Tưởng ăn thịt đỏ, uống sữa đậu nành gây ung thư vú nhưng đây mới là nguyên nhân thật sự

Ngày 21/05/2019 15:00 PM (GMT+7)

"Nhiều người cho rằng ăn nhiều thịt đỏ, uống sữa, ăn chế phẩm đậu nành, đậu tương làm gia tăng nguy cơ ung thư. Thực tế, đây chỉ là những suy luận trên lý thuyết..." - PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh - Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - cho biết.

Đáng báo động, ung thư vú đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, có khoảng hơn 10% bệnh nhân ung thư vú mới mắc ở độ tuổi rất trẻ khi mới 20-30 tuổi. Điều này gây nên nỗi ám ảnh và lo lắng với đông đảo chị em.  Không chỉ có vấn đề trẻ hóa ung thư vú ở phụ nữ, hiện tỉ lệ nam giới mắc căn bệnh này ngày càng được phát hiện nhiều hơn.

Việc sàng lọc và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa rất lớn trong chẩn đoán và điều trị căn bệnh này. Đặc biệt, nếu phát hiện sớm thì bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Để giúp các bạn trang bị đầy đủ kiến thức, chủ động phòng ngừa ung thư vú, ngày 24/5, Báo Gia đình Xã hội kết hợp với Trang tin điện tử Eva.vn tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến "Ung thư vú – Những hiểu lầm và giải đáp" với sự tham gia của 2 khách mời:

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh - Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng – Nguyên Trưởng khoa Vi chất Dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia và PGS.TS Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai).

Tưởng ăn thịt đỏ, uống sữa đậu nành gây ung thư vú nhưng đây mới là nguyên nhân thật sự - 1

Hai khách mời đã có mặt để giao lưu.

Dưới đây là nội dung buổi giao lưu

MC: Xin PGS Phương cho biết, hiện nay tình hình mắc ung thư vú trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng như thế nào?

PGS Phương: Ung thư vú đang là căn bệnh có nhiều phụ nữ mắc nhất hiện nay. Theo số liệu của GLOBOCAN năm 2018, hàng năm trên thế giới có khoảng hơn 2 triệu người phụ nữ mắc ung thư vú, trong đó có hơn 600.000 người tử vong vì căn bệnh này. Còn ở Việt Nam, ung thư vú cũng là bệnh đứng hàng số 1 về tỉ lệ mắc ở nữ giới và hàng năm có trên 15.000 ca mắc mới căn bệnh này, trong đó có khoảng hơn 6000 ca tử vong.

Trước đây, ung thư vú thường chẩn đoán ở người trên 50 tuổi, nhưng bây giờ chúng tôi đã gặp những bệnh nhân trên 20 tuổi đã mắc ung thư vú, điều này rất hiếm gặp so với trước.

MC: Hai chuyên gia có thể cho biết những nguyên nhân nào gây nên bệnh ung thư vú và những dấu hiệu nào để phát hiện mình có nguy cơ cao mắc bệnh. Có thể phát hiện những dấu hiệu đó theo cách nào?

PGS Ninh: Hiện nay có nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến việc mắc ung thư vú nói riêng và ung thư nói chung, nhưng để xác định chính xác nguyên nhân bệnh là gì thì không phải dễ.

Về vấn đề dinh dưỡng, yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú liên quan nhiều đến lối sống và cách ăn uống là rất quan trọng. Nếu ăn uống sạch sẽ, lối sống lành mạnh, môi trường trong sạch thì sẽ loại bỏ được 90% yếu tố nguy cơ gây ung thư.

Yếu tố nguy cơ ở đây là các loại thức ăn chúng ta ăn hàng ngày không an toàn, không cân đối… Yếu tố liên quan rõ rệt đến ung thư vú đó là đồ ăn mặn, đồ quay rán nhiều, thức ăn chứa chất bảo quản… Ngoài ra còn yếu tố khác góp phần làm ung thư ở giới trẻ phát triển nhanh đó là việc sử dụng đồ ăn nhanh, đồ ăn ngọt, uống nhiều rượu bia, lười vận động…

Tưởng ăn thịt đỏ, uống sữa đậu nành gây ung thư vú nhưng đây mới là nguyên nhân thật sự - 2

PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh.

