Dù dành nhiều lời khen cho món phở của Việt Nam, vị chuyên gia người Mỹ cũng chỉ ra những điểm yếu cần tránh khi ăn, điều này cũng được các chuyên gia trong nước đồng tình.
Mới đây, chuyên gia dinh dưỡng Daniel Preiato (tốt nghiệp Đại học New York), hiện điều hành một cơ sở thực hành dinh dưỡng ở New York (Mỹ) đã đăng một bài viết nhận định về món phở của Việt Nam. Theo ông Daniel Preiato, món phở Việt Nam mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng vẫn còn những điểm hạn chế mà người ăn cần lưu ý khi sử dụng.
Theo vị chuyên gia này, món phở truyền thống của người Việt bao gồm phở bò và phở gà là phổ biến nhất. Cả hai món phở này đều giàu protein, đây là chất dinh dưỡng đa lượng giúp phát triển gân, cơ rất tốt. Theo khuyến cáo, mỗi người nên hấp thụ 0,8g protein/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Như vậy, món phở là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp đáp ứng nhu cầu trên.
Tuy nhiên, điều ông Daniel Preiato ấn tượng nhất đối với món phở của Việt Nam đó là chứa nhiều loại thảo mộc như gừng, hồi, quế, húng quế, rau mùi rất tốt cho sức khỏe. Theo đó, những hợp chất này có liên quan đến giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim và ung thư. Ngoài ra, nước hầm xương có thể tăng cường sức khỏe khớp do chứa glucosamine, chondroitin và collagen.
Món phở Việt Nam nhiều lần được vinh danh tại các trang ẩm thực uy tín và được các chuyên gia đánh giá cao về dinh dưỡng. Ảnh minh họa.
Dù dành nhiều lời khen cho món ăn đặc trưng của người Việt Nam, thế nhưng ông Daniel Preiato cũng chỉ ra rằng khi ăn phở cũng cần chú ý, nếu không vô tình chúng sẽ gây hại cho sức khỏe. Theo đó, đây là món ăn chứa nhiều calo, vì thế cần kiểm soát khi ăn để hạn chế tăng calo quá mức sẽ gây tăng cân.
Ngoài ra, phở chứa nhiều nhiều muối (natri), nhất là phở ăn liền và nước dùng ở các quán phở. Trong khi nếu tiêu thụ quá nhiều natri có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe ở một số nhóm người, đặc biệt là người tăng huyết áp. Do vậy, vị chuyên gia này khuyên tốt nhất nên tự nấu phở để điều chỉnh lượng muối phù hợp và không nên dùng phở ăn liền quá nhiều.
Trước những nhận định trên, chuyên gia dinh dưỡng trong nước cũng hoàn toàn đồng tình và khuyên mọi người nên ăn phở một cách thông minh để vừa ngon miệng, vừa không gây hại tới sức khỏe. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm (nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, đa số các quán phở bán ở Việt Nam nước phở thường rất đậm đà khiến nhiều người yêu thích và coi đây là món “ăn mãi không chán”.
“Nước phở đậm đà thường do chứa nhiều natri có thể từ muối (bột canh) hoặc nước mắm và chính các loại thực phẩm như thịt bò, xương hầm… cũng có sẵn hàm lượng muối nhất định. Vì thế, nước phở ngoài vị ngọt từ xương thì vẫn luôn có vị đậm từ các loại gia vị có chứa natri”, bác sĩ Lâm cho hay.
Một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng cho thấy, hàm lượng natri trong một bát phở bò bình thường đã đủ nhu cầu muối cho cơ thể cả ngày (với người trưởng thành). Trong khi đó, trong ngày chúng ta còn ăn nhiều bữa, nhiều thực phẩm khác vì thế sẽ dẫn tới dư thừa muối nạp vào cơ thể theo khuyến nghị của WHO là dưới 5g. Do vậy, bác sĩ Lâm khuyên mọi người khi ăn phở không nên dùng hết nước, chỉ dùng vài thìa để thưởng thức hương vị.
Nhiều người khi ăn phở có thói quen gọi nhiều đồ ăn kèm, khiến lượng calo nạp vào cơ thể rất lớn. Ảnh minh họa.
Bà Lâm cũng khuyến cáo thêm, khi ăn phở mọi người nên cân đối năng lượng trong chính bát phở và điều chỉnh năng lượng nạp vào trong cả ngày. “Rất nhiều người khi ăn phở thường gọi "full topping", ví dụ như phở bò thêm trứng chần, hay phở gà thêm trứng non, lòng mề hoặc ăn phần nhiều da… Như vậy, tổng năng lượng trong bát phở sẽ tăng lên nhiều. Nếu ăn như vậy mà các bữa sau không giảm bớt sẽ dẫn tới tình trạng tăng cân. Do vậy, việc cân đối năng lượng trong chính bữa ăn và suốt cả ngày là rất quan trọng”, bà Lâm cảnh báo.
Cuối cùng, bà Lâm cũng khuyên mọi người khi ăn phở cần gọi thêm rau ăn kèm. Trường hợp rau không hợp với món ăn thì hoàn toàn có thể bổ sung sau khi ăn hoặc các bữa trong ngày để đủ lượng rau, quả theo khuyến cáo là 400-500g/ngày.