Luôn cảm thấy lạnh, cảnh báo điều gì?

Ngày 21/12/2017 11:08 AM (GMT+7)

Nóng, lạnh là cảm giác bình thường và cần thiết của cơ thể. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy bàn tay, bàn chân và cơ thể luôn lạnh run ngay cả khi nhiệt độ cao thì rất có thể đó là dấu hiệu cảnh báo một tình trạng bất ổn về sức khỏe cần lưu tâm.

Rối loạn tuyến giáp

Nhiều vấn đề sức khỏe có nguyên nhân từ tuyến giáp. Luôn luôn cảm thấy lạnh là một dấu hiệu báo trước về chứng suy giáp, có nghĩa là tuyến giáp không tiết ra đủ hormon cần thiết để duy trì tốt chức năng.

Nếu không đủ hormon này, sự trao đổi chất chậm lại, ngăn cơ thể sản xuất nhiệt. Khoảng 4,5% người Mỹ có tình trạng này và tỉ lệ cao hơn ở những phụ nữ đã mang thai hoặc trên 60 tuổi. Nếu bạn nghi ngờ vấn đề về tuyến giáp, hãy đi khám bác sĩ và có thể được điều trị bằng các loại thuốc kê đơn.

Cơ thể quá gầy

Trọng lượng cơ thể thấp, được định nghĩa là BMI (chỉ số khối cơ thể) ở khoảng 18,5 hoặc thấp hơn có thể khiến bạn cảm thấy lạnh do 2 nguyên nhân: Thứ nhất, khi bị thiếu cân hay cơ thể quá gầy, bạn sẽ thiếu một lượng chất béo cần thiết trong cơ thể để bảo vệ bạn khỏi nhiệt độ lạnh. 

Thứ hai, do chỉ số khối cơ thể thấp nên bạn không có nhu cầu ăn hoặc ăn rất ít làm lượng calo cung cấp cho cơ thể không đủ dẫn tới giảm sự trao đổi chất và hậu quả là không tạo đủ nhiệt để làm ấm cơ thể. Do vậy, nếu BMI ở mức thấp thì bạn cần cân nhắc bổ sung thực phẩm chứa nhiều đạm, chất béo, carbonhydrat… để tăng trọng lượng cơ thể.

Luôn cảm thấy lạnh, cảnh báo điều gì? - 1

Tuyến giáp bị rối loạn là một nguyên nhân khiến cơ thể luôn cảm thấy lạnh.

Thiếu sắt

Thiếu sắt là một trong những lý do phổ biến nhất gây lạnh mạn tính. Nguyên nhân do sắt là khoáng chất quan trọng giúp các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy trong cơ thể, mang nhiệt và các chất dinh dưỡng khác vào mọi tế bào trong hệ thống của bạn.

Nếu không có đủ chất sắt, các tế bào hồng cầu không thể thực hiện hiệu quả công việc sẽ khiến bạn luôn cảm thấy lạnh. Sắt cũng rất quan trọng bởi vì sự thiếu hụt có thể dẫn đến suy giáp sẽ càng làm cơ thể cảm thấy lạnh hơn. Sắt có thể được bổ sung bằng thực phẩm lành mạnh như thịt, trứng, rau lá xanh và hải sản.

Tuần hoàn kém

Nếu chỉ bàn tay và bàn chân của bạn luôn cảm thấy lạnh như đá và các phần còn lại của cơ thể bạn cảm thấy bình thường thì rất có thể do rối loạn tuần hoàn máu hoặc vấn đề về tim.

BS. Margarita Rohr tại Trung tâm Y tế NYO Langone ở thành phố New York, Mỹ giải thích, lạnh tay chân dấu hiệu cho thấy tim không bơm máu hiệu quả hoặc tắc nghẽn động mạch ngăn không cho máu chảy vào ngón tay và ngón chân.

