Người đàn ông có biểu hiện đột quỵ nhưng không hề hay biết, cho tới khi được bác sĩ chỉ ra nguy cơ tiềm ẩn.
Ngủ ngay sau khi nằm xuống được coi là bình thường đối với một số người, đặc biệt nếu họ có thói quen ngủ tối ưu và lịch trình ngủ đều đặn. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xem xét các yếu tố khác có thể góp phần khiến bạn chìm vào giấc ngủ nhanh hơn, chẳng hạn như thiếu ngủ, buồn ngủ ban ngày quá mức hoặc các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.
Bác sĩ y khoa gia đình Huang Huilun tại Bệnh viện Đa khoa Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) chia sẻ trong chương trình truyền hình câu chuyện về bệnh nhân của ông. Ông kể, một người đàn ông ở độ tuổi 40 đưa bố đi khám vì bố mất ngủ liên tục. Anh khoe rằng luôn có thể "ngủ khò chỉ sau vài giây ngả lưng" và không thể hiểu tại sao bố mình lại khó ngủ như vậy. Nghe như vậy, bác sĩ hỏi thêm: "Anh ngủ có ngon xuyên đêm không?", người đàn ông trả lời: "Không ngon lắm. Sau khi thức dậy vào ban đêm để đi tiểu, tôi không thể ngủ lại được, giấc ngủ bình thường cũng ngắn".
Đặt lưng xuống là ngủ chưa hẳn đã tốt. (Ảnh minh họa).
Khi nghe lời chia sẻ, bác sĩ Huang Huilun đề nghị người đàn ông sắp xếp thời gian để kiểm tra sức khỏe. Kết quả cho thấy người đàn ông này mắc một loạt bệnh về tim mạch như huyết áp cao, cholesterol cao và xơ vữa động mạch, có nguy cơ cao gây đột quỵ.
Bác sĩ Huang Huilun giải thích thêm, chìm vào giấc ngủ chỉ trong vài giây không có nghĩa là cơ thể rất khỏe mạnh. Nói chung, thời gian để chìm vào giấc ngủ bình thường là 5-20 phút. Những người đặt lưng là ngủ không có nghĩa là sức khỏe tốt.
Vì sao "đặt lưng là ngủ" chưa hẳn đã tốt?
Nghiên cứu về tim mạch cho thấy khoảng 6-7% số người mắc bệnh tim mạch có "chất lượng giấc ngủ kém" hoặc "thời gian ngủ ngắn". Khi chất lượng giấc ngủ kém, ngủ thiếp đi trong vài giây từ khi đặt lưng xuống giường hoặc ngủ quá ngắn có thể gây ra bệnh, dẫn đến các triệu chứng như huyết áp dao động quá mức, viêm thành mạch máu, thậm chí dẫn đến các bệnh như lão hóa và tắc nghẽn mạch máu. Chuỗi bệnh này sẽ dẫn đến khả năng đột quỵ cao.
Huang Huilun nhắc nhở "đặt lưng là ngủ" có thể là tín hiệu cảnh báo do cơ thể gửi đến bạn. Bạn nên tự đo huyết áp và kiểm tra sức khỏe khi có thời gian để phát hiện và điều trị các vấn đề tiềm ẩn càng sớm càng tốt.
Ngủ quá nhanh có thể là dấu hiệu của rắc rối gì?
Việc trôi đi quá nhanh vào giấc ngủ đồng nghĩa với việc một người đang bị thiếu ngủ ở một dạng nào đó, tức là người đó không được nghỉ ngơi đầy đủ. Nguyên nhân bao gồm không ngủ đủ giấc, ngủ không đúng thời điểm trong ngày, không trải nghiệm giấc ngủ chất lượng hoặc bị rối loạn giấc ngủ khiến họ không thể ngủ đúng cách.
Những dấu hiệu tinh tế của tình trạng thiếu ngủ bao gồm:
- Những khoảnh khắc yên tĩnh khiến bạn buồn ngủ: Ngồi khi tham gia giao thông, đọc sách hoặc làm điều gì đó nhàm chán khiến bạn muốn ngủ gật.
- Bạn không thể tập trung: Khi não không được ngủ phục hồi, bạn có thể gặp khó khăn trong việc tập trung hoặc ghi nhớ mọi thứ. Bạn có thể mắc nhiều sai lầm hơn và gặp khó khăn khi đưa ra quyết định.
- Mọi cảm xúc của bạn rất mãnh liệt: Bạn cảm giác như muốn hét lên, muốn làm việc gì đó thay vì giữ điềm tĩnh.
- Bạn nghiện cà phê: Khi được nghỉ ngơi đầy đủ, bạn không cần caffeine để vượt qua cả ngày. Nếu bạn uống cà phê, trà hoặc nước tăng lực suốt cả ngày, caffeine có thể vô tình che giấu các dấu hiệu thiếu ngủ của bạn.
Những cách thiết thực để ngủ đúng và đủ giấc
- Viết nhật ký giấc ngủ: Ghi lại thời điểm bạn đi ngủ, thời điểm thức dậy và cảm giác nghỉ ngơi của bạn ngày hôm đó. Nhật ký này có thể cung cấp thông tin có giá trị về chất lượng giấc ngủ của bạn.
- Tắt màn hình: Ánh sáng xanh từ điện thoại thông minh, máy tính bảng và TV có thể đánh lừa bộ não của bạn khiến bạn tỉnh táo. Không sử dụng màn hình ít nhất một giờ trước khi đi ngủ.
Nên đi ngủ sớm thay vì thức khuya. (Ảnh minh họa).
- Điều chỉnh giờ đi ngủ: Nếu bạn buồn ngủ nhanh hoặc không cảm thấy được nghỉ ngơi, hãy đi ngủ sớm hơn 15 phút. Nếu bạn không thấy sự cải thiện sau một tuần, hãy lùi lại 15 phút nữa.
- Giữ lịch trình cố định: Đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả cuối tuần. Điều này giúp thiết lập đồng hồ bên trong cơ thể bạn.
- Ra ngoài khi mặt trời chiếu sáng: Dành thời gian ở ngoài trời trong ngày. Ánh sáng ban ngày sẽ báo cho cơ thể bạn biết khi nào cần phải thức dậy. Đi bộ, đi xe đạp hoặc các hoạt động thể chất khác rất tốt cho sức khỏe và cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn.