Tập luyện sai cách, người đàn ông mất mạng đột ngột, khiến nhiều người sốc.
Theo Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh (Trung Quốc), một người đàn ông đến phòng tập thể dục để học boxing như thường lệ. Anh ta đổ mồ hôi đầm đìa sau khi tập luyện. Chỉ một lúc sau đó, anh đột nhiên cảm thấy khó chịu và ngã xuống đất, bất tỉnh. Dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng tính mạng của anh không thể giữ được. Gia đình bệnh nhân khởi kiện phòng gym ra tòa. Sau khi điều tra, tòa án cho rằng nạn nhân có tiền sử bệnh tim nhưng cố chấp đi tập, dẫn đến mất mạng.
Tập luyện không đúng cách thậm chí có thể mất mạng. (Ảnh minh họa).
Tập thể dục là tốt nhưng nên tránh những đại kỵ cơ bản
Bản thân việc tập thể dục không có gì sai, bởi tăng cường sức mạnh cho cơ thể là điều luôn được ủng hộ. Nên vận động cơ thể khi điều kiện cho phép, tuy nhiên cần lưu ý không theo đuổi các bài tập cường độ cao.
Bơi lội, chơi bóng, đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe... là những bộ môn vận động được mọi người yêu thích, cũng là những bài tập phổ biến nhất. Chúng không chỉ có tác dụng tăng cường cơ thể mà còn đốt cháy chất béo. Tuy nhiên, khi cường độ tập luyện tiếp tục tăng lên, gánh nặng lên tim sẽ ngày càng nặng nề hơn. Một khi vượt quá giới hạn chịu đựng của cơ thể, tập luyện có thể gây ra đột tử. Để tránh nguy cơ tập luyện quá sức, các chuyên gia đã vạch ra "ranh giới đỏ" trong khi tập luyện, đó là nhịp tim tối đa. Nếu nhịp tim của bạn vượt quá “nhịp tim tối đa” khi tập luyện thì tai nạn sẽ dễ xảy ra.
Công thức tính "nhịp tim tối đa" của mỗi người
Nhịp tim tối đa được tính bằng 220 trừ đi số tuổi (ví dụ 60 tuổi sẽ có nhịp tim tối đa là 160). Khi bắt đầu một chương trình tập thể dục, người tập cần phải tăng dần cường độ để nhịp tim tăng dần đến vùng nhịp tim tối đa, đặc biệt nếu trước đó chưa có tập thể dục thường xuyên.
Trong quá trình tập luyện, nhịp tim của một người sẽ tăng dần theo thời gian. Nói chung, tập thể dục với cường độ vừa phải sẽ thích hợp hơn, tức là nhịp tim đạt 70%-80% nhịp tim tối đa. Nếu bạn tiếp tục tập luyện, nhịp tim sẽ tiếp tục tăng. Khi nhịp tim vượt quá 80% hoặc thậm chí cao hơn nhịp tim tối đa thì khả năng xảy ra các bất thường về tim mạch sẽ tăng lên. Đặc biệt những người mắc các bệnh tiềm ẩn như cao huyết áp, mỡ máu cao, tim mạch cần đặc biệt chú ý, nếu không sẽ nguy hiểm sức khỏe, tính mạng.
5 tình huống gây đột tử phổ biến
Có thể thấy, tuy đột tử do tập thể dục có liên quan đến tập thể dục nhưng xét cho cùng thì không phải bản thân "tập thể dục" gây ra đột tử mà là nhiều nguyên nhân khác.
Nguyên nhân phổ biến dẫn đến đột tử do tập thể dục trong khi cơ thể có các bệnh tiềm ẩn không được phát hiện và chẩn đoán kịp thời. Do đó, nếu bạn quan sát bản thân thấy rất mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng trước khi tập thể dục, bạn có thói quen hàng ngày đặc biệt không lành mạnh, bạn không tập thể dục nhiều và đôi khi tập thể dục quá sức, tốt nhất nên thay đổi cách tập. Không tập nặng trong 5 trường hợp: sau khi thức khuya, sau khi bị ốm hay kiệt sức, trong khi bị ốm, khi đói, khi có bệnh nền.
Nếu bị tim mạch không nên tập luyện quá sức. (Ảnh minh họa).
Quy tắc tập luyện
Từ góc độ phòng ngừa và điều trị các bệnh tim mạch, tập thể dục vừa phải có thể tăng cường cơ thể, cải thiện sức chịu đựng của tim và cải thiện việc cung cấp máu cho cơ tim. Đối với mỗi trường hợp, số lượng bài tập cũng khác nhau và cần được cá nhân hóa. Đối với người bình thường, tập thể dục vừa phải là tập thể dục "cường độ vừa phải". Thực hiện 5 đến 7 lần một tuần, mỗi lần khoảng 30 phút là rất phù hợp.
Làm thế nào để đánh giá xem tập thể dục có vừa phải không? Trong trường hợp bình thường, nếu bạn hơi khó thở và đổ mồ hôi nhẹ khi tập thể dục, tình trạng khó thở sẽ biến mất trong vòng 4 phút sau khi ngừng tập và nhịp tim trở lại bình thường hoặc gần mức bình thường trong vòng 10 phút, giống trạng thái trước khi tập. Còn nếu rất lâu sau bạn vẫn mệt, bạn cần đi khám để được tư vấn.
Ngoài ra, những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch vành, đặc biệt là những người sau nhồi máu cơ tim hoặc suy tim, không có nghĩa là không thể tập thể dục mà cần phải được đánh giá chức năng tim phổi và tập từng bước dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.