PGS Phương: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của PGS Ninh. Đúng là lối sống thiếu lành mạnh, các loại thực phẩm không an toàn ảnh hưởng đến việc gia tăng các căn bệnh ung thư nói chúng và ung thư vú nói riêng.

Đối với ung thư vú, những đối tượng sau có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú đó là người có cùng huyết thống trong gia đình mắc ung thư vú như bà, mẹ, chị em ruột. Đặc biệt, những người mang đột biến gen BRC1, BRC2 cũng là những đối tượng ở nữ giới có nguy cao mắc bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng. Còn ở nam giới nếu mang gen này thì có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tiền liệt và ung thư tụy.

Ngoài ra, những người phụ nữ trên 40 tuổi, mãn kinh muộn, không cho con bú, sinh con muộn, có kinh nguyệt sớm, có tiền sử bị chiếu xạ vào vùng ngực, có tiền sử dùng thuốc nội tiết nhiều, hút thuốc lá… là đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư vú.

Chúng tôi mong muốn, người dân cần có chế độ ăn uống hợp lý như ăn nhiều rau xanh để cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể, tập luyện thể dục phù hợp với thể trạng bản thân, hạn chế các đồ ăn nhanh, các chất béo và các đồ chiên rán, hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá… để phòng bệnh ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng.

MC: Nhiều người cho rằng, chế độ ăn uống sẽ hạn chế được sự phát triển của ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng. Điều này có đúng không và khi mắc ung thư vú cần kiêng những loại đồ ăn gì?

PGS Ninh: Nếu có chế độ ăn đầy đủ, môi trường sạch, lối sống lành mạnh thì sẽ loại bỏ được nhiều yếu tố nguy cơ ung thư.

Về chi tiết loại thức ăn nào nên kiêng hoặc nên ăn ít để phòng ung thư, tôi có thể tóm tắt như sau. Thứ nhất đó là các loại đồ ăn có bằng chứng rõ ràng về sự liên quan làm tăng hay giảm nguy cơ ung thư vú. Những loại đồ ăn này bao gồm các loại mỡ động vật nhiều chất béo, hay những món chế biến dưới dạng quay, rán nướng, ăn mặn. Ngoài ra là những nhóm rượu bia nhiều cồn hay nhóm nước uống có nhiều ga, đồ ngọt...

Thứ hai, những loại đồ ăn chưa có bằng chứng rõ ràng, đây là những đồ ăn chỉ có suy luận về mặt lý thuyết chứ chưa có bằng chứng lâm sàng. Ví dụ, việc nhiều người cho rằng ăn nhiều thịt đỏ, uống sữa, ăn chế phẩm đậu nành, đậu tương làm gia tăng nguy cơ ung thư. Thực tế, đây chỉ là những suy luận trên lý thuyết. Bởi nghiên cứu trên một nhóm người ở châu Âu, châu Mỹ đã chỉ ra rằng không có yếu tố nguy cơ đối với những phụ nữ sử dụng các loại sản phẩm trên làm gia tăng nguy cơ ung thư vú.

MC: Với kinh nghiệm nhiều năm khám chữa bệnh cho các bệnh nhân ung thư vú, bác sĩ Phương có thể chia sẻ thêm những trường hợp liên quan đến việc người bệnh nghe lời khuyên từ người quen, trên mạng,… ảnh hưởng đến quá trình điều trị/ khám chữa bệnh. Có trường hợp nào khiến PGS ấn tượng?

PGS Phương: Việc chẩn đoán ung thư vú ở giai đoạn sớm thì hoàn toàn có thể chữa khỏi được bệnh. Tuy nhiên, những năm qua chúng tôi cũng gặp một số trường hợp đến khi đã muộn. Thậm chí khi phát hiện ra bệnh họ còn giấu diếm gia đình, chồng con nghe theo các lời khuyên không chính thống.

