Khi đang cho con bú thấy đau ngực, nghĩ rằng do nuôi con bị kích sữa không ngờ mẹ trẻ sau đó phát hiện ung thư vú di căn.
Ung thư vú không chỉ là căn bệnh có tỷ lệ mắc nhiều nhất ở phụ nữ Việt Nam hiện nay, mà đây còn là căn bệnh đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. PGS Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trước đây ung thư vú thường gặp ở những bệnh nhân tuổi từ 45-60 tuổi, nhưng hiện nay tỷ lệ phát hiện bệnh ung thư vú ở người trẻ tuổi đã tăng lên tại Việt Nam.
Nhiều trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi mắc ung thư vú được bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận
Theo PGS Phương, có khoảng hơn 10% bệnh nhân ung thư vú mới mắc ở độ tuổi rất trẻ khi mới 20-30 tuổi. Điển hình là trường hợp nữ bệnh nhân N.Q.T. (24 tuổi, ở Nam Định) phát hiện ung thư vú cách đây vài tháng tại trung tâm.
PGS Phương cảnh báo ung thư vú đang ngày càng trẻ hóa.
Theo chia sẻ của cô gái trẻ này, trong một lần đang tắm, cô sờ lên ngực và phát hiện khối u cứng ở tuyến vú. Tuy nhiên, do khối u không đau nên T. chủ quan chưa đi khám ngay. Đến khi khối u cứng dần và thấy có sự phát triển nên T. đã đến bệnh viện thăm khám.
“Tại trung tâm sau khi khám chúng tôi đã cho bệnh nhân đi chụp chiếu, xét nghiệm. Kết quả cho thấy nữ bệnh nhân trẻ này bị ung thư thể mô dạng ống ở tuyến vú bên phải.
Khi phát hiện bệnh, chúng tôi đã cho bệnh nhân điều trị theo đúng phác đồ đó là điều trị phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Hiện bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục được điều trị”, PGS Phạm Cẩm Phương chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ của PGS Phương, cách đây 1 tháng trung tâm này cũng tiếp nhận một phụ nữ mới 30 tuổi, mắc bệnh ung thư vú khi vừa sinh con được 8 tháng tuổi và vẫn đang trong quá trình cho con bú.
Trước thời điểm mắc bệnh, người mẹ trẻ này sức khỏe hoàn toàn bình thường, trong quá trình sinh con và cho con bú bệnh nhân thấy đau ở 2 bên ngực. Tuy nhiên, bệnh nhân nghĩ rằng mình đau ngực do tắc tia sữa hoặc do căng sữa nên không lo lắng.
Nhiều phụ nữ mắc bệnh khi tuổi mới đôi mươi.
Trong thời gian nuôi con nhỏ, những cơn đau xuất hiện ngày càng nhiều hơn khiến nữ bệnh nhân này không thể chịu đựng được và quyết định đến bệnh viện thăm khám. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư vú cả 2 bên.
“Đây là trường hợp mắc ung thư vú cả 2 bên rất nặng, bị tổn thương di căn nhiều bộ phận cơ thể khác như phổi, màng phổi, gan…Thương tâm hơn, bệnh nhân mới sinh con và đang cho con bú.
Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành điều trị tích cực cho bệnh nhân. Cho đến thời điểm hiện tại bệnh nhân đang có những tiến triển tích cực, chúng tôi vẫn đang tiếp tục điều trị duy trì”, PGS Phương nói.
Nam giới khi mắc ung thư vú đa phần là đã ở giai đoạn muộn.
Theo PGS Phạm Cẩm Phương những phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú là những người có lối sống không lành mạnh như: thường xuyên hút hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá, phụ nữ lười vận động, thường xuyên thức khuya, hay bị áp lực và sử dụng các loại thực phẩm không an toàn...
Ngoài ra, những phụ nữ có kinh nguyệt sớm, có con sau tuổi 30 cũng có nguy cơ mắc ung thư vú cao. Một vấn đề PGS Cẩm Phương cảnh báo tới chị em có người thân trong gia đình (bà, mẹ, chị em) mắc ung thư vú thì nguy cơ mắc phải căn bệnh này cao hơn bình thường. "Gen di truyền là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ di căn ở bệnh ung thư vú. Do đó, chị em cần chủ động đi khám tầm soát bệnh ung thư vú từ sớm nếu có người thân trong nhà mắc căn bệnh này", PGS Phương cảnh báo.
Không chỉ có vấn đề trẻ hóa ung thư vú ở phụ nữ, PGS Phương còn cảnh báo hiện tỉ lệ nam giới mắc căn bệnh này ngày càng được phát hiện nhiều hơn. “Đối với nam giới khi phát hiện thì bệnh đã đều ở giai đoạn muộn, nên khó khăn trong việc điều trị”, PGS Phương cảnh báo.
Theo vị chuyên gia này, ung thư vú ở nam giới rất hiếm xảy ra với người dưới 35 tuổi. Phần lớn nam giới bị ung thư vú trong độ tuổi 60 và 70. Những yếu tố nguy cơ khác của ung thư vú ở nam bao gồm:
- Mẹ hoặc chị/em gái bị ung thư vú;
- Tiền sử tiếp xúc với phóng xạ;
- Vú to (vú to nam giới) do thuốc hoặc điều trị nội tiết hoặc nhiễm trùng, ngộ độc;
- Uống estrogen;
- Hội chứng di truyền hiếm gặp Klinefelter;
- Xơ gan;
- Bệnh lý tinh hoàn như quai bị, chấn thương tinh hoàn, tinh hoàn lạc chỗ.