Dù mắc bệnh tiểu đường nhiều năm nhưng cụ Trung, năm nay 80 tuổi vẫn hết sức minh mẫn, hoạt động nhanh nhẹn, nói chuyện trơn tru.
Cụ Trung, năm nay hơn 80 tuổi (người Trung Quốc) đã khiến các bác sĩ không khỏi bất ngờ khi đến khám bệnh bởi cuốn “nhật ký tiểu đường” do tự tay cụ ghi chép. Cuốn nhật ký đã ghi lại một cách chi tiết và tỉ mỉ các chỉ số sức khỏe cùng với những kết quả xét nghiệm dày đặc.
Bất cứ ai khi lật giở từng trang nhật ký cũng đều thán phục với nét chữ rõ ràng, số liệu ngay ngắn và các bác sĩ tại bệnh viện cũng phải ngỡ ngàng vì điều đó.
Có lẽ cũng nhờ điều này mà cụ Trung dù đã 80 mà vẫn không bị bệnh tiểu đường bùng phát. Không chỉ thế, sức khỏe của cụ hiện vẫn rất tốt, đầu óc minh mẫn, tỉnh táo, trò chuyện vui vẻ với mọi người một cách bình thường, trôi chảy và trí nhớ cực kỳ tốt.
Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, việc theo dõi chỉ số glucose trong máu là điều cực kỳ quan trọng. Có không ít bác sĩ đã kể lại rằng hầu như các bệnh nhân đến khám đều có đặc điểm chung là nói lan man, không đúng trọng tâm. Có những người dù trong nhà có dụng cụ đo chỉ số tiểu đường thì định kỳ hay không định kỳ tự kiểm tra, cũng đều không có thói quen ghi chép lại. Chính vì thế sau một thời gian, những dữ liệu về việc đo hàng ngày đều quên hết, không nhớ được thông tin cụ thể nào.
Những người bị bệnh tiểu đường nên học hỏi thói quen này của cụ Trung. Họ nên giữ lại các kết quả kiểm tra xét nghiệm, hoặc ghi lại trong một cuốn sổ riêng, đồng thời nên tạo thói quen theo dõi hàng ngày và ghi thành nhật ký chỉ số đường trong máu bao gồm các thông tin chính như sau:
- Thời gian đo chỉ số đường huyết
- Chỉ số huyết áp
- Thời gian ăn cơm và số lượng ăn được
- Thời gian vận động/thể dục và thời lượng thực hiện được
- Thời gian uống thuốc, số lượng thuốc đã uống
- Một số đặc điểm đặc biệt khác có thể quan sát thấy.
Việc ghi lại nhật ký bệnh tiểu đường có thể giúp bệnh nhân kiểm soát tốt sự thay đổi của tình trạng bệnh, thói quen sinh hoạt, hoạt động thể dục, thể thao, chế độ ăn uống và việc sử dụng thuốc có đạt hiệu quả hay không. Những thông tin này cũng có ý nghĩa rất lớn khi có thể giúp bệnh nhân tìm ra được những nguyên nhân gây ra các vấn đề bất thường và nhận được tư vấn điều trị phù hợp nhất.
Sổ nhật ký ghi chép lại của người bệnh tiểu đường được xem là một trong những "bảo bối" quan trọng trong việc chữa bệnh của bệnh nhân do khả năng ứng dụng cao.
Một cuốn sổ nhật ký tưởng như không có gì quan trọng, nhưng khi gặp vấn đề các bác sĩ có thể dựa vào đó và sớm phát hiện ra được chính xác nguyên nhân cũng như có thể hiểu được quy luật thay đổi và tiến triển của bệnh. Đồng thời nâng cao khả năng, kết quả và chất lượng khám bệnh, nâng cao khả năng sống cho người bệnh, rất tốt cho việc điều trị bệnh dài ngày.
Ngoài ra, những thông tin được ghi trong cuốn nhật ký này cũng sẽ cảnh báo trước bất kỳ một thay đổi nào, thể hiện rõ việc điều trị của bạn có hiệu quả hay không, đồng thời giúp bạn và bác sĩ điều chỉnh cách điều trị sao cho phù hợp với bệnh nhân.
Bạn có thể dùng bất cứ cuốn sổ nào để ghi lại dữ liệu theo dõi sức khỏe như cuốn sổ đóng sẵn thuần túy hay cũng có thể dùng cuốn kẹp di động (file), sau đó in các trang giấy có kẻ vẽ sẵn thành mẫu biểu.
Đồng thời bạn có thể tháo mở tập tài liệu này để thường xuyên bố sung thêm giấy khi bạn viết nhiều hơn. Ngoài ra dùng kẹp có gáy mở di động, có thể bổ sung thêm các tờ giấy kết quả xét nghiệm.
Bạn cũng có thể viết thêm các dấu hiệu hay tình trạng sức khỏe khác để thông tin thêm phần dày dặn và cụ thể. Đó là thông tin tuyệt vời giúp bạn duy trì được việc điều trị hiệu quả, điều chỉnh phác đồ điều trị, vô cùng đơn giản và tiện lợi.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để biết cần ghi chép lại những chỉ số gì vào nhật ký, từ đó giúp bác sĩ theo dõi diễn biến bệnh chuẩn xác hơn.
Việc điều trị bệnh tiểu đường dựa vào bản thân bệnh nhân chiếm tới 70% kết quả, vì thế, hãy học tập cụ Trung hình thành thói quen ghi chép lại nhật ký. Hãy coi đó không chỉ là một thói quen tốt, mà là một giải pháp để giúp điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Khi bản thân người bệnh và bác sĩ đều nỗ lực phân tích, theo dõi kết quả kiểm tra hàng ngày và điều trị tích cực, thì sức khỏe của bạn sẽ được kiểm soát, như vậy càng dễ dàng hơn trong việc khống chế huyết áp và tiểu đường, mỡ máu, đưa chúng tiệm cận với chỉ số trung bình, từ đó giúp bạn khỏe mạnh và trường thọ.
Sống khỏe mạnh và trường thọ luôn là niềm mơ ước của mỗi chúng ta, kể cả những bệnh nhân tiểu đường cũng có thể sống lâu và có sức khỏe tốt chỉ cần bạn khống chế tốt chỉ số đường huyết, huyết áp và mỡ máu, nuôi dưỡng và duy trì các thói quen tốt, khám sức khỏe định kỳ, học cách tự kiểm soát tâm lý bản thân, trân quý từng ngày trôi qua, sống vui trong từng khoảnh khắc…
Làm được những điều đơn giản đó, mỗi bệnh nhân tiểu đường đều có thể sống trường thọ, tự "kết thân" với bệnh tiểu đường và chung sống hòa bình, khỏe mạnh và trường thọ.