Có trường hợp khi đến bệnh viện, các bác sĩ khám và chẩn đoán có thể điều trị bằng phẫu thuật kèm theo các phương pháp điều trị khoa học khác, nhưng một số người bệnh không tin điều đó, mà nghe theo bạn bè đi uống thuốc nọ, đắp thuốc kia, tự ý bỏ dở điều trị… Đến khi đến viện, khối u đã loét và lúc đó việc điều trị vô cùng khó khăn, không còn cơ hội chữa khỏi bệnh mà chỉ điều trị triệu chứng.

Hay có những bệnh nhân không nghe theo chỉ định của bác sĩ, đi uống những loại thuốc không chính thống với liều lượng cao dẫn đến suy gan phải điều trị vài tháng hay suy thận phải chạy đến 9 lần mới hồi phục và quay lại điều trị ung thư. Như vậy sẽ làm mất thời gian vàng điều trị ung thư khiến bệnh càng nặng thêm.

Hiện tại với biện pháp điều trị ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng, Việt Nam chúng ta đã tiếp cận được tất cả các tiến bộ của y học thế giới, vì vậy các bệnh nhân không cần phải ra nước ngoài chữa bệnh mà hãy tin tưởng vào đội ngũ bác sĩ của Việt Nam.

Tưởng ăn thịt đỏ, uống sữa đậu nành gây ung thư vú nhưng đây mới là nguyên nhân thật sự - 3

PGS.TS Phạm Cẩm Phương

MC: Bệnh ung thư vú ở nữ giới là vậy, con ung thư vú ở nam giới thì sao thưa PGS?

PGS Phương: Đối với ung thư vú ở nam giới thì rất hiếm gặp. Tuy nhiên, ung thư vú ở nam giới thường phát hiện muộn hơn nữ giới nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Lý do là ngực nam giới mỏng nên khi phát hiện muộn đã ảnh hưởng đến lồng ngực hoặc ngoài da.

Ung thư vú ở nam giới thường gặp ở độ tuổi cao trên 50, 60 tuổi hay ở người nam giới béo phì, hút thuốc lá. Để phát hiện ung thư vú ở nam giới và nữ giới nói chung thì khi tắm nên sờ lên ngực của mình. Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu gì bất thường thì nên đi khám. Ví dụ da vú thay đổi màu sắc, chảy dịch, phần nào đó gồ lên hay lõm xuống thì nên đến viện để được thăm khám kịp thời.

MC: Hiện nay có rất nhiều người trẻ chưa đến 30 tuổi đã mắc bệnh ung thư, vậy nguyên nhân khiến người trẻ mắc bệnh ung thư là gì và đối tượng nào dễ mắc ung thư vú khi trẻ tuổi?

PGS Ninh: Về vấn đề này nó liên quan nhiều đến tác phong, lối sống, sinh hoạt như tôi đã nói ở trên. Đó là các bạn trẻ khi còn sức khỏe thì không chú ý đến sức khỏe, ăn uống vô độ với đồ ăn nhanh, thức ăn không lựa chọn kỹ, ăn uống không thành bữa, bữa ăn mất cân đối, nhiều chất béo, chất bột, ít rau xanh, chất xơ… Cùng với đó là việc ít vận động nên tất cả các yếu tố đó kết hợp với nhau sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng.

MC: Thưa PGS, khi bị xác định mắc ung thư vú thì cần phải có chế độ tập luyện như thế nào cho hợp lý? Có nên tập những bài thể dục mất nhiều sức không?

PGS Phương: Theo tôi, với bệnh nhân ung thư vú khi chẩn đoán chính xác rồi thì việc tập luyện thể dục thể thao cần phải xác định chúng ta đang ở độ tuổi nào, giai đoạn bệnh ra sao và người bệnh đang ở giai đoạn nào trong quá trình điều trị.

Ví dụ, nếu người trẻ phát hiện giai đoạn sớm chỉ tiến hành cắt bỏ khối u xong tiến hành điều trị hóa trị, xạ trị ….thì sau khi kết thúc quá trình điều trị, có thể lựa chọn phương pháp tập luyện phù hợp với thể trạng của mình. Còn người đã phát hiện ở giai đoạn muộn cần cân nhắc, bởi những trường hợp ung thư đã di căn xương, nếu vẫn tập mạnh thì dễ gãy xương. Bởi vậy, tôi cho rằng bệnh nhân phải có kết nối với bác sĩ điều trị để có hướng dẫn cụ thể.

PGS Ninh: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của PGS Phương. Đối với bệnh nhân ung thư vú đúng là phải tùy theo sức khỏe của bản thân để đưa ra phương pháp tập luyện hợp lý. Bởi tập luyện với người bệnh ung thư chỉ là để lưu thông khí huyết, tránh ngồi một chỗ, để tinh thần thoải mái… chứ không phải gắng sức để tăng cường cơ bắp. Còn với thanh niên trẻ, sau khi điều trị khỏi hoàn toàn hoặc thể lực tốt thì có thể tập luyện môn thể thao cần sức hơn, nhưng vẫn phải tham khảo ý kiến bác sĩ.

Các chuyên gia trực tiếp giải đáp các thắc mắc của quý độc giả

Câu hỏi 1: Tôi năm nay 34 tuổi, mới lập gia đình và sinh con. Tôi đọc được thông tin rằng lập gia đình và sinh con muộn sau này dễ mắc ung thư vú. Điều đó có đúng không thưa bác sĩ, nếu đúng tôi phải làm sao để phòng bệnh?

Độc giả Minh Phương (Hà Nội)

PGS Phương: Những người phụ nữ lập gia đình muộn, trên 30 tuổi, không sinh con, không cho con bú là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, không hẳn 100% những người lập gia đình không sinh con, sinh con muộn, không cho con bú sẽ mắc ung thư vú, bạn chỉ thuộc những đối tượng có nguy cơ cao.

Để phòng tránh bệnh cũng như phát hiện sớm được bệnh, hàng tháng sau khi sạch kinh, bạn hãy tự sờ vào tuyến vú của mình. Khi tắm, hãy đứng trước gương và so sánh hai bên vú. Nếu thấy có bất cứ biến đổi gì như núm vú tụt vào trong, da ở vùng ngực thay đổi có thể lõm vào, màu da thay đổi hoặc chảy dịch ở đầu vú, đau vú, sờ thấy khối u cục thì nên đi khám ngay để bác sĩ đưa lời khuyên.

Hiện nay, nền y học của chúng ta cũng đã cập nhật được toàn bộ những tiến bộ y học trên thế giới. Với bệnh ung thư vú, chúng ta hoàn toàn có thể sàng lọc, phát hiện sớm được bằng cách hàng tháng tự kiểm tra và 6 tháng đi tới bệnh viện để thăm khám.

Một số trường hợp cần thiết có thể được chuyên gia gợi ý sàng lọc bằng cách siêu âm tuyến vú 2 bên, chụp X-quang tuyến vú 2 bên. Một số khác có thể xét nghiệm tế bào học nếu bác sĩ thấy bất cứ tổn thương bất thường ở tuyến vú.

Nếu chúng ta phát hiện sớm được bệnh ung thư vú thì hoàn toàn có thể chữa khỏi. Ngoài ra, có thể điều trị phẫu thuật bảo tồn, giữ nguyên vẹn hai tuyến vú của phụ nữ

Câu hỏi 2: Tôi còn trẻ, chưa sinh con, nếu cắt vú để chữa bệnh thì sau này có ảnh hưởng gì tới việc cho con bú hay không?

Độc giả Hoàng Lan (Bắc Ninh)

PGS Phương: Tùy bệnh lý ở tuyến vú, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị khác nhau. Cũng đã có những trường hợp người bệnh trẻ có u nang tuyến vú, u xơ tuyến vú hoặc mắc ung thư vú khi còn rất trẻ. Chúng tôi cũng từng gặp một số bạn nữ ở độ tuổi 22-24 bị ung thư vú, chưa lập gia đình, phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ một bên vú và áp dụng các phương pháp điều trị sau đó như hóa chất, xạ trị và nội tiết.

Những trường hợp đó, sau khi cắt bỏ một bên tuyến vú và được điều trị ổn định, bác sĩ nói bạn có thể lập gia đình và sinh con thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm vì vẫn còn một bên tuyến vú nên có thể cho con bú bình thường. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị mang thai và mang thai, bạn cần phải có sự thăm khám và theo dõi tốt của bác sĩ ung thư và bác sĩ sản khoa để quá trình theo dõi bệnh và thai nhi được tốt nhất.

