh nhân bị nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng kéo dài tới một tuần.

Theo WHO, các trường hợp nặng có kèm theo chảy máu trong tuần đầu tiên. Một số bệnh nhân nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu. Bệnh nhân cũng bị chảy máu nướu răng, ở mũi và cơ quan sinh dục. Bệnh có thể lan đến hệ thần kinh khiến người bệnh trở nên lú lẫn, dễ cáu gắt và hung dữ.

Hầu hết các trường hợp tử vong sau hơn một tuần mắc bệnh, ngoài ra, WHO cho biết, các trường hợp tử vong thường đi kèm với sốc và mất máu nghiêm trọng.

Virus Marburg lây truyền thông qua tiếp xúc ngoài da, tiếp xúc với các bề mặt vật dụng có virus, lây qua dịch tiết như máu... Chính vì vậy, việc tránh tiếp xúc với người mắc bệnh và vệ sinh bề mặt bị vấy bẩn rất quan trọng, bên cạnh việc đeo khẩu trang phòng bệnh... Người dân cũng cần thường xuyên theo dõi, cập nhật các khuyến cáo của ngành y tế để chủ động phòng chống căn bệnh này.

90% gia đình rửa đũa theo cách này, không ngờ lại mở đường mời virus, vi khuẩn vào cơ thể
Gia đình nào hầu như cũng rửa bát đũa mỗi ngày nhưng không phải ai cũng biết thực hiện việc này đúng, có lợi cho sức khỏe.

An toàn thực phẩm

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác