Gia đình nào hầu như cũng rửa bát đũa mỗi ngày nhưng không phải ai cũng biết thực hiện việc này đúng, có lợi cho sức khỏe.
Đũa là loại vật dụng được sử dụng thường xuyên và phổ biến nhất ở Việt Nam. Trong đời sống ẩm thực, đũa dùng để xào nấu, để ăn cơm và tùy vào mục đích sử dụng, đũa được phân chia thành hai loại chính, đó là đũa dùng một lần và đũa dùng nhiều lần.
Trong đó, đũa dùng một lần đa số được các hàng quán, nơi bán đồ ăn nhanh sử dụng, còn đũa dùng nhiều lần thì được dùng trong các gia đình là chính. Với đũa sử dụng nhiều lần, việc vệ sinh rất quan trọng, nếu khâu này thực hiện không đúng cách và khoa học thì nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng rất cao.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ sinh học và Thực phẩm cho biết, tại các gia đình, đa số đũa làm từ chất liệu tre, gỗ, inox hoặc nhựa và sử dụng lâu dài. Do chi phí và tính năng sử dụng nên mọi người thường sử dụng đũa với chất liệu là tre và gỗ nhiều hơn.
“Đũa được làm từ tre và gỗ được sử dụng từ xưa tới nay, tuy nhiên vật liệu này cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, dễ bị vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập nếu việc vệ sinh không đảm bảo. Do vậy, các gia đình cần chú ý việc rửa đũa sau khi ăn”, PGS Thịnh cho hay.
Chà xát đũa với nhau khi rửa không sạch được bẩn, dễ làm dập hoặc bong tróc đũa. (Ảnh minh họa)
Theo PGS Thịnh, có hai vấn đề và cũng là thói quen nhiều người gặp phải khi rửa đũa cần bỏ ngay, đó là ngâm quá lâu và chà xát đũa với nhau khi rửa.
Việc ngâm đũa quá lâu sẽ khiến cho nước thẩm thấu sâu vào bên trong đũa. Sau khi dùng bữa xong, đũa thường ngâm chung với bát, khi đó các loại thức ăn thừa thôi nhiễm ra, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Ngoài ra, việc ngâm đũa với hóa chất tẩy rửa trong thời gian dài cũng khiến cho hóa chất ngấm sâu vào bên trong đũa và gây hại cho sức khỏe khi sử dụng.
Vấn đề thứ hai là việc chà xát đũa vào với nhau khi rửa, đa số mọi người đều cho rằng như vậy sẽ làm đũa sạch hơn, loại bỏ được tối đa chất bẩn. Tuy nhiên, PGS Thịnh lại cho rằng, đa số đũa sản xuất công nghiệp đều có cạnh khi chà xát vào nhau dù có tiếp xúc ma sát nhưng không loại bỏ hoàn toàn được cặn bẩn.
Ngoài ra, việc chà sát mạnh sẽ khiến đũa bị xước, dập, trở nên thô ráp, từ đó chất bẩn dễ bám, vi khuẩn đi vào sâu hơn vào trong những kẽ dập đó và khu trú lại, chờ cơ hội gây bệnh cho con người.
Từ những thói quen ngâm rửa, cộng thêm với môi trường ẩm ướt trong ống đũa khi không làm sạch thường xuyên sẽ khiến cho các loại vi khuẩn nấm mốc phát triển, gây hại cho sức khỏe.
TS.BS Từ Ngữ (Hội Dinh dưỡng Việt Nam) cũng cho rằng, thói quen vệ sinh đũa sai cách không chỉ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh, mà còn có thể là nguyên nhân phát tán virus.
“Việc không vệ sinh đũa đúng cách cũng là nguyên nhân phát tán các loại vi khuẩn và cả virus lây qua đường hô hấp và tiêu hóa. Điển hình như COVID-19 hoặc vi khuẩn HP”, TS Từ Ngữ chia sẻ.
Nên rửa từng đôi đũa bằng nước vo gạo hoặc nước rửa chuyên dụng sẽ tốt hơn. (Ảnh minh họa)
Theo hướng dẫn của TS Từ Ngữ, trước và sau khi ăn cần vệ sinh đũa sạch sẽ. Tốt nhất trước khi sử dụng nên nhúng qua nước sôi, việc này giúp tiêu diệt một số loại vi khuẩn, virus nếu có.
Đối với việc rửa đũa, nên rửa ngay sau khi ăn, không ngâm trong nước quá lâu. Nên rửa từng đôi đũa một, không cầm cả nắm đũa chà xát vào nhau. Khi rửa, có thể dùng nước rửa chuyên dụng hoặc nước vo gạo. Với nước rửa chuyên dụng, cần phải rửa và tráng qua nhiều lần, đảm bảo hết hóa chất.
Đối với nước vo gạo, ngoài tác dụng làm sạch cặn bẩn, dầu mỡ bám trên đũa nó còn giúp khử mùi tanh hiệu quả. Sau khi rửa xong cần phân loại đầu đũa để tiếp tục làm các khâu tiếp theo như sấy khô hoặc phơi ra ngoài trời nắng.
Dù là đũa làm từ loại vật dụng nào, TS Từ Ngữ cũng khuyến cáo không nên sử dụng lâu, nên thay đũa khi có dấu hiệu bị mòn, bong sơn, tốt nhất nên thay sau 3-6 tháng dùng. Với ống đựng đũa cần phải đảm bảo luôn khô ráo, sạch sẽ.