Tưởng ăn thịt đỏ, uống sữa đậu nành gây ung thư vú nhưng đây mới là nguyên nhân thật sự - 4

Câu hỏi 3: Nhiều người cho rằng ung thư hiện nay nguyên nhân chủ yếu là do ăn uống và lối sống không lành mạnh. Vậy chúng ta nên ăn và tránh ăn những thực phẩm nào?

Độc giả Thư Minh (Phú Thọ)

PGS Ninh: Với vấn đề này, tôi có thể chia ra 2 mục chính là ăn uống khi phòng bệnh và khi đã mắc bệnh.

Với việc phòng bệnh, đầu tiên chúng ta phải ăn thức ăn sạch, ăn uống đầy đủ, cân đối và đa dạng, đủ các chất dinh dưỡng như chất đạm, chất béo cần thiết, chất đường. Hạn chế những nhóm chất nguy cơ dẫn tới ung thư vú, thừa cân, béo phì như là chất béo, đặc biệt là chất béo có nguồn gốc động vật, các món quay, chiên, bảo quản nhiều muối mặn, rượu bia, thuốc lá,… Vì những thứ đó dễ gây thừa cân, béo phì, rối loạn nội tiết và tăng nguy cơ ung thư vú.

Ăn đầy đủ rau quả tươi, vitamin, chất khoáng, chất xơ, đặc biệt là nhóm ngũ cốc. Bạn nên ăn ngũ cốc thô như gạo lứt, gạo giã rối hoặc ngô, khoai.

Còn khi mắc bệnh, đã và đang điều trị, bệnh tình đang nặng cũng cần quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng. Bởi lúc này cơ thể rất mệt do đang điều trị hóa chất hay vừa phẫu thuật xong, nên ăn càng sớm càng tốt và bắt đầu ăn những thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu để hệ tiêu hóa phục hồi được ngay.

Về lâu dài khi đã bị bệnh, cần kiêng khem những thực phẩm như đã nói ở trên. Chú ý ăn thêm các thức ăn có lợi như rau quả, ngũ cốc thô, uống nhiều nước và có nếp sống lành mạnh, vui vẻ, duy trì cân nặng ở mức cân đối.

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều các thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung được quảng cáo là chữa ung thư vú. Tất cả các thực phẩm chức năng chỉ ghi là hỗ trợ, không phải thuốc điều trị và có giá khá đắt nên nếu có nhu cầu mua dùng, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước, không nên quá tin những lời quảng cáo trên mạng xã hội.

Câu hỏi 4: Khi chị gái tôi điều trị ung thư ở Bệnh viện K, nhiều người đồng bệnh nói rằng khi mắc ung thư vú phải kiêng quan hệ tình dục vì như thế ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Điều này có đúng không thưa bác sĩ?

Độc giả Thu Quỳnh (Đồng Nai)

PGS Phương: Việc kiêng quan hệ tình dục hoàn toàn 100% là không đúng và phải tùy thuộc vào tình trạng bệnh của người bệnh. Với bệnh ung thư vú, phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và điều trị về nội tiết.

Ở giai đoạn sau phẫu thuật phải nằm viện một vài ngày, việc kiêng quan hệ tình dục trong thời điểm này là chắc chắn. Còn khi về nhà, sau phẫu thuật nếu cơ thể người phụ nữ phục hồi được, việc quan hệ tình dục cũng không ảnh hưởng lớn tới người bệnh.

Sau đó, nếu người bệnh cần điều trị bằng hóa trị thì sau mỗi chu kỳ hóa trị, người bệnh khá mệt và có thể gặp tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, nôn, chán ăn. Những trường hợp đó nếu phụ nữ có chế độ dinh dưỡng tốt, cơ thể sẽ phục hồi khá nhanh.

