Người đàn ông ở Hà Nội phải lọc máu khẩn cấp do nhầm lẫn dùng cồn sát khuẩn phòng COVID-19

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 10/03/2022 12:48 PM (GMT+7)

Sau khi uống nhầm 100ml cồn, nam bệnh nhân ở Đội Cấn, Hà Nội đã phải nhập viện và được cho lọc máu khẩn cấp để điều trị.

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ tại trung tâm vừa tiếp nhận, cấp cứu một nam bệnh nhân 54 tuổi, ở Hà Nội bị ngộ độc do uống nhầm cồn công nghiệp.

Khi vào viện, bệnh nhân đã ở trong tình trạng đau đầu, mờ mắt, chóng mặt. Theo thông tin gia đình bệnh nhân chia sẻ, do dịch bệnh COVID-19 bùng phát nên gia đình ra hiệu thuốc gần nhà mua 2 lọ cồn để các thành viên trong gia đình thực hiện việc sát khuẩn hàng ngày.

Do mua tại hiệu thuốc nên gia đình tin tưởng để sử dụng cho mọi công tác sát khuẩn mà không đọc kỹ công dụng ghi trên nhãn mác: “Dùng làm chất đốt và rửa kính”. Trước khi nhập viện 01 ngày, bệnh nhân có uống nhầm khoảng 100 ml cồn, sau đó thì xuất hiện các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ…và được người thân đưa đi cấp cứu.

Bác sĩ Trung Nguyên cho biết, may mắn là bệnh nhân đến viện kịp thời, các bác sĩ đã xử trí lọc máu khẩn cấp nên bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch. Hiện tại, bệnh nhân còn di chứng mờ mắt.

Chai cồn bệnh nhân mang đến là hóa chất, không được phép sử dụng trong việc sát khuẩn phòng dịch bệnh. Ảnh: BVCC

Chai cồn bệnh nhân mang đến là hóa chất, không được phép sử dụng trong việc sát khuẩn phòng dịch bệnh. Ảnh: BVCC

Khi đưa bệnh nhân đi cấp cứu, gia đình có cầm theo chai cồn mà trước đó bệnh nhân uống, qua xét nghiệm tại trung tâm cho thấy, nồng độ cồn công nghiệp methanol là 56%. Bác sĩ Nguyên cho biết, loại cồn sát trùng, sát khuẩn mà mọi người vẫn hay dùng phổ biến là ethanol, còn cồn công nghiệp methanol là hóa chất độc hại không được dùng làm dung dịch sát trùng.

Theo bác sĩ Nguyên, vấn đề này rất đáng cảnh báo, vì sản phẩm cồn công nghiệp methanol nêu trên có nguy cơ rất cao gây ngộ độc cho người sử dụng.

Thứ nhất, mặc dù trên nhãn ghi công dụng chỉ dùng “dùng làm chất đốt và rửa kính”, có nghĩa là hóa chất độc hại, hoàn toàn không liên quan y tế nhưng lại được bán ở hiệu thuốc.

Thứ hai, về hình thức có nhiều điểm làm người mua hiểu là cồn sát trùng như đóng chai giống hệt chai cồn sát trùng, có chữ “cồn 70 độ”, được sản xuất bởi một công ty dược nên gây nhầm lẫn cho người dân.

“Cồn công nghiệp methanol hoàn toàn không được sử dụng để sát trùng trong y tế. Nếu dùng thì không đảm bảo tác dụng sát trùng, đồng thời dùng quá nhiều trên diện da rộng và nhiều lần hoặc kéo dài thì ngấm qua da tới mức đủ gây ngộ độc (nhiễm toan chuyển hóa, tổn thương mắt, tổn thương não). Do các đặc điểm dễ nhầm lẫn và lại được bán ở hiệu thuốc nên người dân dễ dàng mua về sử dụng không đúng dẫn tới ngộ độc”, bác sĩ Nguyên cảnh báo.

Nhiều năm gần đây, qua việc xét nghiệm các chai cồn sát trùng do bệnh nhân mang tới, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng rởm (chai cồn chỉ có chứa thành phần cồn công nghiệp methanol và nước).

Dù sự việc đã được báo tới cơ quan có thẩm quyền, tuy nhiên các sản phẩm cồn công nghiệp như vậy vẫn tiếp tục được bán ở các hiệu thuốc nhưng đã thay đổi nhãn mác về công dụng thành “dùng để đốt hay lau chùi”, hình thức chai lọ và nhãn mác vẫn rất giống các chai cồn sát trùng. Còn người dân thì vẫn phải mua các sản phẩm không an toàn này về dùng.

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, người dân khi mua cồn về sát trùng phải xem kỹ các thông tin trên nhãn mác, đặc biệt về công dụng, thành phần cụ thể rõ ràng để tránh sử dụng nhầm mục đích và sẽ dẫn đến gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần đưa ra các biện pháp, chế tài không để cồn công nghiệp được phép bán tại hiệu thuốc mà chỉ nên bán tại quầy bán các hóa chất tẩy rửa hoặc cửa hàng hóa chất để tránh gây nhầm lẫn cho người sử dụng.

Bé 5 tháng tuổi Quảng Ninh ngộ độc thuốc nhỏ mũi, mẹ tuyệt đối tránh thuốc này cho con nhỏ
Sau khi được nhỏ mũi, bé 5 tháng tuổi bắt đầu có các dấu hiệu bất thường như lơ mơ, da tái và lạnh, vã mồ hôi...

Tai nạn trẻ em

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19