Chúng ta đều được khuyên nên ngủ 7-8 tiếng mỗi ngày để có sức khỏe và tăng tuổi thọ nhưng thực sự chúng ta đạt được bao nhiêu lợi ích.
Mặc dù nghe có vẻ ngược đời, nhưng khi bạn chìm vào giấc ngủ để nghỉ ngơi thì đây lại chính là khoảng thời gian bận rộn nhất của cơ thể. Nhiều quy trình khác nhau đang hoạt động để giúp mọi thứ từ hệ thống tim mạch đến não của bạn hoạt động tốt nhất. Chính vì điều này mà ngủ đủ giấc có thể cải thiện sức khỏe tổng thể và thậm chí kéo dài tuổi thọ của bạn.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) gần đây đã chính thức xác định "thời gian ngủ" là một trong những chìa khóa để duy trì sức khỏe tốt và bổ sung nó vào danh sách Life's Essential 8 (danh sách gồm những yếu tố quyết định đến sức khỏe và tuổi thọ của mỗi người).
Trong đó, AHA khuyến nghị người trưởng thành nên ngủ 7-9 tiếng mỗi ngày, trẻ em từ 5 tuổi trở xuống cần nhiều hơn: 10-16 tiếng/ngày, bao gồm cả ngủ trưa; trẻ 6-12 tuổi cần ngủ 9-12 tiếng/ngày, trẻ 13-18 tuổi cần ngủ 8-10 tiếng/ngày. Ngủ đủ giấc thúc đẩy quá trình tự chữa lành của cơ thể, cải thiện chức năng não và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Ngoài ra, còn có 7 yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe bao gồm chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục, không hút thuốc lá, duy trì cân nặng ổn định, kiểm soát cholesterol, quản lý đường huyết và huyết áp.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ xác định giấc ngủ là 1 trong 8 yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ của bạn. (Ảnh minh họa)
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tulane Louisiana, Mỹ cũng đã công bố nghiên cứu của họ trên tạp chí Circulation vào tháng 4 để đưa ra câu trả lời về việc nếu thực hiện 8 việc trên thì có thể kéo dài bao nhiêu năm tuổi thọ.
Nghiên cứu đã phân tích tác động của 8 yếu tố đến tuổi thọ của 23.003 người tham gia Khảo sát Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia tại Mỹ từ năm 2005 đến 2018. 8 yếu tố được chấm theo thang điểm 100: thấp (dưới 50 điểm), trung bình (50-79 điểm), cao (trên 80 điểm). Kết quả cho thấy người có thang điểm cao nhất có tuổi thọ tăng thêm 8,9 năm ở tuổi 50 trở đi.
Nghiên cứu cho thấy trong số 8 yếu tố thì không hút thuốc, ngủ đủ giấc, tập thể dục và kiểm soát lượng đường trong máu có ảnh hưởng lớn nhất đến tuổi thọ. Cụ thể như sau:
1. Những người không hút thuốc dự kiến sẽ sống lâu hơn 7,4 năm so với những người hút thuốc nhiều nhất.
2. Những người ngủ đủ giấc và ngủ từ 7-9 tiếng mỗi ngày sống lâu hơn trung bình 5 năm so với những người ngủ quá ít.
3. Những người tập thể dục nhiều nhất sống lâu hơn trung bình 4,6 năm so với những người không tập thể dục.
4. Những người kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn sống lâu hơn trung bình 4,9 năm so với những người không kiểm soát được lượng đường trong máu.
Nghiên cứu từ Đại học Tulane Louisiana cho thấy những người ngủ đủ giấc mỗi ngày sống lâu hơn trung bình 5 năm so với những người ngủ quá ít. (Ảnh minh họa)
Tại sao giấc ngủ lại quan trọng như vậy?
Giấc ngủ đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe của bạn. Bạn thức dậy có khỏe khoắn, tỉnh táo hay không một phần phụ thuộc vào những gì xảy ra khi đang ngủ. Trong khi ngủ, cơ thể bạn đang làm việc để hỗ trợ chức năng não khỏe mạnh và duy trì sức khỏe thể chất của bạn.
Ở trẻ em và thanh thiếu niên, giấc ngủ cũng giúp hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển. Ngủ không đủ giấc lâu dần sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe mãn tính. Cụ thể, giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến những vấn đề sức khỏe sau:
Giấc ngủ giúp cơ thể phục hồi
Khi bạn ngủ, cơ thể sẽ bắt đầu sửa chữa và xây dựng lại. Trong thời gian này, cơ thể có thể dọn dẹp hệ thống bạch huyết, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Trong khi bạn ngủ, có nhiều quá trình quan trọng xảy ra, bao gồm:
- Sửa chữa cơ bắp
- Tổng hợp protein
- Tăng trưởng mô
- Giải phóng hormone
Giảm căng thẳng
Ngủ đủ giấc sẽ giúp giảm căng thẳng, tăng cường sự tập trung, khả năng phán đoán của bạn. (Ảnh minh họa)
Giấc ngủ là một liều thuốc giảm căng thẳng mạnh mẽ. Nó cải thiện sự tập trung, điều chỉnh tâm trạng, và tăng cường khả năng phán đoán và ra quyết định. Thiếu ngủ không chỉ làm suy giảm tinh thần mà còn làm giảm khả năng đối phó với các tình huống căng thẳng. Điều này một phần là do tác động của mức cortisol cao mãn tính.
Cải thiện trí nhớ
Giấc ngủ đóng vai trò là cơ hội để tâm trí xử lý tất cả các kích thích mà chúng ta đã tiếp nhận khi thức; và kích hoạt những thay đổi trong não giúp củng cố các kết nối thần kinh giúp chúng ta hình thành ký ức. Những ký ức này có thể được truy cập sau này thông qua một quá trình gọi là nhớ lại, đó là lý do tại sao giáo viên nhấn mạnh tầm quan trọng của một giấc ngủ ngon trước khi làm bài kiểm tra.
Giấc ngủ cũng rất quan trọng đối với việc củng cố trí nhớ. Nhiều nghiên cứu tìm thấy rằng giấc ngủ hỗ trợ quá trình này thông qua một loạt các cơ chế điện sinh lý, hóa học thần kinh và di truyền diễn ra trong giai đoạn giấc ngủ sóng chậm.
Giúp bạn duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh
Khi bạn thiếu ngủ, cơ thể bạn sẽ thay đổi các hormone điều chỉnh cảm giác đói và thèm ăn. Những hormone này bao gồm:
Leptin: Loại hormone này ngăn chặn sự thèm ăn và khuyến khích cơ thể tiêu hao năng lượng.
Ghrelin: Hormone này kích hoạt cảm giác đói.
Nếu bạn thiếu ngủ, hormone leptin giảm xuống và ghrelin tăng lên. Từ đó khiến bạn có xu hướng ăn nhiều hơn, lâu dần dẫn đến tăng cân, béo phì.
Bạn cũng có nhiều khả năng lựa chọn lối sống không lành mạnh khi mệt mỏi. Vì không ít người có xu hướng uống đồ uống có đường để tỉnh táo, ăn đồ mua bên ngoài thay vì tự nấu nướng hoặc bỏ tập thể dục. Thỉnh thoảng ăn bên ngoài hoặc ngừng tập thể dục có thể không sao, nhưng nếu tình trạng mệt mỏi mãn tính kéo dài, điều này có thể dẫn đến tăng cân hoặc phát triển bệnh béo phì, tiểu đường.
Ngủ đủ giấc cũng sẽ khiến bạn dễ có xu hướng lựa chọn những lối sống lành mạnh hơn nên duy trì cân nặng ổn định. (Ảnh minh họa)
Ngăn ngừa bệnh tật
Thiếu ngủ có thể gây ra những tác động rất bất lợi cho sức khỏe và có liên quan đến các bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim và thậm chí có thể dẫn đến béo phì.
Thiếu ngủ khiến bạn dễ bị bệnh hơn vì hệ thống miễn dịch không hoạt động ở mức cao nhất. Một nghiên cứu cho thấy những người ngủ trung bình ít hơn 7 tiếng có nguy cơ bị cảm lạnh cao gần gấp 3 lần so với những người được nghỉ ngơi đầy đủ.
Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần
Các vấn đề về giấc ngủ rất phổ biến ở những người mắc bệnh tâm thần. Trên thực tế, giấc ngủ bị gián đoạn thường được coi là triệu chứng và hậu quả của rối loạn sức khỏe tâm thần, mặc dù thiếu ngủ hiếm khi được coi là nguyên nhân của tình trạng sức khỏe tâm thần.
Vấn đề về giấc ngủ phổ biến nhất liên quan đến sức khỏe tinh thần kém là chứng mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ hoặc duy trì giấc ngủ dài. Mất ngủ đã được phát hiện là làm trầm trọng thêm hầu hết các rối loạn sức khỏe tâm thần, đặc biệt là chứng hoang tưởng và ảo giác.