Trong trường hợp bệnh nhân có thể sử dụng thuốc hóa chất dạng truyền hay dạng uống thì nó sẽ tác động đến cả tế bào lành và tế bào ung thư nên cơ thể cần thời gian để hồi phục lại. Thường sau khoảng 7-10 ngày, người phụ nữ sau truyền hóa chất có thể ổn định được và ăn uống tốt, nếu như không mệt mỏi có thể sinh hoạt tình dục.

Nếu điều trị xạ trị, các tác dụng phụ cũng không nhiều và một số trường hợp được điều trị duy trì nội tiết kéo dài 5 năm thì trong khoảng thời gian điều trị xạ trị và điều trị nội tiết, việc quan hệ tình dục có thể thực hiện với tần suất như trước đây.

Trong thời gian này, nếu nam giới kì thị vợ, không quan hệ tình dục sẽ ảnh hưởng tới người bệnh, khiến họ tự ti, không được chồng con yêu quý, ảnh hưởng tới tâm lý của phụ nữ.

Do vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị để đưa ra tần suất quan hệ tình dục sao cho vẫn giữ được tổ ấm gia đình cũng như đạt hiệu quả điều trị tối ưu.

Tưởng ăn thịt đỏ, uống sữa đậu nành gây ung thư vú nhưng đây mới là nguyên nhân thật sự - 5

Câu hỏi 5: Thưa bác sĩ, tôi mắc ung thư vú đã 3 năm nay. Trong thời gian mắc bệnh tôi có đọc trên mạng và thấy mọi người khuyên khi mắc ung thư nên ăn gạo lứt, muối mè và uống các loại nước ép rau, củ, quả sẽ làm rất tốt và thực hiện thường xuyên sẽ mất khối ung thư. Thực hư phương pháp này như thế nào và tôi có nên thực hiện không?

Độc giả Minh Châu (Tuyên Quang)

PGS Ninh: Khi đọc trên mạng, tra Google sẽ thấy có rất nhiều phương pháp như ăn thực dưỡng, ăn kiêng khem để khối ung thư teo đi. Chế độ ăn gồm gạo lứt, muối mè, thực vật là lành mạnh và sạch, loại trừ một số yếu tố nguy cơ làm tăng hormone từ thịt động vật hay sữa hormone nhưng để loại trừ hẳn toàn bộ ung thư sẽ không được.

Có thể ung thư sẽ giảm xuống khi chúng ta ăn uống kiêng khem quá, có thể yếu tố hormone cũng ảnh hưởng nữa. Nhưng nếu bạn muốn ăn những thứ đó vẫn nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo chế độ ăn cân đối, đầy đủ nếu không sẽ dẫn tới suy nhược và làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Ăn uống chỉ là phương pháp hỗ trợ điều trị, không phải là phương pháp điều trị. Một chế độ ăn lành mạnh, hợp lý sẽ làm cơ thể khỏe mạnh, nhanh hồi phục nhưng không phải cách chữa ung thư.

PGS Phương: Bản thân tôi chưa từng gặp trường hợp bệnh nhân ung thư vú chỉ sử dụng chế độ ăn kiêng khem mà tiêu được khối u. Với bệnh ung thư vú, phương pháp điều trị chính vẫn là phẫu thuật cắt bỏ khối tổn thương, phẫu thuật cắt bỏ một bên vú kèm theo nạo vét hạch nách.

Sau đó tùy vào tình trạng kích thước khối u, nội tiết ra sao, tình trạng di căn hạch, giai đoạn bệnh mà cần các phương pháp điều trị bổ trợ là hóa chất, xạ trị, nội tiết. Một số trường hợp phát hiện bệnh muộn, không còn khả năng phẫu thuật thì sẽ thực hiện phương pháp điều trị hóa trị hoặc điều trị nội tiết trước để thu nhỏ kích thước khối u. Sau đó tiến hành các biện pháp phẫu thuật, hóa trị, nội tiết tiếp theo.

Trong quá trình điều trị bằng hóa trị, xạ trị, người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng thật tốt để cơ thể hồi phục nhanh chóng sau điều trị. Tránh tình trạng kiêng khem quá mức khiến cơ thể suy kiệt và bị các tác dụng phụ của hóa chất, khiến người bệnh hạ hồng cầu, gián đoạn quá trình điều trị, ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị.

Câu hỏi 6: Khi bị ung thư vú phải điều trị hóa chất, tôi thường hay bị nôn khi ăn uống. Vậy xin bác sĩ tư vấn quá trình điều trị như vậy thì nên ăn những loại thức ăn gì để vừa đủ chất, vừa ít buồn nôn?

Độc giả Kim Ngân (Hải Dương)

PGS Ninh: Thường những người đang điều trị hóa chất hoặc đang ở bệnh viện thì có chế độ ăn ở bệnh viện phục vụ đầy đủ các chất dinh dưỡng, dễ tiêu. Khi về nhà, người bệnh nên ăn chế độ lỏng, đầy đủ dinh dưỡng, dễ tiêu, hợp khẩu vị và có thể ăn ít một, một ngày ăn nhiều lần để tránh buồn nôn, nôn nhiều.

Ngoài ra nên ăn nhiều rau quả tươi, có thể say sinh tố để tăng cường chất xơ, vitamin, chất khoáng hỗ trợ cho tiêu hóa và giúp ngon miệng. Sau vài ngày, khi hết các dấu hiệu đó, có thể ăn như bình thường.

PGS Phương: Người bệnh ung thư vú nói riêng và ung thư nói chung khi điều trị hóa chất sẽ gặp tác dụng phụ, hay gặp nhất là cảm giác buồn nôn, nôn nao thậm chí nôn liên tục. Nếu gặp tình trạng này, bạn có thể nói với bác sĩ vì hiện nay ở Việt Nam có những loại thuốc chống nôn tốt. Nếu người bệnh có cảm giác nôn, buồn nôn, bác sĩ sẽ tư vấn và cho thuốc dạng uống, dạng tiêm để giảm tác dụng phụ.

Bạn cũng không nên vì sợ cảm giác nôn, buồn nôn mà không ăn. Hãy ăn đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều bữa, ăn thực phẩm dạng lỏng và đừng nghĩ tới triệu chứng nôn vì sẽ càng khiến chúng ta có cảm giác nôn.

Một tác dụng phụ nữa khi người bệnh truyền hóa chất có thể gặp là rối loạn tiêu hóa, đi phân lỏng, hoặc táo bón. Với chế độ ăn hợp lý, ăn thức ăn lỏng, chia nhiều bữa và đồng thời nói với bác sĩ để kê thuốc thì các triệu chứng trên của bạn sẽ bị đẩy lùi.

Ngoài ra, các tác dụng phụ khi điều trị hóa chất có thể gặp nếu bạn có chế độ ăn không được tốt đó là có nguy cơ giảm các dòng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Nếu người bệnh ăn kém sẽ có nguy cơ giảm bạch cầu, một số trường hợp có thể gây thêm triệu chứng sốt. Khi đó, cần tới bệnh viện ngay và báo cho bác sĩ điều trị vì có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.

Khi bị giảm bạch cầu kèm theo sốt, bạn sẽ không có khả năng chống chọi lại các vi khuẩn, virus. Trong trường hợp đó nếu bị nhiễm khuẩn, viêm phổi, tình trạng bệnh sẽ thêm nặng. Vì vậy, sau khi điều trị hóa chất, bạn cần có chế độ dinh dưỡng thật tốt để giảm thiểu các nguy cơ này. Nếu như bạn gặp bất cứ vấn đề gì hãy liên lạc ngay với bác sĩ.

Một tác dụng phụ khác của việc điều trị hóa chất đó là rụng tóc. Nó ảnh hưởng tới thẩm mỹ và tâm lý, đặc biệt là với phụ nữ. Nhưng người bệnh có thể yên tâm vì rụng tóc chỉ xảy ra trong quá trình điều trị hóa chất. Sau khi kết thúc điều trị, tóc sẽ mọc dần trở lại.

Mẹ trẻ phát hiện ung thư vú sau sinh, những người có nguy cơ cao mắc bệnh mà không biết
Khi đang cho con bú thấy đau ngực, nghĩ rằng do nuôi con bị kích sữa không ngờ mẹ trẻ sau đó phát hiện ung thư vú di căn.
PV
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Eva Chatting