Ngoài ra, hút thuốc lá cũng có thể gây ra tuần hoàn kém vì nó làm tắc nghẽn mạch máu.Một khả năng khác là tình trạng bệnh Raynaud khiến cho các mạch máu ở tay và chân tạm thời thu hẹp khi cơ thể cảm giác lạnh. Bệnh Reynaud có thể điều trị bằng thuốc sau khi được chẩn đoán xác định.

Ngủ không đủ giấc

Thiếu ngủ có thể gây tổn thương hệ thống thần kinh, làm giảm hoạt động ở vùng dưới đồi, vùng não điều khiển nhiệt độ cơ thể khiến bạn cảm thấy luôn bị lạnh. Nghiên cứu tại Mỹ cho biết, để đáp ứng với căng thẳng do thiếu ngủ, một khu vực ở não chịu trách nhiệm điều chỉnh nhiệt độ có xu hướng giảm xuống nên gây ra những cơn ớn lạnh liên tục.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu khác được xuất bản trên Tạp chí Sinh lý học Ứng dụng châu Âu cho thấy có sự sụt giảm nhiệt độ cơ thể ở những người bị thiếu ngủ. Sự trao đổi chất có thể là một nguyên nhân do mệt mỏi sau một đêm mất ngủ khiến quá trình trao đổi diễn ra với tốc độ chậm chạp, từ đó khiến việc sản xuất nhiệt ít đi và lưu thông máu chậm hơn.

Mất nước

Khoảng 60% cơ thể là nước và nước giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể.Nếu bạn uống đủ nước, nước sẽ giữ nhiệt và phát hành nó từ từ, giúp cơ thể luôn ấm áp. Nếu thiếu nước, cơ thể sẽ nhạy cảm hơn với nhiệt độ bên ngoài.

Ngoài ra, nước còn góp phần vào quá trình trao đổi chất, thiếu nước khiến sự chuyển hóa chậm nên sản sinh nhiệt lượng ít hơn. Lượng nước được khuyến cáo là khoảng 2 lít mỗi ngày nhưng luôn luôn cần uống nhiều hơn trước và sau khi tập thể dục.

Luôn cảm thấy lạnh, cảnh báo điều gì? - 2

Thiếu vitamin B12

Chất dinh dưỡng này chỉ tìm thấy trong các sản phẩm động vật và đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa ớn lạnh. Cơ thể cần vitamin B12 để tạo ra các tế bào hồng cầu có chứa oxy trong hệ tuần hoàn.

Nếu thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến thiếu máu hoặc làm giảm số lượng hồng cầu dẫn đến chứng lạnh mạn tính. Thiếu B12 có thể là do chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, vì vậy, bạn nên ăn nhiều thịt nạc, cá và sữa...

Nhưng đôi khi thiếu vitamin B12 còn do vấn đề hấp thụ nên nếu chế độ ăn uống chứa nhiều B12 nhưng bạn vẫn cảm thấy lạnh run rẩy mọi lúc thì cần bổ sung vitamin B12 dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Mắc bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh lý thần kinh ngoại biên gây ra sự ớn lạnh ở bàn tay, bàn chân. Cảm giác này lại được hệ thống thần kinh ngoại biên cảm nhận và thông báo cho não về nhiệt độ nên cơ thể cũng sẽ cảm thấy ớn lạnh.

Do vậy, nếu bạn bị tiểu đường hoặc có các triệu chứng của bệnh (đi tiểu thường xuyên, cảm thấy mệt mỏi và tăng nhu cầu là 3 dấu hiệu cổ điển), hãy đi khám bác sĩ để có phương án quản lý bệnh thật tốt.

Khối lượng cơ bắp ít

Cơ bắp giúp duy trì nhiệt độ cơ thể bằng cách tạo ra nhiệt nên nếu không có đủ cơ bắp sẽ góp phần khiến cơ thể luôn cảm thấy lạnh.Để có cơ bắp săn chắc, bạn nên luyện tập thể dục đều đặn hàng ngày tại phòng gym, tại nhà hoặc bất kỳ địa điểm thuận lợi nào.

Theo Lê Mỹ Giang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh mùa rét