Một người phụ nữ trẻ đột ngột qua đời sau khi nhịn tiểu quá lâu là lời cảnh báo cho những ai đang có thói quen này.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, người phụ nữ họ Chen, 22 tuổi có thói quen nhịn tiểu, buổi đêm đang ngủ dù có buồn vệ sinh cô cũng quyết nhịn chờ tới sáng. Một buổi sáng, cô Chen thức dậy vội vã lao vào nhà vệ sinh để tiểu tiện và đánh răng, rửa mặt chuẩn bị đi làm.
Mẹ của cô Chen vốn đã quen thuộc với điều này nên cũng chẳng lo lắng, bà ra ngoài mua đồ ăn sáng cho cả nhà. Khi trở về, bà đợi mãi không thấy con gái ra ngoài để ăn sáng nên đã vào nhà vệ sinh kiểm tra, kết quả phát hiện con gái đã ngã lăn ra đất, nhịp tim và nhịp thở đều không còn.
Sau khi thông tin về vụ việc được đăng tải, nhiều người vô cùng hoang mang và thắc mắc tại sao chỉ một hành động nhỏ lại gây ra hậu quả lớn như vậy.
Về vấn đề này, bác sĩ Chen Shuqiu, Phó giám đốc Khoa Tiết niệu tại Bệnh viện Zhongda thuộc Đại học Đông Nam, Trung Quốc phân tích rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết đột ngột của người phụ nữ có thể là do cô nhịn tiểu quá lâu, gây căng thẳng và kích thích quá mức.
Bởi vì sau khi nhịn lâu, đến khi đi tiểu thường rất gấp và mạnh dẫn đến bàng quang bị làm rỗng quá nhanh, kèm theo huyết áp và nhịp tim tụt, máu không thể được đưa lên não ngay lập tức. Với người khỏe mạnh có thể chỉ cảm thấy hơi run rẩy và khó chịu nhưng với những người có vấn đề tim mạch tiềm ẩn thì có thể dẫn tới hôn mê.
Dù điều này chưa đủ để gây tử vong nhưng nếu bị đập đầu mạnh hay va đập vào các đồ vật khác khi ngã xuống, điều bất hạnh như cô gái trẻ này có thể xảy ra.
Cô gái trẻ tử vong trong nhà vệ sinh sau khi nhịn tiểu quá lâu. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Weng Huiling, Giám đốc Khoa Tiết niệu tại Bệnh viện Dalin Tzu Chi ở Gia Nghĩa, Đài Loan (Trung Quốc) có cùng quan điểm. Ông giải thích nếu bạn nhịn tiểu quá lâu, bàng quang sẽ sưng lên đến mức chèn ép các mô và cơ quan xung quanh, lưu lượng máu cung cấp cho bàng quang sẽ rất ít.
Lúc này nếu đi vệ sinh gấp, các mô và cơ quan bị bàng quang chèn ép sẽ lập tức được giải phóng, máu sẽ đồng loạt tràn vào, lưu lượng máu đến các bộ phận khác trong cơ thể chắc chắn sẽ giảm do tác động của dây thần kinh phó giao cảm, huyết áp có thể giảm đột ngột, những người vốn đã có sức khỏe kém có thể bị ngất xỉu.
Tuy nhiên, bác sĩ Weng Huiling cho biết không phải lúc nào điều này cũng có thể xảy ra bởi tỷ lệ đột tử do nhịn tiểu không cao. Do đó, mọi người không nên quá lo lắng nhưng cũng không nên chủ quan mà giữ thói quen nhịn đi vệ sinh.
Nhịn tiểu có thể gây ra hậu quả gì?
Bác sĩ Weng Huiling cho biết bàng quang thực ra rất cần được cung cấp máu và oxy vì nó cũng chứa nhiều mao mạch. Nếu nhịn tiểu quá lâu, bàng quang sẽ trở nên rất căng giống như một quả bóng bị bơm quá nhiều không khí, thành bàng quang sẽ mỏng đi, các mao mạch bị chèn ép và không thể cung cấp lượng oxy và máu cho bàng quang.
Bên cạnh đó, việc làm này sẽ khiến cơ thắt niệu đạo và cơ bàng quang giãn nở không phối hợp, gây hẹp niệu đạo, khó tiểu tiện, thậm chí có thể khiến nước tiểu chảy ngược về thận, gây ra những tổn thương khủng khiếp không thể phục hồi như phù thận, suy giảm chức năng bàng quang và rối loạn dẫn truyền thần kinh.
Thường xuyên nhịn tiểu sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận và bàng quang. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Weng Huiling nhắc nhở khi lượng nước tiểu tích tụ trong bàng quang đạt tới 350ml, bạn sẽ cảm thấy cần đi vệ sinh, lúc này tốt nhất bạn nên thực hiện ngay nhưng nếu có việc gấp cần giải quyết thì bạn có thể vẫn giữ nó trong một thời gian ngắn.
Khi lượng nước tiểu đến 550-600ml, bạn sẽ cảm thấy muốn đi vệ sinh gấp, lúc này không thể chờ đợi được, phải giải quyết càng sớm càng tốt, nếu không bạn có thể mất đi cảm giác buồn vệ sinh và nếu không may xảy ra va chạm, bàng quang quá căng có thể bị vỡ hoặc gây nhiễm trùng ngược.
Trên lâm sàng, nhiều người cao tuổi phải nhập viện do nhiễm trùng đường tiết niệu, thậm chí là những trường hợp nặng như nhiễm trùng huyết.
Do đó, mọi người đừng bỏ qua những vấn đề sức khỏe có thể phát sinh do việc nhịn tiểu.