Sắn tuy thơm ngon nhưng lại chứa độc tố có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng nên mọi người cần cẩn trọng khi ăn.
Sắn là một loại rau ăn củ được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Trong quá khứ, sắn được xem là thực phẩm cứu đói cho những gia đình hoàn cảnh, sắn được độn thêm vào cơm để tăng thêm tinh bột. Ngày nay, sắn không chỉ là món cứu đói, nó đã được chế biến thành nhiều món ngon và rất được yêu thích. Ngoài sắn hấp hay luộc, mọi người còn có thể làm chè sắn, bánh sắn,... ăn cũng rất ngon.
Theo trang tin y tế Medical News Today, sắn tuy không phải thực phẩm cao cấp nhưng nó cung cấp một số chất dinh dưỡng quan trọng và tinh bột kháng, có thể có lợi cho sức khỏe.
Sắn là một nguồn cung cấp carbohydrate dồi dào, giàu calo và chứa các vitamin, khoáng chất quan trọng. Sắn là một nguồn cung cấp vitamin C, thiamine, riboflavin và niacin. Sắn cũng là một nguồn cung cấp tinh bột kháng, có thể tăng cường sức khỏe đường ruột bằng cách giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi cho đường ruột.
Sắn có chứa độc tố axit cyanhydric.
Mặc dù vậy, trong sắn có chứa một thành phần độc tố khá nguy hiểm, mọi người cần hết sức cẩn trọng khi ăn.
Sắn có chứa độc tố, tập trung nhiều nhất ở 3 bộ phận
Trong củ sắn có chứa chất độc là axit cyanhydric (HCN), một chất có thể gây độc chết người. Lượng chất độc trong sắn phụ thuộc vào nơi trồng, giống sắn (sắn đắng, sắn cao sản chứa HCN cao hơn sắn ngọt). Độc tố axit cyanhydric của củ sắn nằm ở 3 bộ phận: hai đầu củ sắn, xơ sắn và nhiều nhất là ở vỏ sắn.
Mọi người không nên ăn sắn sống, sắn nấu chưa chín, ăn sắn cả vỏ hay ăn quá nhiều vì có thể dễ hấp thụ chất độc này. Khi ăn và hấp thụ quá nhiều axit cyanhydric có thể làm suy giảm chức năng tuyến giáp và thần kinh. Nó cũng có thể gây tê liệt và tổn thương các cơ quan, và thậm chí gây tử vong Việc ngâm và nấu chín sắn sẽ làm cho các hợp chất này trở nên vô hại.
Sắn đã nấu chín sẽ giảm bớt độc tố.
Ngoài việc chứa chất độc là axit cyanhydric, sắn cũng có thể hấp thụ các chất ô nhiễm từ nguồn đất trồng, nhất là khi nơi đó gần đường giao thông và nhà máy. Các chất ô nhiễm mà cây sắn có thể hấp thụ và truyền sang con người bao gồm:
- Kim loại
- Thuốc trừ sâu
- Thuốc diệt cỏ
Điều này có thể làm tăng mức độ nguy hiểm cho những người thường xuyên ăn sắn như thực phẩm chính.
Cách ăn sắn để tránh bị ngộ độc
Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội), axit cyanhydric là loại axit dễ bay hơi và tan trong nước nên việc loại bỏ độc chất trong sắn không khó.
Theo PGS Thịnh, khi mọi người ăn sắn phải lột sạch vỏ, cắt bỏ phần đầu và đuôi vì đây là những bộ phận chứa nhiều độc tố. Sau đó, ngâm sắn trong nước sạch càng lâu càng tốt, rửa sạch nhiều lần. Khi luộc sắn phải mở nắp để độc tố tan vào nước và bốc hơi đi.
Ngoài ra, khi ăn sắn nên chấm với đường hay mật để trung hòa chất độc. Nếu thấy sắn có vị đắng nên bỏ đi vì sắn càng đắng thì càng nhiều axit cyanhydric.
Không nên ăn quá nhiều sắn hay ăn khi đói.
Mọi người cũng không ăn đọt sắn, sắn cao sản, sắn lâu năm,... đây là những loại chứa nhiều chất độc. Hạn chế cho trẻ nhỏ ăn sắn nhất là lúc đói, ăn vào buổi tối vì khó phát hiện ra dấu hiệu ngộ độc axit cyanhydric. Hơn nữa, trẻ dưới 3 tuổi, hệ tiêu hóa vẫn còn non nớt, chưa thực hiện tốt việc tiêu hóa và loại thải độc tố. Nếu cho trẻ ăn nhiều, các chất độc tố có thể tích tụ lại trong cơ thể trẻ lâu ngày và gây bệnh.